Tìm hiểu chung về văn bản hành chính Ngữ văn 7

Để giúp các em nắm được khái niệm về văn bản hành chính và cách thức làm một văn bản hành chính. eLib đã biên soạn nội dung bài này một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Mời các em cùng tham khảo bài soạn dưới đây nhé. Hi vọng rằng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập nhé.

Tìm hiểu chung về văn bản hành chính Ngữ văn 7

1. Lý thuyết

a) Tình huống viết của văn bản

- Khi cần truyền đạt một vấn đề gì đó (thường là quan trọng) xuống cấp thấp hơn hoặc muốn cho nhiều người biết thì dùng văn bản thông báo.

- Khi cần đề đạt một nguyện vọng chính đáng nào đó của cá nhân hay tập thể đối với cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền giải quyết thì dùng văn bản đề nghị (kiến nghị)

- Khi phải thông báo một vấn đề gì đó lên cấp trên cao hơn thì dùng văn bản báo cáo.

b) Mục đích

- Thông báo: Nhằm phổ biến nội dung

- Đề nghị (kiến nghị): Nhằm đề xuất một đề nghị (ý kiến).

- Báo cáo: Nhằm tổng kết, nêu lên những gì đã làm để cấp trên biết.

c) Sự giống nhau và khác nhau giữa ba văn bản và sự khác nhau của chúng với các văn bản nghệ thuật (truyện, thơ)

- Giống nhau: 3 văn bản (thông báo, đề nghị, báo cáo) có hình thức trình bày theo một số mục nhất định (theo mẫu)

- Khác nhau: Về tình huống, mục đích và nội dung cụ thể được trình bày theo mỗi văn bản.

- Sự khác nhau của ba văn bản trên với các văn bản truyện và thơ đã học là:

+ Thơ có dùng hư cấu, tưởng tượng, còn văn bản hành chính không được có yếu tố hư cấu, tưởng tượng.

+ Ngôn ngữ thơ văn được viết theo ngôn ngữ nghệ thuật

Ngôn ngữ ba văn bản trên là ngôn ngữ hành chính

2. Luyện tập 

Câu 1. Hãy nêu lên bốn tình huống đòi hỏi phải viết các loại văn bản hành chính sau đây : đơn, thông báo, đề nghị và báo cáo. Chú ý nêu lên các tình huống gần gũi trong cuộc sống của em, gia đình và nhà trường.

Gợi ý làm bài:

- Chẳng may em bị mất giấy khai sinh, cần phải xin lại. (Cần phải viết đơn.)

- Lớp chuẩn bị quyên góp ủng hộ cho các bạn HS vùng bị lũ lụt. (Cần phải viết văn bản thông báo.)

- Lớp rất muốn mời một nhà văn, nhà thơ về nói chuyện, cần đề nghị với cô giáo chủ nhiệm. (Cần phải viết văn bản đề nghị.)

- Ban Giám hiệu cần biết kết quả đợt phát động thi đua mừng ngày sinh của Bác, ngày 19 – 5. (Cần phải viết văn bản báo cáo.)

Câu 2. Trong các tình huống sau đây, tình huống nào người ta sẽ phải viết loại văn bản hành chính ? Tên mỗi loại văn bản ứng với mỗi trường hợp đó là gì ?

a) Vào thứ năm tuần tới có một buổi biểu diễn văn nghệ. Sự kiện ấy cần phải cho mọi người biết.

b) Bị ốm không đi tham quan được, bạn em rất muốn được biết về buổi tham quan ấy.

c) Những nấm mồ liệt sĩ vô danh làm em hết sức xúc động và em muốn ghi lại những cảm xúc đó.

d) Hôm qua đi học về chẳng may gặp mưa, hôm nay em bị sốt, không thể đến lớp được, em muốn xin phép cô chủ nhiệm nghỉ học một buổi.

e) Có một địa danh rất nổi tiếng ở gần trường, cả lớp đều muốn thầy (cô giáo) chủ nhiệm tổ chức cho đi tham quan.

g) Chuẩn bị cho việc tổng kết năm học, Ban Giám hiệu nhà trường muốn biết tình hình của lớp em trong năm học vừa qua.

Gợi ý làm bài:

Những tình huống cần viết văn bản hành chính đó là:

a) Viết thông báo.

d) Viết đơn xin nghỉ học.

e) Viết giấy đề nghị được đi tham quan.

g) Viết văn bản báo cáo.

Hai tình huống dưới đây không phải dùng văn bản hành chính là :

b)  Bị ốm không đi tham quan được, bạn em rất muôn được biết về buổi tham quan ấy.

c)  Những nấm mồ liệt sĩ vô danh làm em hết sức xúc động, em muốn ghi lại . những cảm xúc đó.

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Có được những hiểu biết chung về văn bản hành chính công vụ.

- Viết được những văn bản hành chính đúng mẫu

- Có ý thức học tập nghiêm túc, nếp sống trung thực

Ngày:07/01/2021 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM