Hội chứng xanh tím da - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng xanh tím da là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng một số vùng da và niêm mạc chuyển màu xanh tím, tái nhợt nhưng không do tê cóng. Vậy nguyên nhân nào gây nên tình trạng này? Cách nào điều trị bệnh hiệu quả? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng xanh tím da - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hội chứng xanh tím da là gì?

Hội chứng xanh tím da là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng một số vùng da và niêm mạc xuất hiện một lớp màu xanh tím. Tình trạng này thường do nồng độ oxy thấp trong các tế bào hồng cầu hoặc người bệnh mắc các rối loạn trong việc thu nạp oxy vào cơ thể.

Máu giàu oxy sẽ có màu đỏ tươi. Khi nồng độ oxy trong máu thấp, máu có màu đỏ sẫm hơn, ánh sáng xanh được phản chiếu, làm cho da người bệnh có màu xanh tím nhìn thấy được bằng mắt thường.

Đôi khi nhiệt độ lạnh có thể gây hẹp mạch máu và khiến làn da tạm thời bị tái nhợt. Lúc này việc làm ấm hoặc massage các vùng da này sẽ giúp hồi phục lưu lượng máu và màu sắc bình thường của da. Nếu thao tác trên không có tác dụng, nhiều khả năng đó là dấu hiệu của hội chứng xanh tím da. Do đó, việc khôi phục nồng độ oxy cho các mô trong cơ thể là điều quan trọng, cần làm càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng.

Có hai dạng hội chứng xanh tím là xanh tím ngoại biên và xanh tím trung ương. Chứng xanh tím ngoại biên ảnh hưởng đến bàn tay hoặc chân, rõ rệt nhất ở đầu ngón tay, móng tay và bàn chân, có thể chỉ bị ở một bên của cơ thể hoặc cả hai bên. Tình trạng xanh tím trung ương lại ảnh hưởng đến các cơ quan ở phần trung tâm cơ thể, môi hoặc lưỡi. 

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng xanh tím da là gì?

Trong nhiều trường hợp, môi hoặc da có màu xanh tím bất thường có thể là dấu hiệu của trường hợp đe dọa tính mạng, cần cấp cứu nếu có kèm theo các triệu chứng như:

  • Thở dốc;
  • Sốt;
  • Đau đầu;
  • Khó thở hoặc thở nông;
  • Tức ngực;
  • Đổ mồ hôi đầm đìa;
  • Đau hoặc tê, da chuyển xanh xao, tái nhợt ở cánh tay, cẳng chân, bàn tay, ngón tay hoặc ngón chân;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Ngoài ra, tình trạng da xanh tím còn có thể đi kèm với các triệu chứng liên quan đến các hệ thống khác trong cơ thể như:

  • Nhầm lẫn hoặc mất ý thức ngắn hạn;
  • Ngón tay dùi trống;
  • Trẻ nhỏ khó chịu, quấy khóc, bú kém và ngủ kém;
  • Trạng thái lơ mơ;
  • Nhức đầu thường xuyên hơn bình thường.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của hội chứng xanh tím da là gì?

Bị lạnh là nguyên nhân thường gặp nhất khi da bàn tay hoặc bàn chân có màu xanh. Tuy nhiên, hội chứng xanh tím da xảy ra khi nhiệt độ đủ ấm mà da vẫn xuất hiện tình trạng xanh tím.

Bàn tay hoặc bàn chân chuyển màu xanh có thể là dấu hiệu về vấn đề của hệ thống cơ thể trong việc lưu thông lượng máu giàu oxy đến các mô của bàn tay và bàn chân. Máu chịu trách nhiệm mang oxy đi từ phổi đến tim, nơi đó máu được bơm qua các động mạch để đi đến các phần còn lại của cơ thể. Khi đến được các mô trong cơ thể, các tế bào máu bị thiếu oxy sẽ quay trở lại tim và phổi qua tĩnh mạch. Nếu có vấn đề ngăn máu quay trở lại tim thông qua tĩnh mạch hoặc ngăn không cho tế bào máu tiếp cận với các mô ngay từ đầu, các mô dĩ nhiên sẽ không nhận được lượng máu giàu oxy mà chúng cần.

Những nguyên nhân của hội chứng xanh tím da có thể đề cập đến là:

  • Mặc quần áo hoặc đeo trang sức quá chật;
  • Mắc huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Suy tĩnh mạch, làm chậm lưu lượng máu qua tĩnh mạch;
  • Suy động mạch, làm chậm lưu lượng máu qua động mạch ;
  • Hiện tượng Raynaud ;
  • Phù bạch mạch (phù mạch bạch huyết);
  • Suy tim;
  • Hạ huyết áp nghiêm trọng, thường do sốc nhiễm trùng;
  • Hạ kali máu khiến máu lưu thông qua cơ thể ít hơn bình thường;
  • Sốc giảm thể tích khiến máu chuyển từ da về các cơ quan nội tạng.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng xanh tím da?

Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất người bệnh, sử dụng ống nghe để nghe tim và phổi. Người bệnh có thể cần làm xét nghiệm máu và một số xét nghiệm khác theo chỉ định, như xét nghiệm khí máu động mạch để đo độ axit và nồng độ carbon dioxide cũng như oxy trong máu người bệnh. Nếu cần, người bệnh sẽ phải chụp X-quang ngực hoặc chụp CT để đánh giá tim và phổi. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng một máy đo oxy xung không xâm lấn để đo nồng độ oxy trong máu người bệnh. 

Những phương pháp điều trị hội chứng xanh tím da 

Phương pháp điều trị bao gồm xác định và khắc phục nguyên nhân cơ bản để khôi phục lưu lượng máu giàu oxy đến các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể. Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, kết quả sẽ được cải thiện, hạn chế được nhiều biến chứng.

Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc cụ thể để điều trị bệnh tim và phổi. Những loại thuốc này giúp cải thiện lưu lượng máu, cung cấp oxy đến các cơ quan và mô. Một số người có thể cần áp dụng liệu pháp oxy để khôi phục nồng độ oxy bình thường trong máu. Ngoài ra, người bị xanh tím ngoại biên có thể nên ngừng sử dụng những loại thuốc hạn chế lưu lượng máu như thuốc chẹn beta, thuốc tránh thai và một số loại thuốc chữa dị ứng, đau nửa đầu. Người bệnh cũng cần thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ hút thuốc lá, tránh sử dụng đồ ăn, thức uống chứa caffeine.

5. Tiên lượng

Hội chứng xanh tím da có tiên lượng gì?

Tình trạng da chuyển màu xanh tím, tái nhợt tuy có thể không phải là tình huống khẩn cấp cần chăm sóc y tế nhưng vẫn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là khi các triệu chứng không biến mất sau khi đã thử làm ấm tay hoặc chân, xoa bóp để tăng lưu lượng máu đến mô. Do đó, nếu không tìm cách điều trị, người bệnh rất dễ mắc nhiều biến chứng nghiêm trọng và chịu tổn thương vĩnh viễn. Sau khi được chẩn đoán nguyên nhân cơ bản, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra nhằm giảm nguy cơ mắc các biến chứng tiềm ẩn, chẳng hạn như:

  • Hoại tử hoặc lở loét;
  • Suy tim;
  • Mất chân tay;
  • Suy hô hấp;
  • Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu do vi khuẩn, đe dọa đến tính mạng).

Hy vọng với một số thông tin trên đây về hội chứng xanh tím da, sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:13/10/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM