Đặc điểm của văn bản nghị luận Ngữ văn 7

Bài học "Đặc điểm của văn bản nghị luận" dưới đây nhằm giúp các em hiểu được luận cứ, luận điểm và lập luận. Hy vọng rằng đây sẽ là bài tham khảo bổ ích cho các em. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Đặc điểm của văn bản nghị luận Ngữ văn 7

1. Luận điểm, luận cứ và lập luận

Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Trong một bài văn có thể có một luận điểm chính và các luận điểm phụ:

- Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định hay phủ định, được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu và nhất quán. Luận điểm là linh hồn của bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thực, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.

- Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.

- Lập luận là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có sức thuyết phục.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy đọc những câu sau và cho biết câu nào là luận điểm?

a. Ôi! Cậu ấy thật là hỗn láo.

b. Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.

c. Chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu và sản xuất.

d. Tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh

Gợi ý trả lời:

Các câu là luận điểm là: (b) và (d) vì:

- Là một câu khẳng định.

- Thể hiện quan điểm, tư tưởng của người viết.

Câu 2: Em hãy sưu tầm những đoạn văn có luận điểm, luận cứ và lập luận chặt chẽ.

Gợi ý trả lời:

a. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".

(Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh)

b. “Ở Việt Nam ta có câu tục ngữ “Có thực mới vực được đạo”. Trung Quốc cũng có câu tục ngữ “Dân dĩ thực vi thiên”. Hai câu ấy tuy đơn giản, nhưng rất đúng lẽ.

Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kì quan trọng”.

(Hồ Chí Minh - Tháng 4 năm 1962)

c. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh; nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy. Vậy nên các đấng thánh đế, minh vương không ai không coi việc bồi dưỡng nhân tài, tin dùng kẻ sĩ, vun đắp nguyên khí là việc làm trước tiên...”.

(Trích Bia Tiến sĩ, Văn miếu Thăng Long)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được đặc điểm của văn bản nghị luận.

- Nhận biết được đặc điểm của văn bản nghị luận.

- Biết xác định luận điểm, luận cứ, lập luận trong văn bản mẫu.

- Biết xây dựng luận điểm, luận cứ và triển khai lập luận cho một đề bài.

- Yêu thích môn học, có ý thức tìm hiểu và rèn kĩ năng làm văn nghị luận.

Ngày:12/12/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM