Bệnh khổng lồ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh khổng lồ là tình trạng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Sự thay đổi này phần lớn thể hiện qua chiều cao và kích thước cơ thể của đứa trẻ. Tình trạng này xảy ra do sự tăng quá mức lượng hormone khi còn nhỏ. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh khổng lồ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh khổng lồ là bệnh gì?

Bệnh khổng lồ là tình trạng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Sự thay đổi này phần lớn thể hiện qua chiều cao và kích thước cơ thể của đứa trẻ. Tình trạng này xảy ra do sự tăng quá mức lượng hormone khi còn nhỏ.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khổng lồ là gì?

Bạn có thể nhận biết được bệnh  bằng cách quan sát các dấu hiệu sau trong quá trình phát triển của trẻ:

Con bạn cao lớn hơn những đứa trẻ cùng tuổi; Bàn tay và bàn chân rất lớn; Ngón tay và ngón chân dày; Trán và hàm nhô ra; Đặc điểm gương mặt thô; Mũi phẳng; Đầu, môi, lưỡi lớn.

Triệu chứng của khổng lồ cũng còn phụ thuộc vào kích thước của khối u tuyến yên. Một số triệu chứng bao gồm như đau đầu, có vấn đề về thị giác hay thính giác, buồn nôn, hay đổ mồ hôi, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, dậy thì muộn và rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.

Trong trường hợp bệnh kéo dài, bệnh khổng lồ nếu không được điều trị sẽ có những tình trạng nghiêm trọng như tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu con bạn có các dấu hiệu và triệu chứng kể trên so với các đứa trẻ cùng lứa hoặc có bất kì câu hỏi gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ. Cơ địa mỗi bé sẽ khác nhau, cách tốt nhất là bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh khổng lồ là gì?

Nguyên nhân chính gây ra khổng lồ là do khối u lành tính trong tuyến yên. Tuyến này nằm ở sàn não, điều khiển hoạt động sản sinh của các loại hormone trong cơ thể. Khối u trong tuyến yên có thể khiến lượng hormone tăng cao hơn lượng cơ thể cần.

Một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn:

Hội chứng McCune-Albright: là một tình trạng ảnh hưởng đến tế bào sản xuất hormone; Phức hợp Carney: tình trạng gây ra khối u trong tế bào cơ thể và thay đổi sắc tố da; Tân sinh đa tuyến nội tiết loại 1 (MEN1): là một dạng rối loạn di truyền gây ra các khối u ở tuyến yên, tuyến tụy hoặc tuyến cận giáp; U xơ thần kinh: là một dạng rối loạn di truyền gây ra khối u ở hệ thần kinh.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh khổng lồ?

Bệnh khổng lồ là một tình trạng hiếm gặp, thường gặp ở trẻ nhi hoặc trẻ vị thành niên. Bạn vẫn có thể học cách kiểm soát tình trạng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo với ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh khổng lồ?

Khổng lồ là một bệnh hiếm gặp. Yếu tố  gây nguy cơ chính là do bố mẹ mắc bệnh về gen hoặc các bệnh khác gây ra các khối u và ảnh hưởng đến chức năng của da, tim, não hoặc hệ hormone.

5. Điều trị hiệu quả

Thông tin được cung cấp không được thay thế cho lời khuyên y khoa. Hãy luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để có thông tin chi tiết.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh khổng lồ?

Bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để xác định lượng hormone tăng trưởng và yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 với xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống. Bác sĩ sẽ cho bé uống một lượng glucose và lấy mẫu máu. Đứa trẻ bị khổng lồ sẽ có lượng hoócmôn tăng trưởng được duy trì ngay cả sau khi hấp thụ glucose.

Con bạn sẽ có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác như các loại hormone estradiol (bé gái), testosterone (bé trai), prolactin, thyroid.

Nếu bác sĩ xác nhận khả năng có khối u trong tuyến yên, thì sẽ cho chụp CT-scan để kiểm tra kích thước và vị trí khối u.

Những phương pháp nào để điều trị bệnh khổng lồ?

Bệnh khổng lồ được điều trị bằng cách kiểm soát lượng hormone, khiến cho chúng càng gần với mức độ bình thường càng tốt. Một số phương pháp điều trị bệnh khổng lồ bao gồm:

Thuốc. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát lượng hormone tăng trưởng. Những loại thuốc này có thể kích thích các loại hormone khác trong cơ thể và giảm thiểu sản xuất lượng hormone tăng trưởng. Thuốc có thể dưới dạng viên hoặc tiêm như: octreotide, lanreotide, bromocriptine, cabergoline, pegvisomant; Phẫu thuật. Nếu bệnh khổng lồ gây ra do khối u, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u đó; Liệu pháp phóng xạ. Quá trình này sẽ từ từ làm giảm kích thước khối u bằng cách sử dụng tia phóng xạ mà không làm tổn hại đến các tế bào khác.

6. Chế độ sinh hoạt hiệu quả

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh khổng lồ?

Bệnh khổng lồ rất hiếm xảy ra. Nếu con  bạn mắc bệnh, điều quan trọng nhất chính là bố mẹ cần phải hỗ trợ và giúp đỡ con vượt qua những khó khăn đó. Bạn cũng nên dạy trẻ về tình trạng bệnh và cách có sẵn để điều trị. Bạn cũng có thể tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý hoặc các nhóm hỗ trợ để chia sẻ kinh nghiệm và học cách chăm sóc con mình. Con bạn sẽ cần rất nhiều sự động viên để có cuộc sống hạnh phúc.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh khổng lồ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM