Ôn tập phần Tiếng Việt (tiếp theo) Ngữ văn 7

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em nắm củng cố và hệ thống hóa lại được những kiến thức quan trọng của phần Tiếng Việt đã học trong chương trình Ngữ văn 7. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Ôn tập phần Tiếng Việt (tiếp theo) Ngữ văn 7

1. Các phép biến đổi câu đã học

a. Rút gọn câu:

- Khi nói hoặc viết, có thể lược bỏ một số thành phần câu, tạo thành câu rút gọn. Việc lược bỏ các thành phần câu thường nhằm những mục đích như sau:

+ Làm câu gọn hơn, vừa thông tin nhanh, vừa tránh lặp từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước.

+ Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người (lược bỏ chủ ngữ).

- Khi rút gọn câu cần chú ý:

+ Không làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói.

+ Không biến câu nói thành một câu cộc lốc, khiếm nhã.

b. Thêm trạng ngữ cho câu:

- Về ý nghĩa: Trạng ngữ được thêm vào câu nhằm xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu.

- Về hình thức:

+ Trạng ngữ có thể đứng đầu câu, cuối câu hay giữa câu.

+ Giữa trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ thường có một quãng nghỉ khi nói hoặc một dấu phẩy khi viết.

c. Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động:

- Việc chuyển đổi câu chủ động, thành bị động (ngược lại) nhằm mục đích liên kết các câu trong đoạn văn.

- Có hai cách chuyển câu chủ động thành bị động:

+ Chuyển từ (cụm từ) chỉ đối tượng của hoạt động lên đầu câu và thêm từ bị và được vào sau từ (cụm từ) ấy.

+ Chuyển từ (cụm từ) chỉ đối tượng của hoạt động lên đầu câu, đồng thời lược bỏ, biến từ chỉ chủ thể của hoạt động thành một bộ phận bắt buộc trong câu.

d. Dùng cụm chủ - vị để mở rộng câu:

- Khi nói hoặc viết, có thể dùng những cụm từ có hình thức giống câu đơn bình thường, gọi là cụm chủ - vị làm thành phần câu, cụm từ mở rộng câu.

- Các thành phần như chủ ngữ, vị ngữ và các phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ đều có thể câu tạo bằng cụm chủ - vị.

2. Các phép tu từ cú pháp đã học

- Điệp ngữ:

+ Khái niệm: Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ; từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.

+ Điệp ngữ có nhiều dạng:

  • Điệp ngữ cách quãng.
  • Điệp ngữ nối tiếp.
  • Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).

- Liệt kê:

+ Khái niệm: Liệt kê là sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp cùng loại (cụm từ cũng như thành phần câu).

+ Các kiểu liệt kê:

  • Xét theo cấu tạo có thể phân biệt kiểu liệt kê theo từng cặp và kiểu liệt kê không theo từng cặp.
  • Xét theo ý nghĩa có thể phân biệt kiểu liệt kê tăng tiến và liệt kê không tăng tiến.

+ Câu có liệt kê được sử dụng như một phương tiện tu từ trong lời nói nghệ thuật nó có giá trị biểu cảm, cảm xúc to lớn và gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng người. 

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy rút gọn những câu đã cho dưới đây:

(1) Tôi sẽ đi Hà Nội vào sáng ngày mai.

(2) Học sinh chúng ta cần học ăn, học nói, học gói, học mở.

(3) Lạy trời! Cô ấy thật là rõ khổ.

(4) Tôi đi đến Sa Pa vào một ngày lạnh giá.

(5) Tôi dừng đèn đỏ tại một ngã tư đường.

Gợi ý trả lời:

Những câu đã cho ở trên có thể rút gọn như sau:

(1) Đi Hà Nội vào sáng ngày mai.

(2) Học ăn, học nói, học gói, học mở.

(3) Cô ấy thật là rõ khổ.

(4) Đi đến Sa Pa vào một ngày lạnh giá.

(5) Dừng đèn đỏ tại một ngã tư đường.

=> Chủ yếu những câu trên được rút gọn bằng cách lược bỏ chủ ngữ.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn có sử dụng điệp ngữ và tô đậm những điệp ngữ đó.

Gợi ý trả lời:

Ai cũng có một quê hương để trở về, quê hương luôn mang cho chúng ta những cảm giác bình yên nhất, quê hương luôn chào đón chúng ta trở về trong vòng tay yêu thương. Quê hương - hai tiếng yêu thương mà ai đi xa cũng đều mong nhớ hướng về. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, đã nuôi dưỡng em những ngày thơ bé. Quê hương - nơi em có một gia đình hạnh phúc luôn đầy ắp tiếng cười. Nơi ấy có tiếng nói hiền từ, nụ cười ấm áp của bà luôn chờ em mỗi buổi chiều tan học. Quê hương còn là nơi em có những người bạn thân thiết, gắn bó. Mỗi buổi chiều muộn trên triền đê, lũ trẻ con chúng em thường nô đùa và thả diều bên dòng sông nước trong lành ngọt mát. Dù sau này trưởng thành, bước chân em đi tới mọi miền đất nước, trong tim em vẫn mãi vang vọng hai tiếng thiêng liêng: Quê hương!

Câu 3: Đọc đoạn văn sau và hãy chỉ ra những phép liệt kê có trong đoạn văn đó:

Lớp tôi rất thích được học môn văn vì chúng tôi nhận thấy đó là một môn học có ý nghĩa, chuyển tải cho chúng ta những bài học sâu sắc. Chúng tôi thích nhất là giờ dạy văn của cô Hà. Cô Hà là người giáo viên dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh. Mỗi bài giảng của cô đều đem lại kiến thức bổ ích cho mỗi thế hệ học trò. Các bạn trong lớp ai cũng yêu mến cô qua những bài giảng văn trên lớp. Mỗi giờ lên lớp, giọng cô truyền cảm, đôi mắt trìu mến nhìn học sinh, thả hồn vào từng bài giảng. Không chỉ dạy trên lớp truyền thụ kiến thức mà ngoài đời cô còn rất quan tâm đến học trò của mình. Cô hay trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ để và thấu hiểu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Ngoài ra cô còn rất quan tâm đến các bạn có học lực kém để tìm các phương pháp giảng dạy hiệu quả, giúp các em hiểu bài hơn. Nhờ đó mà chúng tôi luôn đạt điểm cao trong học tập.

Gợi ý trả lời:

Phép liệt kê có trong đoạn văn trên là:

- "Cô Hà là người giáo viên dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh".

- "Mỗi giờ lên lớp, giọng cô truyền cảm, đôi mắt trìu mến nhìn học sinh, thả hồn vào từng bài giảng".

- "Cô hay trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ".

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Khắc sâu những kiến thức trọng tâm, hệ thống được những nội dung cơ bản về Tiếng Việt trong học kỳ II.

- Củng cố hoá hệ thống kiến thức.

- Có ý thức học tập thường xuyên.

Ngày:16/01/2021 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM