Bệnh tràn máu phúc mạc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tràn máu phúc mạc là tình trạng xuất huyết trong ổ bụng cần được cấp cứu ngay lập tức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Để biết rõ hơn về hội chứng này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh tràn máu phúc mạc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Tràn máu phúc mạc là một loại chảy máu trong (xuất huyết nội). Khi gặp tình trạng này, máu sẽ tích tụ trong khoang phúc mạc. Khoang phúc mạc là một khu vực nhỏ nằm giữa các cơ quan nội tạng và thành bụng bên trong. Nếu xảy ra chấn thương vật lý, mạch máu hoặc cơ quan bị vỡ hoặc mang thai ngoài tử cung, hiện tượng tràn máu phúc mạc có thể xảy ra.

Đây là một tình trạng khẩn cấp, cần cấp cứu. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào liên quan và nghi ngờ, người bệnh không nên trì hoãn việc đến bệnh viện để kiểm tra kịp thời.

2. Triệu chứng

Các triệu chứng của tràn máu phúc mạc có thể khó nắm bắt trừ khi xảy ra tai nạn hoặc chấn thương kín và người bệnh đến bệnh viện để kiểm tra. Một nghiên cứu cho thấy ngay cả các dấu hiệu quan trọng như nhịp tim và huyết áp cũng có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp.

Các triệu chứng như chảy máu trong ở vùng chậu hoặc vùng bụng có thể tăng nặng và trở thành triệu chứng sốc. Một số triệu chứng khác bao gồm:

Đau ở vị trí bụng;

Đau nhói ở vùng xương chậu;

Chóng mặt hoặc lơ mơ;

Buồn nôn hoặc nôn;

Da lạnh, đổ mồ hôi lạnh.

3. Nguyên nhân

Tai nạn xe hơi và chấn thương trong thể thao là nguyên nhân của hầu hết các ca tràn máu phúc mạc. Bên cạnh đó, chấn thương kín hoặc tổn thương lá lách, gan, ruột hay tuyến tụy đều có thể gây ra tình trạng này.

Một nguyên nhân phổ biến khác là mang thai ngoài tử cung (chửa ngoài dạ con), tỉ lệ 1/50 trường hợp mang thai. Lạc nội mạc tử cung hay áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh nở khiến nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn.

Ngoài ra, có thể điểm danh các nguyên nhân khác như:

Vỡ các mạch máu lớn

Vỡ u nang buồng trứng

Thủng loét

Vỡ một khối u ung thư trong ổ bụng

Vỡ phình động mạch lách, thường xảy ra thứ phát sau viêm tụy cấp.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh?

Tràn máu phúc mạc được chẩn đoán bằng một số phương pháp. Bước đầu tiên, bác sĩ có thể kiểm tra thể chất vùng xương chậu và vùng bụng để xác định nguồn gốc của cơn đau. Nếu nghi ngờ người bệnh bị chảy máu trong, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nhanh để đánh giá tình trạng và có phác đồ điều trị thích hợp, chẳng hạn như chụp CT.

Trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một xét nghiệm gọi là Đánh giá tập trung với siêu âm trong chấn thương (FAST). Loại xét nghiệm này có thể phát hiện máu tích tụ trong khoang bụng người bệnh nếu có. Ngoài ra, người bệnh có thể được tiến hành phân tích dịch màng bụng để xác định loại chất lỏng.

Những phương pháp điều trị bệnh

Phương pháp điều trị tràn máu phúc mạc sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân sau khi được chẩn đoán. Trong trường hợp khẩn cấp, người bệnh có thể buộc phải thực hiện phẫu thuật. Mạch máu bị vỡ sẽ được thắt lại để tránh mất máu nhiều hơn. Nếu trong trường hợp vỡ lá lách thì cần cắt bỏ lá lách. Nếu vấn đề xuất phát từ gan, bác sĩ có thể cần kiểm soát lưu lượng máu xuất huyết bằng cách sử dụng thuốc đông máu. Tùy thuộc vào thời gian xuất huyết bao lâu, người bệnh có thể cần truyền máu.

Khi tràn máu phúc mạc do vỡ thai ngoài tử cung, phương pháp điều trị có thể thay đổi tùy theo mức độ tích tụ máu nhanh chóng hay các yếu tố khác. Đôi khi trường hợp này có thể được xử lý bảo tồn bằng các loại thuốc như methotrexate. Đa số, người bệnh cần phẫu thuật nội soi hay thủ thuật mở bụng để xử lý lấy hết khối thai, nhau thai và cầm máu.

5. Tiên lượng bệnh

Khi không được điều trị kịp thời, các biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh nếu bị tràn máu phúc mạc. Khoang phúc mạc rất độc đáo vì nó có thể chứa gần như toàn bộ lượng máu lưu thông của người bình thường, máu có thể tích tụ trong khoang với tốc độ cực kỳ nhanh. Người bệnh có thể bị sốc do mất máu, cơ thể không đáp ứng và thậm chí tử vong. Ngược lại, nếu được cấp cứu kịp thời, khả năng phục hồi hoàn toàn là tương đối cao.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Tràn máu phúc mạc, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:09/09/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM