Bệnh đau đầu về chiều - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau đầu về chiều về cơ bản là tình trạng giống như một cơn đau đầu thông thường, có thể xảy ra một phần hoặc trên toàn bộ vùng đầu. Điểm khác biệt duy nhất chính là thời điểm xảy ra cơn đau. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh đau đầu về chiều - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Đau đầu về chiều là gì?

Đau đầu về chiều về cơ bản là tình trạng giống như một cơn đau đầu thông thường, có thể xảy ra một phần hoặc trên toàn bộ vùng đầu. Điểm khác biệt duy nhất chính là thời điểm xảy ra cơn đau.

Tuy nhiên, các cơn đau này thường không nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm vào buổi tối. Trong những trường hợp hiếm hơn, cơn đau có thể trở nên dữ dội hoặc kéo dài. Lúc đó, người bệnh cần nhanh chóng đến phòng khám kiểm tra để đề phòng cơn đau là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với đau đầu về chiều là gì?

Đau đầu về chiều thường hiếm khi là tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi các cơn đau lại là dấu hiệu của những vấn đề về sức khỏe. Khi có các triệu chứng như sau, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám:

  • Đau đầu dữ dội đột ngột, cảm giác khác với những cơn đau trước đây;
  • Cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn hoặc trở nên trầm trọng hơn;
  • Cứng cổ ;
  • Lơ mơ ;
  • Mất thị lực;
  • Song thị ;
  • Co giật ;
  • Tê ở cánh tay hoặc chân ;
  • Mất ý thức;
  • Huyết áp cao ;
  • Đau đầu sau chấn thương.

Những người bị đau đầu mạn tính nên tham vấn ý kiến bác sĩ nếu:

  • Cơn đau xuất hiện mà không có tác nhân rõ ràng;
  • Những thay đổi trong lối sống không làm giảm đau đầu;
  • Cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn theo thời gian;
  • Vị trí đau ở đầu thay đổi.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của đau đầu về chiều là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu về chiều, chẳng hạn như:

  • Mất nước. Đau đầu về chiều có thể do cơ thể bị thiếu nước trong cả ngày dài. Bên cạnh đó, cơ thể cũng có các triệu chứng khác chẳng hạn như: khô miệng, môi và cổ họng, nước tiểu sẫm màu hoặc đi tiểu ít, chóng mặt, cáu gắt…
  • Căng cơ. Đây là loại đau đầu phổ biến nhất, có đến 75% người trưởng thành đều từng bị đau đầu do căng cơ, stress. Phụ nữ có xu hướng bị đau đầu liên quan đến căng thẳng cao gấp đôi nam giới. Người bệnh có thể cảm thấy đầu như bị căng ra và đau nhiều ở 2 bên đầu do cơn đau bắt nguồn từ các cơ vùng cổ, vai hoặc hàm đi lên vùng đầu.
  • Đau đầu chùm là một nguyên nhân hiếm gặp hơn của tình trạng đau đầu về chiều. Đau đầu chùm gây ra những cơn đau dữ dội quanh mắt và ở một bên đầu và thường theo từng đợt, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi thuyên giảm nhưng vẫn có thể tái phát đột ngột. Người bệnh cảm thấy đau dữ dội ở 1 bên đầu và cơn đau có thể lan sang cổ, đi kèm với đau đỏ mắt, nghẹt mũi, đổ mồ hôi vùng mặt, da nhợt nhạt.
  • Hạ áp lực nội sọ tự phát (SIH). Dạng đau đầu này còn được gọi là đau đầu do áp suất thấp. Tình trạng này rất hiếm, chỉ ảnh hưởng đến 1 trên 50.000 người và có khả năng bắt đầu ở độ tuổi 30 hoặc 40, phụ nữ có nguy cơ mắc cao gấp đôi nam giới. Bệnh này thường xảy ra thường xuyên hơn ở những người có mô liên kết yếu. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, buồn nôn hoặc nôn mửa, ù tai, chóng mặt, đau ở lưng hoặc ngực, song thị.
  • Dấu hiệu của bệnh lý, chẳng hạn như đột quỵ hoặc phình động mạch. Khi này các cơn đau đầu có thể xuất hiện vào buổi chiều. Tuy nhiên, không giống như các loại đau đầu khác, chúng có xu hướng không biến mất và thường tái phát. Sau đó, cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày, vì vậy người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau đầu về chiều?

Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu bệnh lý, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về thần kinh cũng như những hoàn cảnh xảy ra, cường độ và mức độ các cơn đau đầu của người bệnh. Nếu nguyên nhân gây đau đầu về chiều vẫn chưa xác định rõ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI.

Những phương pháp điều trị đau đầu về chiều

Người bệnh có thể giảm đau đầu về chiều bằng những cách sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen và naproxen hoặc một số loại thuốc giảm đau kết hợp aspirin hoặc acetaminophen với caffeine.
  • Sử dụng thuốc kê đơn trong điều trị bệnh lý như thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp hoặc thuốc chống động kinh hằng ngày để ngăn ngừa đau đầu. Nếu có những bệnh lý liên quan, người bệnh cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ và không nên tự ý ngưng thuốc.
  • Chườm lạnh. Chườm 1 túi đá lạnh lên vùng đầu hoặc cổ bị đau nhức trong khoảng 15 phút mỗi lần. Có thể lót khăn sạch để giảm độ lạnh khi tiếp xúc trực tiếp với đá. Biện pháp này thường hiệu quả nếu đau đầu do căng thẳng.
  • Chườm nóng. Nếu cơ bị căng cứng là nguyên nhân gây đau đầu, người bệnh có thể chườm nóng bằng túi chườm. Cần cẩn thận nhiệt độ nước nóng trong túi để tránh bị bỏng.
  • Massage. Massage nhẹ vùng đầu bị đau cũng là một cách thư giãn đơn giản nhưng hiệu quả nhằm giảm đau đầu về chiều.
  • Châm cứu. Người bị đau đầu về chiều mạn tính do căng thẳng có thể cân nhắc áp dụng phương pháp điều trị châm cứu. Thông thường, tác dụng của châm cứu có thể kéo dài ít nhất trong 6 tháng.

5. Phòng ngừa 

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau đầu về chiều?

Để ngừa những cơn đau đầu về chiều, bạn cần nắm được tác nhân gây đau để hạn chế hoặc kiểm soát. Một số phương pháp có thể thực hiện là:

Thay đổi tư thế làm việc. Tránh ngồi ở tư thế khiến lưng bị cong khòm hoặc ngước nhìn quá lâu có khiến cơ bắp căng mỏi, dễ đau nhức cổ, đầu, vai gáy Nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ học hoặc làm việc, thỉnh thoảng kéo giãn cơ bắp và đứng lên đi lại Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước mỗi ngày Hạn chế rượu bia Thức uống chứa caffeine nên dùng vào đầu ngày Nếu có vấn đề với thị lực hoặc mắt cần nhanh chóng thăm khám Người cần đeo kính thuốc theo toa nên thường xuyên sử dụng kính

Việc phối hợp giữa dùng thuốc và thay đổi lối sống có thể làm thuyên giảm và phòng ngừa hầu hết những cơn đau đầu không do bệnh lý, chẳng hạn như đau đầu về chiều. Tuy nhiên, trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng khác hoặc cơn đau dữ dội hơn, người bệnh không nên trì hoãn việc kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh đau đầu về chiều sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:13/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM