Mắt tuyến giáp

Bệnh mắt tuyến giáp (TED) là một tình trạng mắt trong đó các cơ mắt và mô mỡ phía sau mắt bị viêm, khiến mắt lồi, mắt và mí mắt sưng và đỏ. Mời các bạn cùng tham khảo

Mắt tuyến giáp

1. Tìm hiểu về bệnh mắt tuyến giáp

Bệnh mắt tuyến giáp là gì?

Bệnh mắt tuyến giáp (TED) là một tình trạng mắt trong đó các cơ mắt và mô mỡ phía sau mắt bị viêm. Điều này có thể khiến mắt bị đẩy về phía trước (lồi mắt), mắt và mí mắt sưng và đỏ. Trong một số trường hợp, cơ giúp mắt di chuyển sẽ sưng và cứng, do đó mắt hai bên không còn thẳng hàng với nhau; điều này có thể gây ra tầm nhìn đôi (song thị). Mặc dù rất hiếm, nhưng bệnh mắt tuyến giáp có thể gây mù do áp lực lên dây thần kinh ở phía sau mắt hoặc vết loét hình thành ở trước mắt.

Bệnh mắt tuyến giáp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công phần phía sau mắt và gây viêm. Bệnh chủ yếu đi kèm với tuyến giáp hoạt động quá mức do bệnh Graves. Đôi khi, bệnh cũng xảy ra ở những người có tuyến giáp hoạt động kém hoặc hoạt động bình thường.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh mắt tuyến giáp?

Bệnh mắt tuyến giáp là một tình trạng hiếm gặp. Mỗi năm, bệnh ảnh hưởng đến khoảng 16 phụ nữ và 3 người nam giới trong mỗi 100.000 người. Hầu hết những người này cũng có vấn đề với tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) và có tình trạng tự miễn tiềm ẩn. Thỉnh thoảng, bệnh về tuyến giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động bình thường. Tuy nhiên, những người có tuyến giáp bình thường tại thời điểm bị bệnh mắt tuyến giáp thường có chức năng tuyến giáp bất thường trong quá khứ hoặc có nguy cơ phát triển chức năng tuyến giáp bất thường trong tương lai.

Thông thường, bệnh mắt tuyến giáp thường xảy ra ở tuổi trung niên. Một số người mang gen khiến họ có khả năng cao mắc bệnh này. Bệnh mắt tuyến giáp cũng có nhiều khả năng phát triển nếu bạn hút thuốc, đặc biệt nghiện thuốc lá nặng.

2. Triệu chứng bệnh mắt tuyến giáp

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh mắt tuyến giáp là gì?

Những triệu chứng bệnh mắt tuyến giáp phổ biến gồm:

Thay đổi hình dáng của mắt (thường nhìn chằm chằm hoặc lồi mắt) Mắt có cảm giác cộm Mắt khô hoặc chảy nước mắt Nhạy cảm với ánh sáng chói Sưng hoặc cảm giác nặng ở một hoặc cả hai mí trên Bọng mắt Mắt và mí mắt đỏ Nhìn mờ hoặc nhìn đôi Đau trong hoặc sau mắt, đặc biệt là khi bạn nhìn lên, xuống hoặc sang một bên Khó di chuyển mắt

Nếu bạn bị sưng ở mí mắt, vùng da xung quanh và dưới mắt kèm theo tuyến giáp hoạt động kém, đây có lẽ không phải là bệnh mắt tuyến giáp. Bệnh sẽ cải thiện một khi bạn được điều trị đầy đủ bằng levothyroxin.

Bệnh mắt tuyến giáp đôi khi khó chẩn đoán và người bệnh có thể được điều trị viêm kết mạc, dị ứng hoặc sốt cỏ khô trong nhiều tháng trước khi bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh. Các yếu tố có thể giúp bác sĩ xác định chẩn đoán bệnh mắt tuyến giáp như:

Các triệu chứng xảy ra không phải trong mùa sốt cỏ khô. Dị ứng thường gây ngứa mắt, trong khi bệnh mắt tuyến giáp không gây ra triệu chứng này. Viêm kết mạc thường khiến mắt dính lại, trong khi bệnh mắt tuyến giáp thường không có triệu chứng này. Bệnh mắt tuyến giáp thường liên quan đến đau ở trong hoặc sau mắt, đặc biệt là khi bạn cố gắng nhìn lên hoặc nhìn sang một bên. Bệnh mắt tuyến giáp đôi khi đi kèm với tầm nhìn đôi, trong khi các nguyên nhân khác thì không.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Khoảng 5% người mắt bệnh mắt tuyến giáp trở nên rất nghiêm trọng. Bạn có thể gặp phải tầm nhìn đôi (trong đó giác mạc sẽ bị loét và ảnh hưởng đến tầm nhìn), dây thần kinh thị giác bị chèn ép dẫn đến mất thị lực. Nếu những biến chứng này được chẩn đoán sớm, việc điều trị vẫn có thể thành công.

Nếu bạn phát triển bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa ngay:

Các triệu chứng của bạn ngày càng tồi tệ hơn trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần Bạn bị mờ mắt mà không cải thiện bằng cách chớp mắt hoặc lần lượt che hai mắt Bạn không nhìn thấy rõ màu sắc như trước đây hoặc có sự khác biệt về màu sắc khi bạn so sánh giữa hai mắt Bạn thấy hai hình ảnh khi nhìn về phía trước hoặc xuống dưới Bạn phải giữ đầu nghiêng sang một bên hoặc nghiêng ra sau để tránh nhìn đôi

3. Nguyên nhân gây bệnh mắt tuyến giáp

Nguyên nhân nào gây bệnh mắt tuyến giáp?

Bệnh mắt tuyến giáp là một tình trạng mắt tự miễn, thường gắn liền với bệnh Graves. Khoảng 25-30% những người mắc bệnh Graves có bệnh mắt tuyến giáp dạng nhẹ, trong khi chỉ có một tỷ lệ nhỏ phát triển thành dạng nặng.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng xuất hiện ở những người không có các rối loạn về tuyến giáp và thường ở những bệnh nhân mắc bệnh Hashimoto. Hầu hết người bị bệnh tuyến giáp sẽ không phát triển bệnh mắt tuyến giáp, nếu có chỉ là dạng nhẹ. Hút thuốc lá thường khiến cho các triệu chứng tồi tệ hơn.

Bệnh mắt tuyến giáp ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn?

Các bác sĩ ngày càng nhận thức được rằng bệnh mắt tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Nếu bạn có mức tuyến giáp dao động, bạn có thể cảm thấy lo lắng và/hoặc cáu kỉnh. Tâm trạng của bạn cũng sẽ thay đổi cho đến khi mức độ hormone được ổn định. Bạn có thể cảm thấy tức giận, mất lòng tự trọng, sự tự tin hoặc bị cô lập với xã hội vì sự thay đổi về ngoại hình của đôi mắt. Việc điều trị thường có thể khắc phục tình trạng này.

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh mắt tuyến giáp

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh mắt tuyến giáp?

Việc chẩn đoán có thể thực hiện đơn giản bằng cách kiểm tra mắt nếu bạn đã được chẩn đoán vấn đề về tuyến giáp.

  • Xét nghiệm máu

Đôi khi, bác sĩ sẽ cần xét nghiệm máu để củng cố thêm chẩn đoán. Xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra tuyến giáp hoạt động tốt như thế nào bằng cách đo các hormone trong máy. Các xét nghiệm máu chuyên biệt hơn có thể được thực hiện để đo các kháng thể trong máu của bạn.

  • Chụp hình ảnh

Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm đo độ hấp thụ chất phóng xạ và rọi hình tuyến giáp để xem tuyến giáp hoạt động tích cực như thế nào. Nếu các bác sĩ cần xem xét mức độ sưng trong hốc mắt, họ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) để hiển thị các mô bị ảnh hưởng nhất.

  • Các xét nghiệm khác

Các bác sĩ sẽ muốn đánh giá thị lực của bạn một cách cẩn thận, chẳng hạn như mức độ bạn nhìn thấy màu sắc và tầm nhìn ngoại vi của bạn tốt như thế nào. Họ cũng có thể có thể yêu cầu bạn chuyển động mắt để xem các cơ ở khu vực này bị ảnh hưởng như thế nào. Những đánh giá này sẽ được lặp lại trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Những phương pháp nào giúp điều trị bệnh mắt tuyến giáp?

Bệnh mắt tuyến giáp là bệnh tự giới hạn: nếu không được điều trị, tình trạng viêm sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, những thay đổi vật lý gây ra bởi sưng (như mắt lồi) có thể vẫn còn do một số mô đã kéo dài có thể không trở về dạng ban đầu. Mục đích của điều trị chủ yếu là để hạn chế viêm và sưng và bảo vệ bề mặt của mắt. Bác sĩ cũng có thể chỉ định các phương pháp điều trị cho những người có mô không thể trở lại hình dạng ban đầu sau khi quá trình viêm đã ổn định.

  • Thuốc

Trong giai đoạn đầu của bệnh và khi bệnh ở mức độ nhẹ, bạn chỉ cần dùng nước mắt nhân tạo. Nếu bệnh tiến triển, bạn có thể cần dùng thuốc ức chế miễn dịch để làm suy giảm hệ miễn dịch đang tạo ra các kháng thể bất thường này. Thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng là steroid (prednisolone). Bạn sẽ được chỉ định một số loại thuốc khác để chống lại tác dụng phụ của steroid, như omeprazole, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nếu bệnh nặng và các bác sĩ lo lắng về thị lực của bạn, bạn có thể phải nhập viện để tiêm truyền steroid nhỏ giọt.

  • Phẫu thuật

Khoảng 5 trong 100 người mắc bệnh mắt tuyến giáp có tình trạng bệnh nghiêm trọng đến mức dây thần kinh thị giác bị nén. Điều này có thể làm tổn thương vĩnh viễn tầm nhìn. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật giải nén. Đây là thủ thuật tạo ra một khoảng trống trong hốc mắt để các mô bị viêm lan rộng vào. Điều này làm giảm áp lực lên dây thần kinh.

Ở một số người, khi tình trạng viêm đã ổn định, họ vẫn bị lồi mắt. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật hốc mắt để nhãn cầu vào đúng vị trí.

Thỉnh thoảng, bác sĩ cũng yêu cầu phẫu thuật để kéo căng các cơ hoặc mí mắt nhằm giúp mắt hoạt động bình thường.

  • Các loại điều trị khác

Nếu bạn bị song thị, bạn có thể đến gặp các bác sĩ chuyên khoa về các vấn đề cơ mắt. Họ có thể chỉ định cho bạn kính điều chỉnh độ để khắc phục tình trạng song thị.

Ở một số người, bác sĩ có thể yêu cầu xạ trị để giảm sưng trong mắt. Phương pháp này được sử dụng cùng với các hình thức điều trị khác.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu vẫn đang nghiên cứu nhiều phương pháp điều trị mới.

Bác sĩ cũng sẽ điều trị bất kỳ chức năng tuyến giáp bất thường bằng thuốc chống tuyến giáp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật tuyến giáp (không phổ biến). Việc kiểm soát tốt chức năng tuyến giáp giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh về tuyến giáp.

5. Kiểm soát bệnh mắt tuyến giáp

Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát bệnh mắt tuyến giáp?

Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc. Bạn có thể hỏi bác sĩ về kế hoạch cai thuốc lá. Tránh để mức tuyến giáp dao động. Bạn hãy chắc chắn làm xét nghiệm máu tuyến giáp thường xuyên và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp duy trì mức hormone tuyến giáp ổn định và bình thường, do đó mắt sẽ phục hồi nhanh hơn. Bổ sung selenium – bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị bệnh mắt tuyến giáp dạng nhẹ có thể được cải thiện tình trạng khi bổ sung selenium trong sáu tháng với liều 100mcg hai lần mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.

Trên đây là một vài chia sẻ về triệu chứng,nguyên nhân và một số lưu ý về bệnh các bạn có thể tham khảo qua. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Bác sĩ để biết thêm chi tiết. 

Ngày:10/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM