Tục ngữ về con người và xã hội Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài Tục ngữ về con người và xã hội dưới đây nhằm giúp các em hiểu được ý nghĩa của những câu tục ngữ về con người và xã hội. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ ngữ phong phú. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tục ngữ về con người và xã hội Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

- Khái niệm tục ngữ: Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, thường có vần điệu, nhịp điệu, hình ảnh thể hiện những kinh ngiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đây là một thể loại văn học dân gian.

2. Đọc - hiểu văn bản

a. Câu 1: Một mặt người bằng mười mặt của:

- Người qúy gấp nhiều lần của cải, con người được đạt lên trên thứ của cải.

- Giá trị quyết định tư tưởng: thái độ coi trọng con người, giá trị con người của nhân dân ta.

b. Câu 2: Cái răng, cái tóc là góc con người:

- Răng và tóc đều thể hiện sức khoẻ, hình thức, tính tình, tư cách của con người.

- Khuyên nhủ, nhắc nhở con người phải biết giữ gìn răng, tóc cho đẹp, phù hợp với bản thân.

- Thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá, bình phẩm con người của nhân dân.

c. Câu 3: Nghèo cho sạch, rách cho thơm:

- Ông cha ta lấy bối cảnh nghèo khó của xã hội để thử thách lòng người. Câu tục ngữ gồm hai vế, sóng đôi bổ sung ý nghĩa cho nhau.

- Câu tục ngữ "Nghèo cho sạch, rách cho thơm" nhằm mang đến cho người đọc những bài học về thói quen sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Mặc dù đói nghèo thì việc ăn uống cũng cần phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn bẩn, ôi thiu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Nhà dù có nghèo, quần áo dù có rách rưới thì ít nhất cũng cần phải giữ thơm tho. Đây là lối sống sạch, sống đẹp, sống thơm tho. Điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng trước hết thì chúng ta cần phải giữ được sự sạch sẽ trong cách sống. Như vậy thì vẻ bề ngoài cũng như nhân phẩm của con người phần nào cũng sẽ được đánh giá.

d. Câu 4: Học ăn, học nói, học gói, học mở:

- Trong kho tàng văn học dân gian có rất nhiều những câu tục ngữ hay và ý nghĩa, những câu tục ngữ ấy dạy con người ta thái độ sống đúng đắn hơn, chẳng hạn như câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đây là lời răn dạy của cha mẹ đối với con cái trong gia đình, dòng tộc. Ăn thế nào cho có văn hoá? Nói thế nào cho lễ phép, lịch thiệp? Gói, mở thế nào cho nó đẹp về hình thức, có ý nghĩa về nội dung? Đó chính là vấn đề nề nếp gia phong của gia đình, dòng tộc, có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

- Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” nhằm giúp con người ta những cách học cần thiết trong cuộc sống, từ học ăn cho đến học nói, học gói và học mở, những cách học đó sẽ có hiệu quả vì nó là một vấn đề rất tế nhị của đời sống xã hội. Cuộc sống rất phong phú, cái gì muốn biết ta cũng phải học, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ không biết đến biết... đó chính là kinh nghiệm sống của dân gian truyền lại cho con cháu, một bài học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

e. Câu 5: Không thầy đố mày làm nên:

- Thầy là người có công rất lớn trong việc dạy dỗ chúng ta nên người, thầy dạy cho ta từng bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Nếu như lúc còn bé thơ, thầy dạy ta từng chữ cái, từng con số. Rồi dần dần lớn lên, thầy dạy ta những điều hiểu biết cao hơn, rộng hơn để ta có được kiến thức như hôm nay. Thầy đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết để rèn luyện, giáo dục ta nên người có tri thức, có đạo đức. Công ơn ấy có thể sánh ngang bằng với công ơn cha mẹ.

- Không có một người học trò nào thành đạt, có công danh sự nghiệp với đời mà không do người thầy dạy dỗ cả. Điều này khẳng định vai trò vô cùng to lớn của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”.

- Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” đã giúp chúng ta hiểu được vai trò quan trọng của người thầy trong cuộc sống, đồng thời đây còn là một câu tục ngữ hoàn toàn đúng đắn, dù trong thời đại nào thì ý nghĩa của nó cũng không thay đổi, hao mòn. Ta cũng có thể thấy từ rất sớm ông cha ta đã rất đề cao nghề giáo cũng như người thầy giáo, câu tục ngữ thể hiện được sự kính trọng đối với vai trò và vị trí của người thầy đối với sự phát triển, thành công của người học.

f. Câu 6: Học thầy không tày học bạn:

- Đề cao vai trò, ý nghĩa của việc học bạn.

- Khuyến khích mở rộng đối tượng, phạm vi và cách học hỏi, khuyên như về việc kết bạn, có tình bạn đẹp,học tập ở bản điều hay lẽ phải.

g. Câu 7: Thương người như thể thương thân:

- Đây là một lời khuyên chí tình, chí nghĩa nhằm nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương giúp đỡ người khác như yêu thương chính bản thân mình. Lời nói tự nhiên chân thành ngắn gọn, mà lại chứa chan bao điều giáo huấn.

- Câu tục ngữ nhằm giúp cho chúng ta hiểu hơn về truyền thống nhân đạo, yêu thương con người  của nhân dân ta. Câu tục ngữ này có hai vế rất rõ, một bên là người "nhân loại", một bên là bản thân bởi cách so sánh "như thể''. Lời dạy trên muốn nhấn mạnh: Nếu ta thương thân ta như thế nào thì phải thương người xung quanh ta như thế ấy. Thân thể của ta thì ta phải quý trọng, phải chăm sóc. Chỉ một vết trầy xước nhỏ, một chứng đau nhẹ cũng khiến cho ta phải quan tâm lo sợ... cho tấm thân ta. Thấm được cái đau khi mình mắc phải sẽ giúp ta thông cảm với nỗi đau của người khác. Nếu như người chung quanh ta không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc họ như yêu thương chăm sóc chính bản thân mình.

h. Câu 8: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây:

- Nghĩa đen: Khi được ăn quả -> nhớ người trồng cây.

- Nghĩa bóng: Khi được hưởng thụ -> biết ơn người cống hiến, gây dựng nên.

-> Quan niệm về cống hiến, hưởng thụ

- Vận dụng trong hoàn cảnh: Thể hiện tình cảm của con cháu đối với ông bà cha mẹ; của học trò đối với thầy cô; của nhân dân đối với những người anh hùng, liệt sĩ…

i. Câu 9: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao:

- Căn cứ vào nghĩa đen -> Câu tục ngữ vô nghĩa: một cây không thể làm nên rừng chứ sao lại nên non? Ba cây chụm lại làm nên rừng chứ sao lại nên hòn núi cao?

- Đây là ẩn dụ - so sánh -> ý nghĩa tượng trưng.

- Một người lẻ loi không thể làm nên việc lớn, việc khó, nhiều người hợp sức sẽ làm được việc cần làm.

- Khẳng định chân lí về sức mạnh của đoàn kết.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Chú ý tôn vinh giá trị con người.

+ Nhận xét, khuyên về phẩm chất lối sống con người cần phải có.

- Về nghệ thuật: Giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hàm xúc.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy chọn và phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em thích.

Gợi ý trả lời:

Con người chúng ta ngay từ khi mới lớn lên tôi cũng vô tư không để ý gì tới những giá trị tưởng chừng nhỏ bé trong cuộc sống như câu nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Sau này mới thấy thực sự thấm thía là vì sao con người phải học rất nhiều thứ từ lúc mới sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

"Học ăn" chính là học cách ăn uống, "học nói" là học cách giao tiếp. Còn “học gói” đó chính là những kiến thức bó hẹp đã được vạch rõ ràng cụ thể trong khung chương trình hay ở trong một lĩnh vực nào đó nhất định. “Học mở” chính là việc ngoài những kiến thức đã có sẵn trong sách vở bạn phải học mở rộng ra bên ngoài.

"Học ăn” có thể hiểu là học lấy cái nét văn hoá của quê hương, dân tộc mình. Ví như ở nước ta, "ăn trông nồi ,ngồi trông hướng” là lịch sự, đúng lề thói đạo đức Á Đông. Khi hầu hết mọi người đều nghĩ rằng ăn uống là bản năng, nhưng thực chất nó là một nét văn hoá thể hiện sự văn minh, lịch sự trong sinh hoạt nói riêng và trong đời sống nói chung. Chúng ta phải biết học cách ăn uống làm sao để mọi người không chê cười. Qua cách ăn uống thể hiện lối sống có phép tắc, tính cách và sự hiểu biết, văn minh của mỗi con người.

Sự thật cho thấy, con đường nhanh nhất gây được thiện cảm với người mà mình giao tiếp thì không gì tốt hơn là lời nói. Mà muốn đạt hiệu quả cao trong giao tiếp thì trước hết người nói phải hiểu điều mình muốn nói và nói sao cho người nghe hiểu được điều đó. Thiếu vốn từ, người nói sẽ gặp khó khăn khi diễn đạt. Muốn nói năng được trôi chảy và chính xác, chúng ta phải học cách nói. Trước hết là phải nắm chắc vốn từ mình đã có bằng cách phải nhớ được nghĩa của từ và cách sử dụng từ đó.

Khi nói, ta phải chọn từ cho thích hợp. Khi giao tiếp, ta không chỉ dùng từ, dùng câu mà còn dùng đến đoạn, có khi dùng cả văn bản để trao đổi ý tưởng với mọi người. Để giúp mọi người học nói được tốt, câu tục ngữ đã dùng hình ảnh học gói, học mở vừa cụ thể, vừa dễ hiểu. Muốn gói một món đồ, ta cần biết gói gì trước, gói gì sau, cũng như khi mở một món đồ, ta cần phải biết mở cái gì trước, mở cái gì sau. Vậy khi nói, ta cũng phải nên nghĩ xem nên nói điều gì trước, nói điều gì sau, luôn cân nhắc thận trọng, không nên bộp chộp, vội vàng.

Học gói, học mở thể hiện sự quan trong trong giao tiếp dù tặng quà hay nhận quà chúng ta cũng phải thể hiện thái độ trân trọng thành kính, không phải muốn làm gì thì làm theo ý của chúng ta. Câu nói này thể hiện việc cần phải học tất cả mọi thứ trong cuộc sống từ những cái dễ nhất, tới cái khó hơn…

Trong hoàn cảnh nào thì câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đều đúng trên mọi phương diện, nó là tình cảm là lời nhắn nhủ của ông cha ta tới con cháu của mình, làm gì cũng cần nhìn trước ngó sau, cần học tập để có thể ứng xử cho đúng mực.

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy sưu tầm thêm một số câu tục ngữ về con người và xã hội.

Gợi ý trả lời:

- Chữ tốt xem tay, người hay xem khoáy.

- Người khôn dồn ra mặt.

- Trông mặt mà bắt hình dung.

- Mỏng môi hay hớt, trớt môi nói thừa.

- Con mắt là mặt đồng cân.

- Bụng bí rợ ăn như bào, làm như khỉ.

- Lòng người như bể khôn dò.

- Miệng hỏa lò ăn hết cơ nghiệp.

- To mắt hay nói ngang.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu nội dung, ý nghĩa về một số hình thức diễn đạt của những câu tục ngữ trong bài học về chủ đề con người và xã hội.

- Tìm hiểu phân tích và biết cách vận dụng những kinh nghiệm hay vào thực tế.

- Học những điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

- Biết tự giác rèn luyện đạo đức bản thân.

Ngày:12/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM