Bệnh đau nửa đầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau nửa đầu (hay migraine) là một vấn đề sức khỏe phổ biến có thể xảy ra ở tất cả mọi người, thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở một bên đầu hay đi kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng... Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh đau nửa đầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Các dấu hiệu và triệu chứng thường bắt đầu từ tuổi trưởng thành. Bạn có thể sử dụng thuốc để chữa trị tình trạng này kết hợp với việc thay đổi lối sống ngăn ngừa cơn đau tái phát trở lại.

1. Bệnh đau nửa đầu (migraine) là gì?

Đau nửa đầu (migraine) là một cơn đau đầu vừa hoặc nặng mà chỉ nhói đau ở một bên đầu. Người bệnh thường cảm thấy đau đầu kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Các cơn đau nửa đầu thường kéo dài hàng giờ đến vài ngày và đôi khi nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động thường ngày của bạn. Ở một số trường hợp, người bệnh có khả năng trải qua một giai đoạn cảnh báo trước khi có cơn đau nửa đầu, gọi là dấu báo thoáng qua (aura). Khi đó, bạn có thể bị rối loạn thị giác như thấy các tia lóe sáng hoặc có những điểm mù, hay bị ngứa ran một bên mặt, tay hay chân và khó nói chuyện.

Các loại đau nửa đầu (migraine)

Đau nửa đầu có thể được phân chia thành nhiều loại, bao gồm:

  • Đau nửa đầu với dấu báo thoáng qua (aura): Người bệnh gặp các dấu hiệu “cảnh báo” cơn đau nửa đầu sắp xảy ra như, chẳng hạn như nhìn thấy những tia sáng lóe lên.
  • Đau nửa đầu không có dấu báo thoáng qua: Đây là loại phổ biến nhất, cơn đau xuất hiện đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
  • Đau nửa đầu có dấu báo thoáng qua nhưng không đau đầu, hay còn gọi là đau nửa đầu thầm lặng: các dấu hiệu báo trước hoặc các triệu chứng khác xuất hiện nhưng lại không có cơn đau đầu nào diễn ra.

Tần suất bị đau nửa đầu cũng khác nhau, tùy từng người bệnh. Một số người thường xuyên chịu đựng cơn đau, lên đến vài lần/tuần nhưng có người thỉnh thoảng mới bị đau nửa đầu. Khoảng thời gian không có triệu chứng giữa những cơn đau có thể là nhiều năm.

2. Triệu chứng đau nửa đầu (migraine) là gì?

Bệnh đau nửa đầu có khả năng bắt đầu từ thời thơ ấu, thanh thiếu niên hoặc vừa trưởng thành, tiến triển qua 4 giai đoạn gồm tiền triệu, dấu báo thoáng qua, cơn đau nửa đầu với các triệu chứng và giai đoạn sau cơn đau đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều trải qua đầy đủ các giai đoạn này.

Giai đoạn tiền triệu

Một hoặc hai ngày trước khi cơn đau nửa đầu diễn ra, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo về cơn đau sắp tới, bao gồm:

  • Táo bón ;
  • Thay đổi tâm trạng, từ buồn rầu sang hưng phấn;
  • Thèm ăn;
  • Cứng cổ;
  • Tăng cảm giác khát nước và đi tiểu nhiều hơn ;
  • Ngáp thường xuyên.

Giai đoạn có dấu báo thoáng qua (aura)

Một số người có thể gặp những dấu báo thoáng qua trước khi bước vào cơn đau nửa đầu cùng những triệu chứng khác. Giai đoạn này có những triệu chứng có thể phục hồi lại liên quan đến hệ thống thần kinh. Mỗi triệu chứng bắt đầu từ từ, rõ ràng hơn trong vài phút và kéo dài trong khoảng 20–60 phút.

Bạn có thể trải qua các hiện tượng sau trong giai đoạn này:

  • Rối loạn thị giác, chẳng hạn như nhìn thấy nhiều điểm sáng, tia sáng lóe lên hay nhiều hình dạng khác nhau ;
  • Mất thị lực tạm thời ;
  • Cảm giác châm chích ở một bên cánh tay hay chân;
  • Tê, yếu ở một bên mặt hay một bên cơ thể ;
  • Gặp khó khăn khi nói chuyện;
  • Nghe thấy các tiếng ồn hay nhạc bên tai ;
  • Không thể kiểm soát chuyển động cơ thể.

Giai đoạn đau nửa đầu cùng các triệu chứng khác

Cơn đau nửa đầu thường kéo dài từ 4–72 tiếng nếu không được can thiệp điều trị. Trong lúc này, bạn có thể bị:

  • Đau ở một bên đầu nhưng cũng có khi đau cả hai bên;
  • Cơn đau nhói lên hoặc đau như bị đập vào đầu;
  • Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, đôi khi nhạy cảm với mùi hoặc chạm vào một số đồ vật;
  • Buồn nôn và nôn mửa.

Giai đoạn sau cơn đau nửa đầu

Sau khi trải qua cơn đau nửa đầu, đa số người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, không còn tỉnh táo và cần nghỉ ngơi cả ngày. Thế nhưng, một số người lại cho biết họ cảm thấy phấn chấn hơn. Lưu ý: Vận động đầu đột ngột sau khi có cơn đau có thể khiến cơn đau đầu quay trở lại lần nữa.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn có tiền sử đau đầu, khi thấy diễn biến cơn đau thay đổi hoặc cảm giác đau khác biệt so với những lần khác, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại.

Khi có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào dưới đây, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất vì chúng có thể cho thấy bạn đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:

  • Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, dữ dội, đau nhói như búa bổ ;
  • Đau đầu đi kèm với sốt, cứng cổ, rối loạn tâm thần, co giật, nhìn đôi (song thị), tê yếu hoặc khó nói;
  • Đau đầu sau khi có chấn thương ở đầu, nhất là khi cơn đau ngày càng tệ hơn ;
  • Đau đầu mạn tính, đau hơn khi ho, hít thở gắng sức, căng thẳng hoặc cử động đột ngột;
  • Một cơn đau đầu mới xuất hiện sau 50 tuổi.

3. Nguyên nhân đau nửa đầu (migraine) là gì?

Mặc dù nguyên nhân đau nửa đầu vẫn chưa được hiểu hết nhưng các yếu tố môi trường và di truyền dường như góp phần gây ra tình trạng này.

Những tác nhân kích thích đau nửa đầu xuất hiện bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ. Nồng độ estrogen bị biến động trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, mang thai hay mãn kinh có thể gây ra đau đầu ở nhiều người.
  • Sử dụng thuốc có chứa nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai hay liệu pháp thay thế hormone, cũng có thể khiến cơn đau nửa đầu trầm trọng hơn. Tuy nhiên, một vài phụ nữ cho biết cơn đau ít xảy ra khi họ dùng các thuốc này.
  • Một số đồ uống như rượu (nhất là rượu vang), bia và uống quá nhiều caffeine (cà phê).
  • Căng thẳng (stress) trong công việc, cuộc sống cũng có thể kích thích cơn đau nửa đầu xuất hiện.
  • Các yếu tố kích thích giác quan như ánh sáng rực rỡ, chói lóa, âm thanh lớn hay các mùi nồng, mạnh (như nước hoa, mùi sơn, khói thuốc lá…) có khả năng gây đau đầu ở một số người.
  • Thay đổi giấc ngủ, bao gồm mất ngủ, ngủ quá nhiều hay tình trạng jetlag.
  • Các yếu tố thể chất như hoạt động thể chất mạnh, kể cả quan hệ tình dục cũng có khi gây ra đau nửa đầu.
  • Thời tiết thay đổi hay áp suất thay đổi cũng có khi góp phần kích thích cơn đau nửa đầu xuất hiện.
  • Một vài thực phẩm như thực phẩm ướp mặn hay chế biến sẵn hay các chất phụ gia như bột ngọt, chất bảo quản cũng có khả năng gây đau nửa đầu.

4. Những người có khả năng cao bị đau nửa đầu

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ sau đây, khả năng bị đau nửa đầu (migraine) sẽ cao hơn:

  • Tiền sử gia đình mắc phải căn bệnh này;
  • Độ tuổi, thường khả năng bị đau nửa đầu cao nhất trong độ tuổi 30 và mức độ nghiêm trọng của cơn đau giảm dần sau mỗi 10 năm;
  • Giới tính, phụ nữ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao gấp 3 lần đàn ông;
  • Thay đổi nội tiết tố khi có kinh nguyệt hoặc khi mang thai hay mãn kinh, cơn đau thường được cải thiện sau độ tuổi mãn kinh.

5. Cách chẩn đoán đau nửa đầu (migraine)

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cho tình trạng này nhờ vào việc kiểm tra sức khỏe thể chất lẫn thần kinh, nghe mô tả về các triệu chứng gặp phải và xem xét tiền sử bệnh của bạn và gia đình.

Nếu cơn đau của bạn không giống bình thường, phức tạp hoặc đột nhiên trở nên nghiêm trọng, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác, như là:

  • Chụp MRI. Kỹ thuật này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và các mạch máu. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán được các tình trạng khác có thể gây đau đầu như có khối u, đột quỵ, xuất huyết trong não, nhiễm trùng và các vấn đề khác liên quan đến não và hệ thần kinh.
  • Chụp CT. Kỹ thuật này thì sử dụng nhiều tia X để tạo ra được hình ảnh cắt ngang chi tiết của não bộ. Dựa trên hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xem có khối u, nhiễm trùng, tổn thương não, chảy máu trong não hay vấn đề khác gây đau nửa đầu hay không.

6. Cách điều trị đau nửa đầu (migraine)

Mục tiêu của điều trị đau nửa đầu là chấm dứt các triệu chứng đang xảy ra và phòng ngừa các đợt đau đầu tái phát sau này.

Nhiều loại thuốc đã ra đời để điều trị các triệu chứng đau nửa đầu, có thể phân chia chúng thành 2 nhóm chính là:

Thuốc giảm đau dùng điều trị các cơn đau nửa đầu và giảm bớt các triệu chứng. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs, sumatriptan, dihydroergotamine, lasmitidan, thuốc giảm đau opioid, thuốc chống nôn… Thuốc phòng ngừa có thể được dùng thường xuyên, hàng ngày để giảm bớt mức độ nghiêm trọng hoặc tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu. Các lựa chọn trong nhóm này gồm thuốc làm hạ huyết áp (như chẹn beta), thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh (valproate, topiramate)…

7. Một số biện pháp tại nhà khi có cơn đau nửa đầu (migraine)

Bạn có thể thử áp dụng một số cách giúp giảm nhẹ triệu chứng đau nửa đầu ngay tại nhà như sau:

  • Nghỉ ngơi, nhắm mắt và nằm thư giãn trong một căn phòng yên tĩnh, không có quá nhiều ánh sáng ;
  • Thay quần áo rộng rãi, thoáng mát hay chườm mát vùng trán ;
  • Uống nhiều nước, bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Để phòng ngừa đau nửa đầu (migraine), bạn nên thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh, tích cực hơn:

Tìm cách quản lý những căng thẳng trong công việc, cuộc sống như tập luyện thể dục, tập thiền, thực hiện liệu pháp phản hồi sinh học. Các cách này có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện đau nửa đầu. Ghi chú lại những thứ bạn nghĩ đã kích thích cơn đau nửa đầu xảy ra, từ đó thay đổi lối sống phù hợp. Nếu bạn bị béo phì, thừa cân, hãy giảm cân. Điều này có thể ngăn ngừa cơn đau nửa đầu xảy ra.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh đau nửa đầu, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:14/10/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM