Bệnh thuyên tắc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Thuyên tắc là tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn do có tác nhân lạ xuất hiện trong dòng máu như cục máu đông, bong bóng khí, chất béo... có thể xảy ra ở động mạch hoặc tĩnh mạch. Vậy triệu chứng của bệnh thể hiện như thế nào? Bệnh được chẩn đoán ra sao? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh thuyên tắc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Thuyên tắc là tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn do có tác nhân lạ xuất hiện trong dòng máu như cục máu đông hay bong bóng khí, có thể xảy ra ở động mạch hoặc tĩnh mạch.

Các mô và cơ quan trong cơ thể cần có oxy – được vận chuyển theo hệ tuần hoàn – để tồn tại và hoạt động. Nếu dòng máu cung cấp cho các cơ quan quan trọng như não, tim hoặc phổi bị tắc nghẽn, cơ quan đó sẽ mất một phần hoặc toàn bộ chức năng của nó.

Hai tình trạng nghiêm trọng nhất do thuyên tắc gây ra là:

Đột quỵ: khi mà dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, thường là do cục máu đông gây nên.

Thuyên tắc phổi: khi một tác nhân nào đó chặn dòng chảy của máu trong động mạch từ tim đến phổi (động mạch phổi). Nhiều trường hợp tác nhân gây thuyên tắc có thể được cơ thể tự loại bỏ nhưng nếu nghiêm trọng, người bệnh có khả năng tử vong.

Một số loại thuyên tắc khác:

Thuyên tắc võng mạc: các cục máu đông nhỏ di chuyển theo dòng máu thường không gây tắc nghẽn tại các động mạch lớn nhưng có thể di chuyển đến các mạch máu nhỏ hơn nuôi dưỡng võng mạc ở phía sau mắt. Kết quả là gây mất thị lực đột ngột ở một bên mắt. Thuyên tắc do nhiễm trùng huyết (septic embolism): xảy ra khi các phần tử gây tắc mạch được tạo ra từ nhiễm trùng và di chuyển theo dòng màu đi đến các mạch máu, gây tắc nghẽn. Thuyên tắc ối: không phải trường hợp thuyên tắc nào cũng do cục máu đông gây nên. Khi mang thai, tử vong chứa đầy nước ối giúp bảo vệ thai nhi. Nước ối cũng có khả năng gây thuyên tắc mạch khi di chuyển lên phổi của người mẹ, gây ra tắc nghẽn ở phổi do nước ối. Thuyên tắc khí: khi thợ lặn di chuyển từ dưới lên trên bề mặt nước quá nhanh có thể gây ra hiện tượng thuyên tắc do khí. Các bong bóng khí xuất hiện trong dòng máu có thể gây tắc nghẽn động mạch. Thuyên tắc mỡ: các giọt mỡ hoặc các thành phần từ tủy xương lưu thông trong hệ tuần hoàn cũng có thể gây tắc nghẽn mạch máu tương tự như cục máu đông hay bong bóng khí.

2. Triệu chứng

Triệu chứng do thuyên tắc gây ra sẽ phụ thuộc vào mạch máu nào bị ảnh hưởng và tắc nghẽn.

Ví dụ, các triệu chứng chính khi đột quỵ là một bên mặt xệ xuống, yếu hoặc tê một cánh tay, nói chậm, nói lắp hoặc không thể nói được. Nếu thấy người thân, bạn bè có những dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi 115 ngay lập tức.

Nếu bị thuyên tắc phổi, bạn sẽ cảm thấy đau ngực dữ dội, đau nhói, cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc tăng dần mức độ lên theo thời gian. Thở nông, ho ra máu, cảm thấy chóng mặt, choáng ngất hay bất tỉnh cũng là những triệu chứng thường gặp khi đó.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một nguyên nhân phổ biến gây ra thuyên tắc phổi. Đôi khi, chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng thường sẽ khiến bạn:

Đau, sưng ở một trong hai chân (thường là ở bắp chân) Đau nhức ở vùng bị ảnh hưởng Cảm thấy ấm, nóng ở khu vực có cục máu đông Đỏ da, nhất là ở vùng bắp chân

Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu bạn cảm thấy đau, sưng hay ấn vào thấy đau ở chân và xuất hiện triệu chứng khó thở, tức ngực. Huyết khối tĩnh mạch sâu có nguy cơ cao dẫn đến thuyên tắc phổi.

Các thợ lặn cũng cần phải quan sát, để ý đến các đồng nghiệp. Khi nhận thấy có dấu hiệu thuyên tắc khí nào xảy ra, bạn cần được điều trị ngay lập tức.

3. Nguyên nhân

Thuyên tắc mạch xảy ra khi một tác nhân không mong muốn xuất hiện và di chuyển trong dòng máu. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này là:

Cục máu đông

Bình thường, trong thành phần của máu có các tác nhân gây đông máu để ngăn chặn chảy máu quá mức khi có tổn thương hay chấn thương.

Thế nhưng, một số tình trạng sức khỏe như béo phì, bệnh tim, ung thư hay mang thai có thể khiến cục máu đông hình thành bên trong tĩnh mạch, ngay cả khi không có tình trạng chảy máu xảy ra. Khi cục máu đông vỡ ra, các mảnh nhỏ từ chúng có thể di chuyển theo dòng máu cho đến khi mắc kẹt lại tại một mạch máu nào đó và bắt đầu gây tắc nghẽn lưu lượng máu đi đến cơ quan đó.

Chất béo (mỡ)

Khi bị gãy một xương dài, chẳng hạn như gãy xương đùi có thể khiến các giọt mỡ trong xương được phóng thích vào máu. Tác nhân này đôi khi xuất hiện sau khi bị bỏng nặng hoặc như là biến chứng sau phẫu thuật. Sau đó, chúng có thể gây tắc mạch tương tự như cục máu đông.

Không khí

Thuyên tắc cũng có thể xảy ra khi bọt khí hình thành trong dòng máu.

Thuyên tắc khí là vấn đề đáng lưu tâm đối với thợ lặn. Khi di chuyển lên trên mặt nước quá nhanh, sự thay đổi áp suất có thể khiến bong bóng khí nitơ hình thành trong máu và mắc kẹt lại tại mạch máu. Tình trạng tắc nghẽn này có khả năng gây ra bệnh giảm áp (decompression sickness).

Cholesterol

Ở những người bị xơ vữa động mạch nghiêm trọng (hẹp động mạch do cholesterol tích tụ thành các mảng bám bên trong lòng mạch), những mảnh cholesterl nhỏ đôi khi bị bong, tách ra và đi theo dòng máu gây tắc mạch.

Nước ối

Dù hiếm khi xảy ra nhưng nước ối có khi bị “rò rỉ” vào trong mạch máu của người mẹ khi chuyển dạ, từ đó gây tắc nghẽn mạch. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề hô hấp, giảm huyết áp và mất ý thức.

Các yếu tố rủi ro gây thuyên tắc

Nguy cơ bị thuyên tắc mạch sẽ tăng lên nếu bạn:

Thừa cân hoặc béo phì (có chỉ số khối cơ thể BMI từ 30 trở lên);

Đang mang thai;

Trên 60 tuổi;

Hút thuốc;

Bệnh tim;

Bất động (rất ít vận động) trong thời gian dài.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán thuyên tắc?

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ quá trình chẩn đoán, giúp xác định được nguyên nhân. Các xét nghiệm thường được tiến hành gồm:

Chụp X-quang Chụp CT Chụp mạch máu (angiography) Siêu âm Doppler

Những phương pháp điều trị thuyên tắc

Việc điều trị thuyên tắc sẽ phụ thuộc vào:

Nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch Kích thước của tác nhân gây tắc mạch Vị trí xảy ra tắc nghẽn

Phẫu thuật loại bỏ thuyên tắc có thể được thực hiện. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường tại mạch máu bị tắc nghẽn để loại bỏ tác nhân gây thuyên tắc ra ngoài nhờ một ống hút chuyên dụng.

Bạn cũng có thể sử dụng thuốc giúp làm tan huyết khối – một nguyên nhân lớn gây tắc nghẽn mạch máu. Thuốc chống đông như warfarin, heparin và aspirin liều thấp giúp máu ít bị vón cục và ngăn chặn hình thành nên cục máu đông.

Trường hợp thuyên tắc khí thường sẽ được điều trị trong buồng cao áp (hyperbaric chamber). Áp suất không khí ở bên trong buồng này sẽ cao hơn áp suất không khí bình thường bên ngoài, nhờ đó kích thước của bọt khí trong máu được giảm xuống.

5. Phòng ngừa

Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn chặn tình trạng thuyên tắc xảy ra hiệu quả nhưng có một số biện pháp giúp làm giảm đáng kể nguy cơ gây ra tình trạng này:

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: ăn ít chất béo, nhiều chất xơ bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả (ít nhất 5 khẩu phần ăn mỗi ngày). Giới hạn lượng muối ăn hàng ngày: không ăn quá 6g muối (khoảng 1 muỗng cà phê muối) trong một ngày. Giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì: tập thể dục thường xuyên kết hợp với chế ăn kiểm soát lượng calo tiêu thụ. Tập thể dục: ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Thuyên tắc, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM