Bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính là một tình trạng vô cùng nghiêm trọng khi áp lực bên trong mắt (áp lực nội nhãn, nhãn áp hay IOP) tăng đột ngột, xảy ra khi dòng thủy dịch bị chặn lại không chảy ra ngoài được. Trường hợp này cần được điều trị khẩn cấp, nếu không có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Để biết rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính là một tình trạng vô cùng nghiêm trọng khi áp lực bên trong mắt (áp lực nội nhãn, nhãn áp hay IOP) tăng đột ngột, xảy ra khi dòng thủy dịch bị chặn lại không chảy ra ngoài được. Trường hợp này cần được điều trị khẩn cấp, nếu không có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính còn có thể được gọi ngắn gọn là tăng nhãn áp cấp tính. Loại tăng nhãn áp này ít phổ biến hơn tăng nhãn áp góc mở mạn tính – khi mà áp lực trong mắt tăng từ từ theo thời gian.

2. Triệu chứng

Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, diễn tiến nhanh chóng, bao gồm:

Đau mắt Đau đầu dữ dội Buồn nôn hoặc nôn mửa Tầm nhìn rất mờ, mơ hồ Mờ, đục giác mạc Nhìn thấy cầu vồng hoặc quầng sáng xung quanh ánh đèn Đỏ ở phần tròng trắng của mắt bị ảnh hưởng Đồng tử có kích thước khác nhau Mất thị lực đột ngột

Khi bác sĩ kiểm tra mắt, họ nhận thấy đồng tử mắt bạn không thay đổi nhỏ hơn hoặc to hơn khi được chiếu sáng.

Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính là một tình trạng y tế khẩn cấp và phải được điều trị kịp thời để ngăn ngừa tổn thương thần kinh thị giác cũng như giảm thị lực vĩnh viễn.

Nếu bạn thấy một trong các triệu chứng như đau mắt, nhức đầu, mờ mắt và buồn nôn xảy ra đột ngột, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức.

3. Nguyên nhân

Thủy dịch được dẫn lưu ra ngoài thông qua một hệ thống các kênh nhỏ. Những kênh này có trong một lưới mô giữa mống mắt (phần tạo nên màu sắc cho mắt) và lớp giác mạc (lớp ngoài cùng, trong suốt bao phủ mắt).

Khi mống mắt và giác mạc di chuyển đến gần nhau tạo thành một “góc đóng” ở giữa chúng. Nếu điều này xảy ra đột ngột sẽ được gọi là tình trạng cấp tính và gây ra cảm giác đau dữ dội.

Tăng nhãn áp cấp tính xảy ra khi các kênh dẫn lưu thủy dịch bị chặn hoàn toàn. Từ đó, áp lực tích tụ dần trong mắt, có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác. Nếu không được điều trị nhanh chóng, người bệnh có khả năng mất thị lực hoàn toàn.

Bạn có thể bị tăng nhãn áp góc đóng cấp tính khi đồng tử giãn ra (trở nên to hơn bình thường) quá nhiều hoặc quá nhanh. Điều này có thể xảy ra khi:

Bước vào một căn phòng tối Nhỏ thuốc làm giãn đồng tử Đang phấn khích hoặc căng thẳng Dùng một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc cảm hoặc thuốc chống dị ứng

Một số bệnh lý cũng có khả năng gây ra tình trạng tăng nhãn áp cấp tính, như là:

Đục thủy tinh thể Lệch thủy tinh thể (thủy tinh thể bị lệch khỏi vị trí bình thường) Bệnh võng mạc đái tháo đường Thiếu máu cục bộ tại mắt (hẹp mạch máu đến mắt) Viêm màng bồ đào Khối u

Phụ nữ có khả năng bị tăng nhãn áp cấp tính cao hơn 2–4 lần so với đàn ông. Các đối tượng sau đây cũng có nguy cơ mắc bệnh này:

Người châu Á hoặc người Eskimo Có tật viễn thị Từ 55–65 tuổi

Hoặc nếu bạn có:

Tiền sử gia đình có người mắc bệnh này Sử dụng thuốc làm giãn đồng tử Sử dụng một số thuốc khiến cho mống mắt và giác mạc di chuyển đến gần nhau, như sulfonamide, topiramate hoặc phenothiazin

Nếu bị tăng nhãn áp góc đóng cấp tính ở một mắt, khả năng cao tình trạng này cũng sẽ xảy ra ở mắt còn lại.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tăng nhãn áp góc đóng cấp tính?

Nếu nghi ngờ bản thân đang bị tăng nhãn áp cấp tính, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức. Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và hỏi về những triệu chứng đang xảy ra. Sau đó, họ có thể tiến hành thêm một hoặc nhiều thử nghiệm để tìm kiếm nguyên nhân:

Nội soi nhãn khoa (gonioscopy). Nhân viên y tế sẽ sử dụng một thấu kính với một đèn khe (slit lamp) để nhìn vào bên trong mắt. Một chùm ánh sáng được chiếu vào để kiểm tra góc giữa mống mắt và giác mạc, từ đó đánh giá xem thủy dịch được dẫn lưu như thế nào. Đo nhãn áp (tonometry). Thử nghiệm này dùng một dụng cụ để đo được áp lực bên trong mắt. Soi đáy mắt. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có tổn thương dây thần kinh thị giác không bằng một thiết bị chiếu sáng nhỏ.

Những phương pháp điều trị tăng nhãn áp góc đóng cấp tính

Điều đầu tiên cần làm trong điều trị cơn đau do tăng nhãn áp cấp tính là loại bỏ bớt áp lực bên trong mắt. Lúc ấy, bác sĩ có thể sử dụng:

Thuốc nhỏ mắt làm co đồng tử (thu hẹp đồng tử lại) Thuốc làm giảm tiết thủy dịch

Khi nhãn áp đã hạ xuống, bác sĩ thường dùng tia laser để:

Tạo một lỗ nhỏ trên mống mắt. Thủ thuật này được gọi là cắt mống mắt chu biên (laser iridotomy), giúp cho dòng chảy của thủy dịch bình thường trở lại. Bạn sẽ chỉ mất vài phút để thực hiện. Kéo các cạnh mống mắt ra xa hệ thống kênh dẫn lưu thủy dịch. Thủ thuật này được gọi là mở mống mắt chu biên (laser iridoplasty).

Nếu bạn bị đục thủy tinh thể, bác sĩ sẽ xem xét và cân nhắc tiến hành phẫu thuật để thay thế thủy tinh thể. Loại phẫu thuật này khó thực hiện hơn khi bạn đang bị tăng nhãn áp cấp tính.

Người bệnh thường bị tăng nhãn áp tạm thời sau khi thực hiện các thủ thuật trên mống mắt, do đó bác sĩ sẽ tiến hành đo nhãn áp (IOP) lại sau một giờ. Ngày tiếp theo, bạn tiếp tục được kiểm tra mắt và đo lại IOP.

Người bệnh nên tiếp tục sử dụng các thuốc dùng điều trị tăng nhãn áp cấp tính trong 1 ngày sau khi phẫu thuật xong. Sau đó, bạn có thể ngưng dùng các thuốc này. Để giảm bớt các phản ứng viêm có thể xảy ra, bác sĩ thường kê thêm đơn thuốc corticosteroid dùng trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật.

5. Phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng ngừa tăng nhãn áp góc đóng cấp tính xảy ra là kiểm tra mắt định kỳ, thường xuyên, đặc biệt khi bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bác sĩ sẽ theo dõi nhãn áp và mức độ dẫn lưu thủy dịch ở mắt. Nếu nhận thấy có nguy cơ cao bất thường, họ có thể đề nghị điều trị bằng laser để ngăn chặn tăng nhãn áp cấp tính xuất hiện.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM