Kiểm tra tổng hợp cuối năm Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được những nội dung quan trọng đã học trong chương trình Ngữ văn 7. Từ đó, các em có cơ sở để làm bài thi cuối học kì thật tốt. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Kiểm tra tổng hợp cuối năm Ngữ văn 7

1. Những nội dung cơ bản cần chú ý

- Nắm được nội dung chính của các văn bản nghị luận theo sự gợi ý của thầy/ cô giáo.

- Nắm được các thành câu đã học như thành phần biệt lập, thành phần tình thái.

- Hiểu được công dụng của những dấu câu đã học.

- Trình bày được tác dụng của các biện pháp tu từ như liệt kê, điệp ngữ.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết bài văn nghị luận về tác phẩm "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn.

Gợi ý trả lời:

Phạm Duy Tốn là nhà văn, nhà báo nổi tiếng đầu thế kỉ XX. Ông để lại số lượng tác phẩm không nhiều - chỉ có bốn truyện ngắn nhưng ông luôn được đánh giá là nhà văn có vị trí mở đầu cho xu hướng viết truyện hiện đại. Sống chết mặc bay là truyện ngắn đầu tay đồng thời cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Tác phẩm đã dựng lên bức tranh về cuộc sống người dân, cũng như bộ mặt của giai cấp cầm quyền trong xã hội cũ.

Văn bản vào đề bằng một tình huống hết sức căng thẳng, gay cấn: mọi người đang cùng nhau gắng sức hộ đê. Khi ấy là gần một giờ đêm, nước sông Nhị Hà mỗi lúc một cao, trời mưa tầm tã không ngớt. “Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy ướt như chuột lột”. Với hình thức liệt kê kết hợp với các câu hội thoại, tiếng gọi, tiếng hô,… thể hiện tình thế nguy ngập, căng thẳng, nghìn cân treo sợi tóc. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng các lời bình luận như: “Tình cảnh trông thật thảm hại”; “Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê nay hỏng mất” hàng loạt các câu cảm thán được đưa ra càng thể hiện rõ hơn nỗi lo lắng của tác giả trước tình thế nguy ngập, gấp rút này.

Ngay từ đầu, tên của tác phẩm đã gây ấn tượng với độc giả “sống chết mặc bay”. Tên tác phẩm được lấy từ vế trước của câu tục ngữ “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Đây là câu tục ngũ dùng để chỉ thái độ của bạn thầy lang, thầy cúng trong xã hội cũ. Nó còn dùng để chỉ những người vô trách nhiệm chỉ biết hưởng lợi, chỉ biết đến bản thân mình, làm sao cho mình vui vẻ mà không quan tâm đến người khác ra sao, họ chỉ quan tâm đến bản. Tác giả cố tình chọn phần đầu của câu tục ngữ mà không sử dụng cả câu bởi ông muốn kích thích trí tò mò của người đọc, thu hút người đọc hướng đến câu chuyện của mình.

Tác phẩm được mở ra với một không gian rộng lớn, tối om nhưng không khí lại rất vội vàng, khẩn trương, trong đó còn có cả sự gấp gáp của con người nơi đây: “Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X thuộc phủ X xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đê thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.” Ngược lại, là không khí nhỏ hẹp, sáng trưng với đèn đuốc trong đình, con người lại ung dung, nhẹ nhàng không hề ăn nhập với không khí ngoài kia của dân con: “Bên cạnh ngài, bên tay trái bát yến hấp phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút…hai bên nào là ống thuốc bạc, trông mà thích mắt”.

“Xung quanh một không gian hẹp nhưng “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn lại đề cập đến những vấn đề xã hội to lớn: đó là sự khốn khổ của người dân quê trong cơn lụt lội; thói vô trách nhiệm của bọn quan lại…”. Ý kiến nhận xét đó đã khái quát được thành công về mặt nội dung tư tưởng của truyện ngắn hiện đại đầu tiên trong nền văn học nước nhà.

Trong cuộc sống xã hội phong kiến xưa có rất nhiều những kẻ vô lương tâm, lòng lang dạ thú như tên quan phụ mẫu. Trong xã hội nay thì khác, nhà nước đã rất chú trọng đến đời sống nhân dân nhưng vẫn không ít kẻ vì lợi riêng mà mặc cho số phận, sinh mang của nhân dân. Và bởi vậy, có thể khẳng định rằng, giá trị hiện thực của truyện ngắn này vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa tới ngày nay.

Có thể nói tác phẩm Sống chết mặc bay là lời tố cáo của nhân dân với xã hội phong kiến thối nát, tạo điều kiện cho những kẻ mất nhân tính tồn tại và gieo rắc nỗi khổ cho nhân dân. Tác giả đã thương cảm cho số phận của nhân dân phải chịu nhiều áp bức bóc lột.

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn có sử dụng phép liệt kê.

Gợi ý trả lời:

Em rất thích những giờ ra chơi thư giãn sau những giờ học đầy căng thẳng, ra chơi em sẽ được vui đùa cùng các bạn một cách hồn nhiên. Bọn học sinh chúng em khi nghe tiếng trống tùng! tùng! tùng! Ba tiếng trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Cả lớp em ùa ra sân như một đàn ong vỡ tổ. Sân trường bỗng chốc trở nên náo động bởi những tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau của các bạn. Dưới sân trường, các bạn chơi đủ những trò chơi. Chỗ này các bạn nam chơi đá cầu, quả cầu bay lên bay xuống trông thật vui mắt. Chỗ kia các bạn nữ chơi ô ăn quan, nhảy dây, đuổi bắt mới vui nhộn làm sao. Ôi, quang cảnh trường em vào giờ ra chơi đẹp biết mấy. Nhìn quang cảnh ấy, em càng thấy yêu trường em hơn.

- Những phép liệt kê có trong đoạn văn trên là:

+ "Những tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau của các bạn".

+ "Chỗ này các bạn nam chơi đá cầu, quả cầu bay lên bay xuống trông thật vui mắt. Chỗ kia các bạn nữ chơi ô ăn quan, nhảy dây, đuổi bắt mới vui nhộn làm sao".

Câu 3: Em hãy đặt dấu phẩy phù hợp vào trong đoạn văn sau:

Văn bản "Con cò" của Chế Lan Viên mang nhiều ý nghĩa vô cùng sâu sắc đó còn là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của những con người có thân phận thấp bé trong xã hội. Đọc “Con cò” của Chế Lan Viên ta vừa như được sống lại trong không gian ca dao dân ca quen thuộc vừa như được thấy lại tuổi thơ và đặc biệt là có thể cảm nhận được từng cử chỉ yêu thương của mẹ hiện lên trong từng câu từng chữ. "Con cò" của Chế Lan Viên là bài thơ rất thành công trong việc vận dụng sáng tạo hình tượng con cò, đúc kết những suy tư sâu sắc, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao cả và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi con người. Nhà thơ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết yêu thương, quý trọng những tình cảm gia đình đừng vì những nông nổi của tuổi trẻ mà đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Con cò" của Chế Lan Viên mang nhiều ý nghĩa vô cùng sâu sắc (,) đó còn là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của những con người có thân phận thấp bé trong xã hội. Đọc “Con cò” của Chế Lan Viên ta vừa như được sống lại trong không gian ca dao dân ca quen thuộc (,) vừa như được thấy lại tuổi thơ và đặc biệt là có thể cảm nhận được từng cử chỉ yêu thương của mẹ hiện lên trong từng câu (,) từng chữ. "Con cò" của Chế Lan Viên là bài thơ rất thành công trong việc vận dụng sáng tạo hình tượng con cò, đúc kết những suy tư sâu sắc, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao cả và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi con người. Nhà thơ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết yêu thương, quý trọng những tình cảm gia đình đừng vì những nông nổi của tuổi trẻ mà đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hệ thống hóa được những kiến thức đã học trong chương trình Ngữ văn 7.

- Trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân.

- Có ý thức học tập bộ môn.

Ngày:16/01/2021 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM