Hội chứng mất trí nhớ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mất trí nhớ là tình trạng gây ra sự mất đi trí nhớ bao gồm sự mất đi những thông tin, sự kiện và những trải nghiệm cá nhân. Mất trí nhớ là một dạng nặng hơn của mất ký ức, bệnh này làm giảm khả năng ghi nhớ thêm ký ức của bệnh nhân. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Hội chứng mất trí nhớ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Mất trí nhớ là bệnh gì ?

Mất trí nhớ, hay còn được gọi là hội chứng mất trí nhớ, là một tình trạng gây ra sự mất đi trí nhớ bao gồm sự mất đi của thông tin, sự kiện và những trải nghiệm cá nhân. Có rất nhiều tình trạng bệnh lý gây ra mất trí nhớ như suy giảm trí tuệ, đột quỵ hay chấn thương sọ não. Mất trí nhớ là một dạng nặng hơn của mất ký ức, bệnh này làm giảm khả năng ghi nhớ thêm ký ức của bệnh nhân. Mất trí nhớ có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể là tình trạng vĩnh viễn. Điều quan trọng là bạn nên đến bác sĩ để điều trị những nguyên nhân cơ bản của bệnh này

2. Triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng của bệnh mất trí nhớ là gì?

Triệu chứng chính của mất trí nhớ là sự mất đi ký ức hay không có khả năng ghi nhớ những ký ức mới. Kỹ năng nhận thức hay kỹ năng vận động của bạn thường sẽ không bị ảnh hưởng, điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn vẫn có thể nhớ cách bước đi và nói thành thạo ngôn ngữ vốn có của mình. Có rất nhiều dạng mất trí nhớ khác nhau, bao gồm:

Chứng quên về trước: chứng quên về trước xảy ra khi bạn mất đi khả năng nhớ lại những ký ức đã được hình thành và ký ức thời thơ ấu. Bệnh thường ảnh hưởng từ từ. Có những tình trạng bệnh lý gây ra chứng quên về trước như sa sút trí tuệ; Chứng quên về sau: chứng quên về sau xảy ra khi bạn không thể hình thành những ký ức mới. Ảnh hưởng thường chỉ là tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn. Việc tiêu thụ quá nhiều bia rượu có thể gây ra tối sầm mặt mũi và sau đó là chứng mất trí nhớ về sau. Nguyên nhân khác có thể là tổn thương hồi hải mã của bạn, vùng não giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành ký ức; Chứng mất trí nhớ thoáng qua: chứng mất trí nhớ thoáng qua xảy ra khi bạn đang bị mất ký ức ngay trước khi một trải nghiệm đau thương xảy ra, gây bối rối và nhầm lẫn. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Một số chuyên gia cho rằng, một hoạt động giống co giật hay tắc nghẽn mạch máu tạm thời có thể có khả năng là nguyên nhân gây ra. Bệnh thường gặp ở trung niên và người cao tuổi.

Mất trí nhớ khác với sa sút trí tuệ. Mất trí nhớ chỉ ảnh hưởng lên sự mất ký ức của bạn chứ không gây nên sự suy giảm nhận thức, điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể nhớ được mình là ai cũng như nhớ được thời gian và ngày tháng. Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như: nhớ sai ký ức, nhầm lẫn hay lạc phương hướng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần phải liên lạc với bác sĩ nếu gặp bất kỳ điều gì sau đây:

Trải qua sự mất ký ức mà không thể giải thích được, chấn thương sọ não, nhầm lẫn hay mất phương hướng; Bạn không có khả năng nhận biết không gian.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng kể trên hay thắc mắc gì, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Mất trí nhớ có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng, do đó việc tìm ra phương pháp điều trị thích hợp ngay lập tức là điều vô cùng quan trọng.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh mất trí nhớ?

Mất trí nhớ có nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm tình trạng sức khỏe và tổn thương não. Ngoài ra còn có các tác nhân khác như lạm dụng rượu bia và tổn thương do stress. Sau đây là một số nguyên nhân:

Đột quỵ; Viêm não gây ra bởi sự nhiễm trùng như do virus herpes gây ra; Viêm não gây ra bởi một phản ứng tự miễn với bệnh ung thư; Thiếu hụt oxy trong não gây ra bởi các tình trạng như nhồi máu cơ tim, suy hô hấp hoặc nhiễm độc khí CO; Lạm dụng bia rượu trong thời gian dài dẫn đến thiếu hụt vitamin B1 (hội chứng  Wernicke-Korsakoff ); Khối u ở những vùng não bộ có chức năng điều khiển ký ức như Hồi hải mã; Thoái hóa não, như bệnh Alzheimer và một số dạng sa sút trí tuệ khác; Động kinh; Một số loại thuốc như: Benzodiazepines được dùng để điều trị rối loạn lo âu và rối loạn giấc ngủ.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh mất trí nhớ?

Mất trí nhớ là một tình trạng phổ biến, thường là hậu quả của những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như chấn thương sọ não, đột quỵ hay sa sút trí tuệ. Ngoài ra cũng có một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị mất trí nhớ, có thể là lạm dụng bia rượu, động kinh hoặc phẫu thuật não. Mất trí nhớ có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ nhưng thường gặp ở nữ hơn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ?

Có rất nhiều tác nhân nguy cơ gây bệnh mất trí nhớ, đặc biệt khi  bạn đã từng:

Phẫu thuật não; Chấn thương sọ não; Đột quỵ; Lạm dụng bia rượu; Sự kiện gây tổn thương tinh thần và căng thẳng; Động kinh.

Nếu bạn cảm thấy mình có nguy cơ bị mất trí nhớ, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để tìm cách ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh mất trí nhớ?

Để chẩn đoán chính xác bệnh mất trí nhớ, bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm để loại trừ những nguyên nhân có khả năng gây mất đi ký ức như: bệnh Alzheimer, trầm cảm hay u não. Những xét nghiệm đó bao gồm:

Xem xét bệnh sử: việc này bao gồm hỏi các câu hỏi để kiểm tra mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất ký ức và các tác nhân khác; Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ, chức năng cảm giác, thăng bằng và các phản ứng sinh lý khác để đảm bảo chính xác các chức năng của não và hệ thần kinh; Kiểm tra nhận thức: những bài kiểm tra này sẽ kiểm tra suy nghĩ, đánh giá của bạn cũng như ký ức ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra bài kiểm tra còn giúp xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất ký ức của bạn; Xét nghiệm chẩn đoán: những bài xét nghiệm này có thể bao gồm cả chụp hình cộng hưởng từ (MRI) và chụp CT để phát hiện bất kỳ tổn thương hay bất thường nào trong não.

Tất cả thành viên trong gia đình và bạn bè của bệnh nhân đều nên đến gặp bác sĩ. Điều này sẽ giúp bác sĩ có được chẩn đoán tốt hơn khi bệnh nhân không có khả năng trả lời tất cả các câu hỏi cần thiết.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh mất trí nhớ?

Không có phương pháp hay thuốc điều trị cụ thể cho bệnh mất trí nhớ, nhưng bạn vẫn có thể đối phó với chúng bằng cách:

Làm việc với chuyên gia trị liệu để học những kỹ năng khác nhau cho việc rèn luyện trí nhớ. Chuyên gia trị liệu của bạn có thể sử dụng hình ảnh, mùi hương thân thuộc và âm nhạc để kích hoạt trí nhớ của bạn; Nếu bạn mắc Hội chứng Wernicke-Korsakoff, cách điều trị thường bao gồm sự thay đổi lượng vitamin và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hội chứng Wernicke-Korsakoff thường được gây ra bởi việc sử dụng chất có cồn quá nhiều dẫn đến thiếu hụt Thiamin (Vitamin B1). Bạn cũng sẽ cần thanh lọc hoàn toàn lượng cồn ra khỏi cơ thể; Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng trên máy tính, smartphone hay máy tính bảng để nhắc nhở bản thân về những ngày tháng quan trọng hoặc uống thuốc đúng giờ. Cách này rất hiệu quả trong việc liệt kê hoạt động hàng ngày.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh mất trí nhớ?

Bạn có thể áp dụng các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây để đối phó với bệnh mất trí nhớ:

Viết ra bất kỳ triệu chứng bất thường mà bạn đang gặp phải; Ghi lại những thông tin cá nhân chính bao gồm bất kỳ sự căng thẳng  hoặc thay đổi trong cuộc sống gần đây mà bạn có thể nhớ lại. Hãy hỏi các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè cho sự trợ giúp, để đảm bảo danh sách của bạn hoàn tất; Liệt kê tất cả các loại thuốc bạn đang dùng bao gồm vitamin và các loại thuốc khác; Hãy nhờ một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè cùng đến gặp bác sĩ với bạn; Mang theo một cuốn sổ tay nhỏ và bút bi hoặc bút chì để ghi lại những điểm bạn muốn chắc chắn để nhớ sau này; Viết ra những câu hỏi mà bạn muốn hỏi bác sĩ;

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh mất trí nhớ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM