Hội chứng sau chấn động - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng sau chấn động là một rối loạn phức tạp thường xuất hiện sau cơn chấn động não. Hội chứng này có thể bao gồm các triệu chứng như đau đầu hoặc chóng mặt và thường kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Hội chứng sau chấn động - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Hội chứng sau chấn động là bệnh gì?

Hội chứng sau chấn động là một rối loạn phức tạp thường xuất hiện sau cơn chấn động não. Hội chứng này có thể bao gồm các triệu chứng như đau đầu hoặc chóng mặt và thường kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Chấn động não là tình trạng mất ý thức rất ngắn và thoáng qua sau một chấn thương ở vùng đầu.

Ở nhiều người, hội chứng sau chấn động thường kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày, và tự biến mất sau 3 tháng. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể kéo dài trong 1 năm hoặc hơn.

Những ai thường mắc hội chứng sau chấn động?

Hội chứng sau chấn động rất thường gặp ở những người bị chấn động não. Có 80% bệnh nhân bị chấn động não mắc hội chứng sau chấn động. Trong đó, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam giới.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng sau chấn động là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng sau chấn động bao gồm:

Đau đầu; Hoa mắt; Mệt mỏi; Dễ kích động; Lo âu; Mất ngủ; Giảm tập trung và trí nhớ; Nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng.

Đau đầu xảy ra sau chấn động não có thể ở nhiều dạng khác nhau và bạn có thể cảm thấy cơn đau đầu này giống như đau đầu căng cơ hoặc migraine.

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể thay đổi hành vi hoặc cảm xúc sau chấn thương não nhẹ. Các thành viên trong gia đình có thể thấy bạn trở nên dễ kích động, đa nghi, hay tranh cãi hoặc ương ngạnh.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nên gọi bác sĩ nếu bạn:

Thấy các triệu chứng tăng dần theo thời gian hoặc không cải thiện trong vòng nhiều tháng. Bắt đầu có triệu chứng nghiêm trọng hơn chẳng hạn như hoa mắt, nhìn mờ, nhìn đôi tăng đần, yếu cơ, mất khả năng phối hợp động tác, nôn hoặc đau đầu dữ đội. Bị chấn thương đầu nặng khiến bạn lú lẫn hoặc mất trí nhớ – ngay cả khi bạn không bị mất ý thức.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng sau chấn động là gì?

Một số chuyên gia cho rằng hội chứng sau chấn động xảy ra là do tổn thương cấu trúc trong não hoặc gián đoạn hệ thống chất dẫn truyền thần kinh, mà chủ yếu là do cơn chấn động não gây ra.

Một số khác tin rằng hội chứng sau chấn động liên quan tới các yếu tố tâm lý, đặc biệt bởi vì các triệu chứng thường gặp nhất – đau đầu, hoa mắt, rối loạn giấc ngủ – cũng tương tự như những triệu chứng của trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn stress sau sang chấn.

Trong nhiều trường hợp, cả tác động sinh lý của chấn thương não và phản ứng tâm lý với những tác động này đều đóng vai trò hình thành nên triệu chứng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa hiểu được nguyên nhân tại sao một số người bị chấn động não sau đó sẽ mắc phải hội chứng sau chấn động, trong khi một số khác thì không.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng sau chấn động?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hội chứng sau chấn động, bao gồm:

Độ tuổi: các nghiên cứu đã tìm ra tuổi gia tăng là một yếu tố nguy cơ của hội chứng sau chấn động. Giới tính: nữ giới dễ mắc hội chứng sau chấn động hơn. Chấn thương: chấn động não do va chạm xe hơi, té ngã, bị tấn công hay chấn thương trong thể thao thường có liên quan đến hội chứng sau chấn động.

5. Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng sau chấn động?

Thông thường, hội chứng sau chấn động thường tự khỏi mà không cần điều trị. Hầu hết mọi người hồi phục trở lại trạng thái bình thường trước chấn thương và không gặp phải di chứng vĩnh viễn.

Không có thuốc nào giúp đẩy nhanh tiến trình hồi phục. Thuốc giảm đau như acetaminophen, aspirin và ibuprofen thường giúp khống chế cơn đau đầu. Bạn cũng có thể cần thuốc để điều trị trầm cảm hoặc lo âu.

Tập luyện có thể giúp cải thiện rối loạn giấc ngủ. Một số người thấy rằng phương pháp phản hồi sinh học và các kỹ thuật thư giãn cũng có thể giúp ích.

Bệnh nhân cũng có thể thay đổi công việc hoặc môi trường học tập để giảm thiểu tác động của việc mất trí nhớ hay giảm khả năng tập trung.

Sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình để nhắc nhở người bệnh về tình trạng bệnh của mình sẽ có thể tạm thời giúp họ giải quyết được các triệu chứng.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng sau chấn động?

Để chẩn đoán hội chứng sau chấn động, bác sĩ có thể chỉ định chụp hình não để kiểm tra những vấn đề tiềm ẩn có khả năng gây nên triệu chứng của bạn. Bạn có thể được tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện bất thường của não.

Nếu bạn bị hoa mắt nhiều, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác.

Bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học nếu bạn có các triệu chứng của lo âu hoặc trầm cảm, hay bạn đang gặp khó khăn về trí nhớ hay khả năng giải quyết vấn đề.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng sau chấn động?

Hội chứng sau chấn động có thể được hạn chế nếu bạn:

Tránh sử dụng các thuốc như chất kích thích hoặc thuốc giảm sung huyết mũi. Những thuốc này có thể làm các khiến triệu chứng tâm lý dễ kích động trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin về Hội chứng sau chấn động, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. 

Ngày:19/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM