Bệnh mụn cóc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mụn cóc là những u nhỏ lành tính trên da, thường do virus gây ra và có thể lây lan khi chạm phải da người bệnh. Vậy mụn cóc là gì? Mụn cóc có nguy hiểm không? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Bệnh mụn cóc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Mụn cóc là gì?

Mụn cóc là những khối u nhỏ trên da, do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng chúng có thể gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh khó chịu và dễ lây cho người khác.

Hiện nay, có hơn 100 loại virus HPV. Hầu như tất cả virus đều gây ra các mụn cóc vô hại ở tay và chân.

Tuy nhiên, một số loại virus có thể gây ra mụn cóc sinh dục. Ở phụ nữ, tình trạng này có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung đe dọa đến tính mạng.

2. Các dạng mụn cóc

Có năm dạng mụn cóc chính. Mỗi loại xuất hiện trên một phần khác nhau của cơ thể và có một ngoại hình riêng biệt.

Mụn cóc thông thường

Mụn cóc thông thường mọc trên ngón tay và ngón chân, nhưng cũng có thể xuất hiện ở nơi khác. Chúng có vẻ ngoài sần sùi và tròn.

Mụn cóc Plantar

Mụn cóc Plantar mọc ở lòng bàn chân. Không giống như các dạng khác, mụn cóc Plantar phát triển ở trong da, không nằm ngoài. Dạng mụn này có thể làm cho bạn đi bộ không thoải mái.

Mụn cóc phẳng

Mụn cóc phẳng thường mọc ở mặt, đùi hoặc cánh tay. Chúng nhỏ, do đó người bệnh thường không chú ý. Mụn cóc phẳng có đỉnh bằng phẳng. Chúng có thể có màu hồng, nâu hoặc hơi vàng.

Mụn cóc dạng sợi mảnh

Dạng mụn cóc này mọc quanh miệng hoặc mũi, đôi khi có thể ở trên cổ hoặc dưới cằm. Chúng nhỏ, có hình dạng thon dài và cùng màu với làn da.

Mụn cóc quanh móng

Mụn cóc quanh móng thường xuất hiện dưới và xung quanh móng chân hoặc móng tay. Chúng có thể gây đau và ảnh hưởng đến sự phát triển của móng.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu mụn cóc:

  • Gây đau;
  • Dễ chảy máu;
  • Thay đổi hình dáng;
  • Lây lan nhanh chóng đến các khu vực khác của cơ thể;
  • Quay trở lại sau khi được cắt bỏ;
  • Xuất hiện ở một vị trí dễ va chạm và chảy máu liên tục, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, như cạo râu, chơi thể thao…

3. Nguyên nhân bị mụn cóc là gì?

Virus HPV gây ra sự tăng trưởng quá mức và nhanh chóng của keratin, một loại protein cứng ở lớp da trên cùng.

Các chủng HPV khác nhau sẽ gây ra các dạng mụn cóc khác nhau. Virus gây mụn cóc có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da và qua tiếp xúc với khăn hoặc giày của người bệnh.

Virus có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua:

  • Gãi hoặc cắn mụn cóc;
  • Mút ngón tay;
  • Cắn móng tay, nếu có mụn cóc quanh móng tay;
  • Cạo lông mặt hoặc chân;
  • Có làn da ẩm ướt hoặc tổn thương.

Nguy cơ mắc mụn cóc từ người khác là thấp, nhưng chúng có thể lây nhiễm nếu người tiếp xúc có hệ miễn dịch bị tổn thương, chẳng hạn như nhiễm HIV/AIDS và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng.

Ngoài ra, mụn cóc sinh dục dễ lây lan hơn.

Mụn cóc sinh dục

Hầu hết mụn cóc là vô hại, nhưng một số chủng HPV có thể gây ra mụn cóc trên, trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục.

Những loại mụn này có thể nghiêm trọng hơn. Ở phụ nữ, chúng có khả năng dẫn đến ung thư cổ tử cung, hậu môn và âm hộ.

Ở nam giới, ung thư hậu môn và ung thư dương vật cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng một số loại mụn cóc sinh dục.

4. Các cách trị mụn cóc hiệu quả

Mặc dù mụn cóc thường tự hết, nhưng nó thường gây mất thẩm mỹ và khó chịu, vì vậy bạn có thể thử đến gặp bác sĩ da liễu điều trị.

Một số điều cần nhớ:

Bạn có thể lây lan mụn sang các bộ phận khác trên cơ thể và người khác. Không nên sử dụng bất cứ đồ vật nào chà xát lên nốt mụn. Không cố gắng điều trị mụn cóc ở bàn chân nếu bạn bị tiểu đường. Lúc này bạn nên đến gặp bác sĩ để được chữa trị. Bệnh tiểu đường có thể gây mất cảm giác ở bàn chân, vì vậy bạn có thể dễ dàng tự làm mình bị thương khi trị mụn cóc mà không nhận ra điều đó. Không cố gắng loại bỏ mụn cóc trên mặt hoặc những bộ phận nhạy cảm khác trên cơ thể (chẳng hạn như bộ phận sinh dục, miệng hoặc lỗ mũi) bằng các phương pháp điều trị tại nhà.

Axit salicylic

Hầu hết các loại kem, gel và thuốc trị mụn cóc không kê đơn có chứa axit salicylic.

Điều quan trọng là bạn phải bảo vệ da xung quanh mụn trước khi áp dụng phương pháp điều trị này vì axit salicylic có thể phá hủy làn da khỏe mạnh. Không sử dụng chất này cho mặt.

Một số lời khuyên có thể tăng cường hiệu quả của điều trị này:

Trước khi thoa thuốc, ngâm mụn cóc trong nước khoảng 5 phút. Sử dụng sản phẩm này mỗi ngày, trong khoảng 3 tháng. Nếu da bị đau, nên ngừng điều trị.

Liệu pháp áp lạnh

Bác sĩ sẽ phun nitơ lên mụn cóc để phá hủy các tế bào. Nếu mụn lớn, bác sĩ có thể cần gây tê cục bộ và phun nitơ vài lần. Phương pháp áp lạnh thường ít nguy hiểm hơn so với phẫu thuật.

Phẫu thuật

Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Trong thủ thuật này, bạn sẽ được gây tê tại chỗ và bác sĩ sẽ dùng dao loại bỏ mụn cóc. Sau phẫu thuật, bạn nên bôi kem dùng tại chỗ để loại bỏ hoàn toàn mụn.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng chùm tia laser chính xác để đốt mụn cóc.

5. Những phương pháp giúp phòng ngừa mụn cóc là gì?

Để giảm nguy cơ bị mụn cóc, bạn nên:

  • Đừng chạm vào người nhiễm bệnh;
  • Không sử dụng chung khăn hoặc các vật dụng cá nhân với người khác;
  • Không dùng chung giày và tất (vớ) với người khác;
  • Không gãi mụn cóc hoặc làm nó trầy xước, vì điều này có thể khiến chúng lây lan;
  • Đừng cắn móng tay nếu mụn cóc ở gần chúng;
  • Giữ tay càng khô càng tốt ;
  • Rửa tay kỹ sau khi chạm vào mụn cóc.

Mụn cóc là một tình trạng phổ biến và chúng có thể khiến người bệnh tự ti. Thông thường, các phương pháp điều trị có thể giúp loại bỏ mụn hiệu quả.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh mụn cóc, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:07/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM