Tục ngữ về thiên nhiên và lao động, sản xuất Ngữ văn 7

Nội dung bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động, sản xuất dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động, sản xuất. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tục ngữ về thiên nhiên và lao động, sản xuất Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

- Khái niệm tục ngữ: Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, thường có vần điệu, nhịp điệu, hình ảnh thể hiện những kinh ngiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đây là một thể loại văn học dân gian.

- Bố cục: Chia làm 2 nhóm:

+ Nhóm 1: Câu 1 - câu 4: Tục ngữ về thiên nhiên.

+ Nhóm 2: Câu 5 - câu 8: Tục ngữ về lao động sản xuất.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tục ngữ về thiên nhiên

a. Câu 1:

"Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối"

- Thủ pháp nghệ thuật: Phóng đại:

+ Chưa nằm đã sáng.

+ Chưa cười đã tối.

- Hai câu thơ này đã thể hiện rõ những chuyển biến thời gian của thiên nhiên . Nếu hiểu theo lẽ vật lý tự nhiên đó là sự chuyển động quay quanh trục Trái Đất và xoay quanh mặt trời nên sinh ra hiện tượng tự nhiên dẫn đến sự trái lệch giữa hai nửa cầu và các mùa.

- Câu tục ngữ vừa mang đến ý nghĩa chỉ quy luật tự nhiên lại vừa mang âm hưởng vui tươi của người dân lao động sản xuất mang màu sắc dân gian. Vậy đưa ra cho ta cơ sở thực tiễn về hai câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng thực tế về cơ sở khoa học đã nghiên cứu và khẳng định hai vị trí của Trái Đất quỹ đạo quay quanh Mặt Trời.

- Trong câu tục đúc kết cho ta bài học kinh nghiệm quý báu nhằm răn đe giáo dục trong cuộc sống. Qua hai câu tục ngữ cho ta thấy mọi người nên bố trí lịch trình công việc sao cho hợp lý, sắp xếp thời gian một cách phù hợp với những tháng ngày dài đêm ngắn, ngày ngắn đêm dài nhất là ở nông thôn. Nó sẽ giúp người dân có một mùa màng bội thu.

b. Câu 2:

"Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa"

- Thủ pháp nghệ thuật: sử dụng phép đối độc đáo.

- Nhân dân ta thường xuyên để ý đến không gian, sự chuyển biến khí hậu của đất trời từ thời xa xưa. Chính vì thế nhân dân ta đã đúc kết được rất nhiều câu tục ngữ hay và đặc sắc. “Mau sao” có nghĩa là nhiều sao, “vắng sao” có nghĩa ít sao. Không cần đến máy dự báo thời tiết như ngày nay, nhân dân ta có thể đoán được thời tiết ngày mai qua những ngôi sao trên bầu trời. Đêm đến nếu nhiều sao, sao sáng rõ thì ắt hẳn ngày mai trời sẽ nắng còn ngược lại nếu trời ít sao hoặc không có sao thì trời ngày mai sẽ mưa.

c. Câu 3:

"Ráng mở gà, có nhà thì giữ"

- Thủ pháp nghệ thuật: Nhìn ráng mỡ gà (ẩn dụ) => có bão.

- Dự đoán bão, hiện tượng thiên nhiên dữ dội, hiểm hoạ cho dân nghèo, cho những đất nước ven biển. Giông bão là thiên tặc, hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm khôn lường. Biết nhìn nhận thời tiết, có ý thức chủ động, giữ gìn nhà cửa.

d. Câu 4:

"Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt"

- Trong các tháng trong năm, tháng bảy là tháng bắt đầu với những cơn bão lớn, khi bão lớn thì lượng nước sẽ dâng lên và có thể gây ra lụt. Bình thường mùa đông chúng ta không thể nào bắt gặp hình ảnh những con kiến đi tha mồi nhưng tháng bảy kiến hành quân đầy đường. Vì sao lại thế? Tháng bảy nước lên, đàn kiến phải lo bò đi kiếm ăn để ăn trong những ngày tháng bão lụt, hay nó cũng kiếm những vật liệu xây tổ để đảm bảo tổ của mình trong mùa thiên nhiên dữ dội ấy. Trông hành động của kiến mà con người có thể đoán được trời sẽ mưa bão hay không.

- Tóm lại câu tục ngữ cho thấy được sự trí tuệ dân gian của ông cha ta. Chỉ bằng một câu tục ngữ ngắn gọn mà có thể nói lên được cả một dự đoán về thời tiết. Cũng chính bằng kinh nghiệm ấy nhân dân ta đã phòng ngừa được bão lũ.

2.2. Tục ngữ về lao động sản xuất

a. Câu 5:

"Tấc đất, tấc vàng"

- Thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, phóng đại.

- Câu tục ngữ "Tấc đất, tấc vàng" thể hiện sự quan trọng về đất đai đối với nhân dân ta. Nước ta là nước nông nghiệp nên đất vốn là tài sản quý giá nhất. “Tấc” chính là một đơn vị đo lường, theo cách nói, cách tính toán, đo đạc của nhân dân ta trước kia. Ta phải hiểu được rằng từ “tấc đất” khái niệm về diện tích chuyển sang cách nói tấc vàng. Đó có thể là một diện tích hạn hẹp, so sánh với một khối lượng và giá trị khác đó là “tấc vàng”.

- Có thể thấy nhân dân ta đã vô cùng tinh ý khi so sánh “tấc đất” với “tấc vàng”, so sánh giữa một cái vô cùng tầm thường với một vật có giá trị rất lớn, sự so sánh này nhằm khẳng định một chân lý đó chính là đất quý như vàng, đất đai trồng trọt có giá trị thật là đặc biệt. Câu tục ngữ dường như vẫn còn mang một hàm nghĩa, đó chính là đã khuyên mọi người phải biết quý trọng và bảo vệ đất đai ruộng đồng để tăng gia sản xuất ra những thực phẩm có ích cho con người.

b. Câu 6:

"Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền"

- “Nhất canh trì” có nghĩa thứ quan trọng nhất là ao, “nhì canh viên” có nghĩa là thứ quan trọng thứ hai là vườn tược, và cuối cùng “tam canh điền” chính là làm ruộng.

- Ba thứ quan trọng ao, vườn, ruộng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống nông nghiệp của nhân dân ta. Để lao động có hiệu quả thì người nông dân nên làm ao cá trước, thứ hai có thể làm vườn và cuối cùng là làm ruộng. Làm ao sẽ thu được nhiều nguồn lợi hơn làm vườn và ruộng.

c. Câu 7:

"Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống"

- Nhất nước: Nước là thành phần chính của cây trồng, nước tham gia vào mọi hoạt động sống như quang hợp; vận chuyển, trao đổi chất; định hình cơ thể... nước sạch cho sản phẩm sạch, nước ô nhiễm cho sản phẩm ô nhiễm... Mỗi thời kỳ sinh trưởng, phát triển cây cần lượng nước khác nhau, thừa thiếu đều không tốt. Không có nước cây không thể duy trì sự sống.

- Nhì phân: Phân bón là thức ăn của cây, mỗi giai đoạn cây cần thành phần, tỉ lệ các chất dinh dưỡng khác nhau. Phân bón không thể thiếu trong nông nghiệp hiện đại, đặc biệt với phương pháp trồng cây không cần đất.

- Tam cần: Ý nói đến sự chăm chỉ trong lao động sẽ đem lại hiệu quả rất cao. Nông nghiệp hiện đại không chỉ cần những con người chỉ biết 1 nắng hai sương mà còn cần những nhà nông thông thái, chịu khó học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu kiến thức khoa học, kĩ thuật, có kiến thức về thị trường kinh tế nông nghiệp...

- Tứ giống: Giống có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Cần nghiên cứu tạo giống tốt, phù hợp với địa phương.

-> Cả 4 yếu tố trên đều quan trọng và không thể thiếu thì nông nghiệp sẽ phát triển.

d. Câu 8:

"Nhất thì, nhì thục"

- Tuân thủ thời vụ là điều quan trọng đối với nghề trồng lúa nước (nhất thì). Cày, bừa, gieo, cấy phải đúng lịch.

- Câu tục ngữ “nhất thì, nhì thục” thể hiện những yếu tố quan trọng trong nền nông nghiệp cần phải có, chúng ta có thể hiểu đơn giản là yếu tố quan trọng nhất là thời gian mùa vụ, sau đó mới là đất đai màu mỡ tươi xốp. Đất quý là thế tốt là thế nhưng phải cây đúng thời vụ, cấy đúng mùa lúa phát triển thì mới cho năng suất được.

3. Tổng kết

a. Về nghệ thuật:

- Ngắn gọn.

- Thường có vần, đối.

- Giàu hình ảnh, lập luận chặt chẽ.

b. Về nội dung:

- Kinh nghiệm về thời gian, thời tiết, các hiện tượng bão, lụt.

- Kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy sưu tầm thêm một số câu ca dao tục ngữ về thiên nhiên và lao động, sản xuất.

Gợi ý trả lời:

- Kiến đen tha trứng lên cao

Thế nào cũng có mưa rào rất to.

- Mặt trời có quầng thì hạn, mặt trăng có tán thì mưa.

- Muốn cho lúa nảy bông to

Cày sâu bừa kĩ phân tro cho nhiều.

Câu 2: Em hãy chọn một trong 8 câu tục ngữ trên để viết bài văn phân tích.

Gợi ý trả lời:

Việt Nam ta là một nước nông nghiệp, chính vì thế yếu tố đất đối với chúng ta là một yếu tố quan trọng. Không có đất thì không thể trồng trọt và đương nhiên là không có đất thì làm sao có thể sinh sống được. Câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng” thể hiện rõ sự quý giá của đất đối với con người Việt Nam ta.

Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng xét về mặt thể loại thì nó lại là một chỉnh thể thẩm mỹ. Nó chỉ có một câu bốn từ nhưng lại được các nhà nghiên cứu phê bình coi là một tác phẩm. Nó đứng ngang hàng với những bài thơ dài hay những tác phẩm truyện ngắn. Đất là đất còn vàng là vàng, bình thường vàng là thứ quý giá nhất, nó cũng là thứ tài nguyên mà ngày trước biết bao nhiêu đế quốc hùng mạnh đã xâm lược nước ta để cướp đi. Thế nhưng ở đây đất lại quý như vàng.

Bởi vì một tấc đất người nông dân Việt Nam cũng có thể canh tác, trồng trọt, ở. Một tấc đất ấy có thể làm nên sức khỏe, sinh sống, thức ăn cho con người. Có đất thì con người mới có nhà ở, có đất mới có trồng trọt để có thức ăn, có thức ăn mới có thể có sức khỏe và làm ra những thứ quý giá khác.

Chính vì thế, ta có thể khẳng định rằng câu tục ngữ của cha ông để lại hoàn toàn chính xác, nó có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc giáo dục các thế hệ mai sau phải biết quý trọng đất. Vì tấc đất là tấc vàng.

(Sưu tầm)

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được sơ lược thế nào là tục ngữ.

- Hiểu được nội dung, một số hình thức nghệ thuật và ý nghĩa của những câu tục ngữ trong bài học.

- Yêu quý và tôn trọng những kinh nghiệm quý báu của cha ông.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM