Bệnh tăng protein máu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tăng protein máu chỉ tình trạng nồng độ protein trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể có vấn đề. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về hội chứng này nhé!

Bệnh tăng protein máu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Tăng protein máu chỉ tình trạng nồng độ protein trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Đây không phải là một bệnh lý hay vấn đề sức khỏe cụ thể mà có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang có bệnh.

Tăng protein máu hiếm khi tự gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng. Đôi khi, tình trạng này vô tình được phát hiện trong khi bạn làm xét nghiệm máu để chẩn đoán một bệnh lý khác.

Vai trò của protein trong cơ thể là gì?

Protein là các đại phân tử, có cấu tạo phức tạp và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong các tế bào và mô. Chúng được tạo ra ở nhiều nơi trong cơ thể và di chuyển trong hệ tuần hoàn.

Protein có thể ở rất nhiều dạng khác nhau, như albumin, kháng thể, enzyme… và có nhiều chức năng khác nhau:

Giúp cơ thể chống lại bệnh tật Điều hòa chức năng cơ thể Xây dựng cơ bắp Vận chuyển thuốc và các chất khác đi khắp cơ thể

Trong máu có hai loại protein chính là:

Albumin: đóng nhiều vai trò quan trọng, chẳng hạn như cung cấp axit amin cho các mô và ngăn dịch bị rò rỉ. Globulin: giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, đông máu và các chức năng quan trọng khác.

2. Triệu chứng

Tăng protein máu có thể gây ra các triệu chứng như sau:

Đau trong xương;

Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân hay cẳng chân;

Mất cảm giác thèm ăn, chán ăn;

 Sụt cân;

Khát nước thường xuyên;

Dễ bị nhiễm trùng.

Bạn có thể gặp phải những triệu chứng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tăng protein máu bất thường.

3. Nguyên nhân

Một vài nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng này gồm:

Bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis) – tích tụ protein một cách bất thường trong các cơ quan ;

Mất nước;

Viêm gan B;

Viêm gan C;

HIV/AIDS;

Gammopathy thể đơn dòng không xác định (MGUS);

Đa u tủy.

Lưu ý, một chế độ ăn giàu protein sẽ không gây ra tình trạng tăng protein máu.

Một số loại protein trong máu có thể tăng lên khi cơ thể hoạt động chống lại nhiễm trùng hoặc một số phản ứng viêm khác. Những người mắc một số bệnh về tủy xương, chẳng hạn như đa u tủy, có thể có mức protein trong máu cao hơn bình thường trước khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tăng protein máu?

Nếu bác sĩ vô tình phát hiện mức protein trong máu của bạn tăng cao trong quá trình đánh giá một vấn đề sức khỏe khác, họ có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm bổ sung khác.

Xét nghiệm protein toàn phần sẽ giúp xác định nồng độ của các loại protein máu có cao hay không. 

Các xét nghiệm cụ thể hơn gồm điện di protein huyết thanh (SPEP) có khả năng giúp xác định nguyên nhân chính xác, chẳng hạn như do gan hay tủy xương. Đồng thời, xét nghiệm này còn xác định được loại protein nào đang tăng cao. Bác sĩ thường yêu cầu thực hiện SPEP khi nghi ngờ có bệnh tủy xương.

Bình thường, mức protein trong huyết thanh ở khoảng 6–8 g/dL. Trong đó, albumin chiếm từ 3,5–5,0 g/dL và còn lại là globulin toàn phần. Khoảng phạm vi bình thường tham chiếu có thể hơi khác nhau giữa các cơ sở y tế, tùy vào phương pháp thử nghiệm và thiết bị sử dụng.

Những phương pháp điều trị tăng protein máu

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này và loại protein nào đang có nồng độ cao hơn bình thường.

Dựa vào kết quả các xét nghiệm và chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến Bệnh tăng protein máu, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM