Chăm sóc da thẩm mỹ - Những điều cần biết

Bệnh về da luôn khiến cho bạn phải lo lắng. Vì thế, việc trang bị những kiến thức về cách chăm sóc da thẩm mỹ là rất cần thiết. Cùng eLib tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Chăm sóc da thẩm mỹ - Những điều cần biết

1. Tìm hiểu chung

Chăm sóc da thẩm mỹ là gì?

Chăm sóc da thẩm mỹ tập trung vào việc cải thiện và làm tăng vẻ đẹp cho làn da của bạn. Có rất nhiều bệnh hay sang thương ở da làm cho làn da của bạn thay đổi cả về màu sắc lẫn cấu trúc da khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin hơn. Những khuyết điểm trên da thường bao gồm sẹo mụn, nếp nhăn và những thay đổi trong sắc tố (đốm đen, đốm sáng).

Điều trị chăm sóc da thẩm mỹ bao gồm các phương pháp điều trị không phẫu thuật và điều trị có phẫu thuật.

Bên cạnh đó, để mang lại kết quả tốt nhất, bạn cũng cần phải duy trì một chế độ ăn uống và chế độ tập thể dục thích hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Lựa chọn điều trị thường sẽ phụ thuộc vào tình trạng da và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, màu da và các vùng bị ảnh hưởng. Bác sĩ da liễu sẽ đánh giá từng trường hợp riêng biệt để cung cấp cho bạn các phương pháp chăm sóc và điều trị tốt nhất.

Làn da của bạn được cấu tạo như thế nào?

Làn da là bộ phận lớn nhất trên cơ thể của bạn, có vai trò bảo vệ các cơ quan bên trong. Da được tạo thành từ protein, chất béo, nước và các khoáng chất khác. Da của bạn có thể tự sản sinh các tế bào da mới và loại bỏ các tế bào da cũ. Chu kỳ thay đổi các tế bào da là 27 ngày. Nhờ chu kỳ này mà làn da của bạn trở nên tươi trẻ và mịn màng hơn.

Da có ba lớp chính: lớp ngoài cùng (biểu bì), lớp giữa (lớp trung bì) và lớp bên trong (lớp hạ bì).

Lớp biểu bì – Lớp bên ngoài

Lớp da này thường là lớp mỏng nhất của da và có chứa ba loại tế bào da, bao gồm:

Tế bào sản xuất keratin: tế bào này sản xuất các protein gọi là keratin tạo thành hàng rào giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi những tác động xấu từ môi trường. Hầu như toàn bộ lớp biểu bì được tạo nên bởi tế bào này; Tế bào sản xuất melanin: đây là các tế bào sản xuất các protein gọi là melanin, có vai trò tạo ra màu sắc cho da. Những tế bào này cũng có thể bảo vệ lớp da trong cùng của bạn khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách ngăn chặn các tia cực tím (UV); Các tế bào Langerhans: tế bào da này giúp bảo vệ da khỏi bị nhiễm trùng.

Trung bì – Lớp giữa

Đây là phần chính của da. Lớp da này chứa các mạch máu, nang lông và tuyến dầu. Lớp trung bì tạo cho làn da của bạn vẻ đầy đặn. Tế bào được tìm thấy trong lớp trung bì là những tế bào sản xuất nguyên bào sợi, chịu trách nhiệm sản xuất collagen và elastin –  hai loại protein quan trọng tạo nên độ đàn hồi cho da. Các lớp trung bì cũng chứa các thụ thể giúp bạn cảm nhận được những cảm giác trên da.

Lớp hạ bì – Lớp trong cùng

Lớp hạ bì, còn được gọi là lớp mỡ, được tạo thành từ các tế bào dự trữ chất béo, tuyến mồ hôi và các tế bào collagen. Lớp hạ bì có trách nhiệm giữ ấm và bảo vệ các cơ quan bên trong. Nếu bạn bị mất mô trong lớp hạ bì, da của bạn sẽ bị chảy xệ.

Có ba loại protein da: collagen, elastin và keratin. Collagen chiếm khoảng 75 – 80% trong làn da của bạn. Collagen cùng với elastin là hai protein được tìm thấy nhiều nhất trong lớp trung bì và có thể ngăn ngừa nếp nhăn. Theo thời gian, làn da của bạn sản xuất collagen và elastin ít dần, khiến da bị lão hóa.

Những nguyên nhân nào khiến da bị tổn thương?

Làn da của bạn có thể bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời, các bệnh về da hoặc các chấn thương ở da. Khi làn da bị tổn hại, cơ thể của bạn sẽ kích hoạt một phản ứng miễn dịch để phục hồi da. Điều này sẽ dẫn đến viêm nhiễm và hình thành các vết sẹo cũng như khiến da bị đổi màu (tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố da).

Những tổn thương ở da thường không gây hại cho sức khỏe của bạn, nhưng có thể làm cho bạn cảm thấy kém tự tin về ngoại hình của mình.

2. Các phương pháp điều trị

Mục tiêu của chăm sóc da thẩm mỹ là gì?

Việc có nên điều trị thẩm mỹ hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bản thân bạn đã cảm thấy hài lòng với vẻ bề ngoài của mình hay chưa. Nếu đã quyết định thực hiện điều trị thẩm mỹ cho da, bạn nên thảo luận với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích trước khi lựa chọn một phương pháp nào đó.

Nhìn chung, điều trị chăm sóc da thẩm mỹ nhằm mục đích cải thiện:

Nếp nhăn; Vết sẹo do mụn hay các bệnh da khác; Da dầu và lỗ chân lông lớn; Vết rạn da; Da chảy xệ quanh mắt, cánh tay, cằm và ngực; Tẩy lông; Rụng tóc; Nốt ruồi, nốt tàn nhang; Rối loạn sắc tố (da đổi màu); Xoá bỏ các hình xăm.

Ngoài ra , chăm sóc da thẩm mỹ còn có thể điều trị được nhiều tình trạng khác về da. Bạn có thể nhờ bác sĩ da liễu giải thích để có thêm thông tin.

Các phương pháp điều trị chăm sóc da thẩm mỹ khác nhau ở điểm nào?

Các phương pháp điều trị chăm sóc da thẩm mỹ có thể áp dụng cho cả da mặt lẫn các vùng da khác trên cơ thể. Bạn có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc không phẫu thuật. Một số phương pháp điều trị bao gồm:

Điều trị da toàn cơ thể: mọi người thường nghĩ rằng thẩm mỹ chỉ dành cho da mặt. Tuy nhiên, chăm sóc da thẩm mỹ có thể điều trị cho da ở tất cả các vùng trên cơ thể. Tương tự vậy, phẫu thuật thẩm mỹ về da cũng có thể thực hiện ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể. Phẫu thuật thẩm mỹ thường được sử dụng để tạo sự đầy đặn cho da, xóa đi những nếp nhăn hay những thay đổi về sắc tố trên mặt, cổ và cơ thể. Nó cũng được dùng để điều trị các vấn đề như sẹo lồi hoặc sẹo lõm do mụn trứng cá và thủy đậu. Một số vết sẹo phẫu thuật cũng có thể được điều trị bằng phương pháp chăm sóc da thẩm mỹ; Điều trị da mặt: da mặt là vùng da nhạy cảm hơn so với da trên các vùng khác của cơ thể. Do đó, các phương pháp điều trị phải nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thông thường, bác sĩ sẽ dùng phương pháp điều trị không phẫu thuật cho da mặt, vì chúng cũng có tác dụng tương tự như phương pháp phẫu thuật nhưng lại có thể giảm nguy cơ biến chứng và nhẹ nhàng hơn cho da hơn. Tuy nhiên, thời gian điều trị có thể sẽ lâu hơn; Điều trị rụng tóc: Chăm sóc da thẩm mỹ có thể điều trị hói tóc ở nam giới hoặc rụng tóc từng vùng ở nữ (một bệnh về miễn dịch). Phương pháp điều trị có thể là ghép tóc hoặc dùng laser để kích thích tăng trưởng tóc; Tẩy lông: điều trị tẩy lông thường được chia thành nhiều đợt kéo dài một vài tháng theo chu kỳ tăng trưởng của lông thì mới cho kết quả tốt nhất; Thẩm mỹ cơ quan sinh dục: nhiều người cảm thấy thiếu tự tin với bộ phận sinh dục của họ bởi nó có thể mang lại sự khó chịu cho đời sống tình dục. Đàn ông thường muốn làm tăng kích thước dương vật, trong khi phụ nữ lại muốn điều trị tình trạng khô vùng kín sau sinh hay sau mãn kinh. Chăm sóc da thẩm mỹ có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề ấy để có một đời sống tình dục thỏa mãn hơn.

Bạn có thể điều trị chăm sóc da thẩm mỹ ở đâu và tiến trình điều trị sẽ diễn ra như thế nào?

Phẫu thuật thẩm mỹ sẽ được thực hiện tại bệnh viện và các phương pháp không phẫu thuật có thể được thực hiện tại một phòng khám da liễu. Điều quan trọng là bạn cần phải lựa chọn các phòng khám hoặc bệnh viện được trang bị tốt nhất cũng như có nhiều bác sĩ kinh nghiệm.

Trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ da liễu sẽ cung cấp cho bạn các hướng dẫn cụ thể về  cách thức chuẩn bị trước khi điều trị, những gì sẽ xảy ra trong quá trình điều trị và quá trình phục hồi sẽ như thế nào. Thời gian phục hồi có thể sẽ khác nhau và sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, việc nắm được các biến chứng có thể xảy ra là rất quan trọng. Bạn nên chuẩn bị sẵn danh sách các câu hỏi cần thiết để nhờ bác sĩ giải đáp.

3. Điều cần thận trọng

Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?

Giống như bất kỳ các loại phẫu thuật khác, các phương pháp điều trị chăm sóc da thẩm mỹ có thể có một số biến chứng, bao gồm:

Tụ máu: máu chảy bên trong da không thể thoát ra ngoài và tụ lại thành một khối, trông như một vết bầm; Nhiễm trùng: có thể ảnh hưởng đến vùng điều trị hoặc lây lan khắp cơ thể của bạn; Sẹo tại vị trí nhiễm trùng; Tổn thương dây thần kinh có thể xảy ra nếu bạn thực hiện các phẫu thuật như nâng ngực.

4. Kiểm soát hiệu quả

Bạn nên làm gì để chăm sóc làn da của mình sau khi điều trị chăm sóc da thẩm mỹ?

Chăm sóc da sau khi điều trị là bước quan trọng quyết định sự thành công của quá trình điều trị. Có 4 điều bạn cần phải nhớ sau khi điều trị:

Tránh các chất kích thích như hóa chất từ xà phòng và sữa rửa mặt, bụi bẩn và ô nhiễm từ bên ngoài; Bạn nên bảo vệ da chống lại ánh nắng mặt trời. Hầu hết các phương pháp điều trị sẽ làm cho da rất nhạy cảm với ánh nắng và dễ bị tổn thương; Hãy để vết thương mau lành. Bạn có thể rất dễ bị cám dỗ muốn chạm tay vào vùng da mới hay vùng da đang lành. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng;• Luôn cung cấp đủ nước cho da. Bạn có thể thúc đẩy quá trình hồi phục da bằng cách thoa thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm và uống đủ nước mỗi ngày.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến chăm sóc da thẩm mỹ hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị.

Ngày:28/10/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM