Tìm hiểu chung về phép lập luận chứng minh Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được mục đích, tính chất và các yếu tố của phép luận chứng minh. Từ đó, các em có thể vận dụng để viết bài văn lập luận chứng minh hay và sáng tạo nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tìm hiểu chung về phép lập luận chứng minh Ngữ văn 7

1. Mục đích và phương pháp chứng minh

- Trong đời sống, người ta dùng sự thật (chứng cứ xác thực) để chứng tỏ một điều gì đó đáng tin.

- Trong văn nghị luận, chứng minh là một phép lập luận dùng những lí lẽ, bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ luận điểm mới (cần được chứng minh) là đáng tin cậy.

- Các lí lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích thì mới có sức thuyết phục.

2. Luyện tập

Câu 1: Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc ta vô cùng phong phú, thể hiện những tình cảm gia đình, những nỗi niềm tâm tư thầm kín của con người. Đồng thời, khuyên nhủ, giáo dục con người những bài học sâu sắc ý nghĩa.

Câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” là những tình cảm người xưa muốn khuyên nhủ, con người nên sống đúng mực. Sống hiền lành lương thiện, thì sẽ gặp may mắn. Ở hiền là ăn ở hiền lành, lương thiện, phúc đức, biết giúp đỡ người khác trong lúc người ta gặp khó khăn hoạn nạn, không ăn ở độc ác, âm mưu nham hiểm. Gặp lành là gặp điều may mắn bất ngờ, hưởng cuộc sống may mắn hạnh phúc. Câu tục ngữ này muốn khuyên nhủ con người hãy sống tử tế lương thiện, hiền lành sẽ gặp những điều tốt đẹp.

Vậy, thế nào là “Ở hiền gặp lành”? “Ở hiền” phải chăng chỉ là hiền lành, không dữ, không làm điều sai trái, gây hại cho người khác, mưu lợi cho bản thân,… Nếu chỉ nghĩ theo ý nghĩa cơ bản của từ “hiền” như vậy thì sẽ gây ra sự hiểu nhầm, cho rằng cứ sống sao tốt cho mình không ảnh hưởng đến ai là được rồi, dẫn đến tính cách nhu nhược, dĩ hoà vi quý, không biết quan tâm, giúp đỡ người khác,… Có nhiều người luôn cho rằng mình luôn “ở hiền” mà không “gặp lành”. Vậy bạn tự hỏi mình xem liệu bạn đã từng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông chưa hay cũng chỉ “bu” quanh dòm ngó nhận xét, bàn tán như bao người khác; bạn đã từng lên tiếng nhắc nhở một người xả rác không đúng nơi quy định,… Nếu cho bạn nghĩ lại, bạn có dám khẳng định mình là người “ở hiền” nữa không? Nhưng thực chất không phải vậy, sâu xa hơn, từ “hiền” ở đây mang ý nghĩa lớn lao, bao trùm lên cả ý nghĩa nhân đạo – đạo lí làm người. Có thể nói, “ở hiền” là sống sao có ích cho đất nước, xã hội, biết quan tâm giúp đỡ người khác lúc khó khăn, hoạn nạn, đồng thời phải biết lên án, đấu tranh chống lại cái ác, những thế lực xấu xa luôn muốn làm hại con người,… Vậy “ở hiền” sẽ “gặp lành” như thế nào? Người “ở hiền” sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp, may mắn. Khi bạn không làm điều xấu, hại người bạn sẽ không cảm thấy bất an, tội lỗi, lo lắng mà suy sụp. Không những thế khi làm việc thiện, giúp đỡ người khác bạn sẽ cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái, tự hào,… Không chỉ vậy, mọi người xung quanh sẽ yêu quý bạn, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn, cuộc sống sẽ luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Thực tế cuộc sống cho thấy, ông cha ta từ xưa đến nay, ông bà cha mẹ sống tử tế, luôn giúp đỡ người khác thì sẽ để phúc về sau, con cháu sẽ được hưởng phúc tốt đẹp. Phúc ở đây không có nghĩa là của cải vật chất mà những điều tốt đẹp cho bản thân mỗi người, gia đình và xã hội.

Nhưng điều đáng bàn cãi ở đây là trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành, nhiều trường hợp trái ngược nhau. Ở hiền nhưng lại bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó và kém may mắn. Thay vào đó, những kẻ ác độc, sống thủ đoạn thì lại được hạnh phúc đủ đầy, sống xa hoa, tiền bạc nhiều vô kể. Phải chăng câu tục ngữ chỉ là liều thuốc an thần cho những người bị trị trong xã hội cũ để họ có niềm tin ánh sáng vào cuộc sống tương lai, vào con đường phía trước.

Câu tục ngữ ở hiền gặp lành là câu tục ngữ mà người xưa muốn khuyên nhủ con cháu mình hãy sống lương thiện, biết giúp đỡ người khác sẽ gặp những điều may mắn đến bất ngờ. Như những câu chuyện cổ tích Thạch Sanh bắn cung vào con quạ cứu công chúa, được công chúa yêu mến nhưng lại gây thù chuốc oán với con quạ.

(Sưu tầm)

a. Luận điểm cơ bản của bài văn trên là gì?

b. Tìm những câu mang luận điểm đó.

Gợi ý trả lời:

a. Luận điểm cơ bản của bài văn trên là "Ở hiền gặp lành".

b. Những câu mang luận điểm "Ở hiền gặp lành" là:

- Vậy, thế nào là “Ở hiền gặp lành”?

- Không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành.

Câu 2: Em hãy viết bài văn lập luận chứng minh cho đề bài: Thiên nhiên là người bạn tốt của con người.

Gợi ý trả lời:

Trong cuộc sống, con người luôn khai thác và chinh phục thiên nhiên. Dù vậy chúng ta phải luôn nhớ rằng: Thiên nhiên là bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên.

Trước tiên chúng ta phải hiểu thiên nhiên là gì? thiên nhiên là những gì có ở xung quanh chúng ta, do tạo hóa sinh ra và không có bàn tay xây dựng của con người. Cụ thể hơn, thiên nhiên chính là bầu trời, là mặt đất, là rừng cây, biển cả, ánh sáng – những thứ vô cùng quen thuộc và cần thiết trong cuộc sống của ta.

Thiên nhiên tạo điều kiện cho con người tồn tại và phát triển. Thiên nhiên, đó là rừng vàng cung cấp đủ loại lâm sản. Rừng ngăn nước lũ, chắn gió, chắn cát để bảo vệ mùa màng. Thiên nhiên, đó là biển bạc cung cấp cho con người bao loại hải sản quý giá. Biển còn là đường giao thông thuận lợi nối liền các đại lục từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam.

Thiên nhiên, đó là đất đai cho con người trồng trọt, canh tác. Từ lúa, ngô, khoai, rau, đậu cho đến cam, nho, táo, mận. Có đất trồng trọt, con người mới có lương thực, thực phẩm để duy trì sự sống.

Con người ngày càng tiến bộ, khoa học kĩ thuật càng phát triển nhưng không hoàn toàn thay thế được thiên nhiên. Ta chỉ cải tạo thiên nhiên mà thôi. Phải nói là nhân loại càng văn minh, ta càng nhận ra giá trị to lớn, vô tận của thiên nhiên. Càng hiểu biết về y học, ta càng yêu quý không khí trong lành, càng sợ không khí, dòng nước ô nhiễm. Như vậy, một vấn đề mới được đặt ra. thiên nhiên cần ta yêu mến, bảo vệ để có thể phục vụ ta lâu dài, tốt đẹp hơn.

Thực vậy, rừng không những đã cung cấp cho ta những tài nguyên quý giá mà còn giữ ổn định khí hậu cho ta. Nếu ta phá rừng bừa bãi, sẽ gây xáo trộn khí hậu, rất tai hại. Từ nguồn sáng và nguồn sống bất diệt là Mặt Trời, ta hiểu tại sao cỏ được màu xanh của lá, hơi ấm của mùa hạ, nét đẹp của chiều thu. Đối lập với Mặt Trời là Mặt Trăng, ta càng hiểu giá trị của màu xanh Trái Đất cũng như màu vàng của ánh trăng. Ta đã biết trên mặt trăng không không khí nhưng trăng là ánh vàng hiền dịu tỏa sáng trần gian, trăng điều hòa con nước…

Chính vì thế con người chúng ta cần bảo vệ thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên như một người bạn thân không thể thiếu trong cuộc sống. Không bảo vệ thiên nhiên thì cuộc sống của chúng ta cũng bị đe dọa, vì thiên nhiên là môi trường sống, môi trường sống bị hủy hoại thì đời sống con người cũng không yên ổn.

Tóm lại, thiên nhiên là người bạn thân thiết đối với chúng ta, thiên nhiên cung cấp cho chúng ta từ nguồn ăn cho đến nơi sống. Vì thế chúng ta nên yêu mến thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên tránh khỏi sự hủy hoại, xuống cấp.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được mục đích, tính chất và các yếu tố của phép luận chứng minh.

- Nhận diện và phân tích một đề, một văn bản nghị luận chứng minh.

- Vận dụng xây dựng dàn ý một đề văn chứng minh.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM