Mủ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mủ có chứa các tế bào bạch cầu chết, hình thành khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với nhiễm trùng. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về hội chứng này, mời các bạn tham khảo!

Mủ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu về mủ

Mủ là tình trạng gì?

Mủ là dịch giàu protein, màu trắng vàng, vàng hoặc nâu vàng. Mủ tích tụ tại vị trí nhiễm trùng.

Mủ có chứa các tế bào bạch cầu chết, hình thành khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với nhiễm trùng.

Tình trạng này thường hình thành trong áp xe. Đây là một khoảng trống do mô phân hủy tạo ra. Áp xe có thể hình thành trên bề mặt da hoặc bên trong cơ thể. Một số bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với nhiều vi khuẩn hơn nên dễ bị nhiễm trùng hơn.

Những khu vực này bao gồm:

  • Đường tiết niệu. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là do Escherichia coli, một loại vi khuẩn trong đại tràng, gây ra. Mủ sẽ làm cho nước tiểu đục khi bạn bị nhiễm trùng đường tiểu.
  • Miệng. Môi trường trong miệng thường ấm và ẩm ướt, làm cho nó trở thành địa điểm lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Nếu có một lỗ sâu răng hoặc vết nứt răng không được điều trị, bạn có thể bị áp xe răng gần chân răng hoặc nướu. Nhiễm vi khuẩn trong miệng cũng có thể khiến mủ tích tụ trên amidan, gây ra viêm amidan.
  • Da. Áp xe da thường hình thành do nhọt hoặc nhiễm trùng nang lông. Mụn trứng cá nặng cũng có thể dẫn đến áp xe có mủ. Vết thương hở cũng dễ bị nhiễm trùng mủ.
  • Mắt. Nhiễm trùng mắt cũng có thể có mủ, chẳng hạn như viêm kết mạc. Các vấn đề về mắt khác, chẳng hạn như tắc tuyến lệ hoặc bụi bẩn và sạn trong mắt, cũng có thể gây ra mủ ở khu vực này.

2. Triệu chứng mủ

Những dấu hiệu và triệu chứng nào đi kèm với mủ?

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan bao gồm:

  • Da kích ứng, đau, sưng;
  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Mệt mỏi.

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu sau đây:

  • Mủ quá nhiều;
  • Sốt ;
  • Đau cực độ hoặc kéo dài ;
  • Hạch to, mềm hoặc phì đại.

Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, bạn vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người không giống nhau. Tốt nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết.

3. Nguyên nhân gây mủ

Nguyên nhân nào gây mủ?

Nhiễm trùng mủ có thể xảy ra khi vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào cơ thể thông qua:

  • Các vết nứt hoặc rách ở da ;
  • Hít phải dịch khi người người bệnh ho hoặc hắt hơi ;
  • Vệ sinh kém.

Khi cơ thể phát hiện nhiễm trùng, nó sẽ gửi bạch cầu trung tính, một loại tế bào bạch cầu, để tiêu diệt nấm hoặc vi khuẩn. Trong quá trình này, một số bạch cầu trung tính và mô xung quanh khu vực bị nhiễm bệnh sẽ chết, tạo thành mủ.

Nhiều loại nhiễm trùng có thể gây ra mủ. Các nhiễm trùng liên quan đến vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes dễ xuất hiện mủ. Cả hai loại vi khuẩn này đều giải phóng độc tố gây tổn thương mô và tạo mủ.

Mủ sau phẫu thuật là tình trạng cần được quan tâm vì đây là dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu có mủ sau phẫu thuật, bạn có khả năng mắc một biến chứng sau phẫu thuật ở dạng nhiễm trùng. Nếu bạn nhận thấy tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Mọi vết cắt hoặc vết mổ phẫu thuật có thể phát triển thành nhiễm trùng (nhiễm trùng vết mổ (SSI)). Theo Johns Hopkins Medicine, những người trải qua phẫu thuật có 1–3% khả năng bị nhiễm trùng vết mổ. Có rất nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng vết mổ, như vi khuẩn đi vào cơ thể qua dụng cụ phẫu thuật chưa được tiệt trùng hoàn toàn. Những trường hợp khác, vi khuẩn xuất hiện trên da trước khi phẫu thuật. Bác sĩ có thể sẽ kê toa một loại thuốc kháng sinh, có thể là thuốc mỡ để bôi ngoài da. Thuốc kháng sinh giúp các tế bào bạch cầu tấn công nhiễm trùng, do đó làm tăng tốc quá trình chữa lành và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn với nhiễm trùng. Nếu có áp xe, bác sĩ có thể dẫn lưu nó và chỉ định kế hoạch chăm sóc vết mổ đặc biệt.

Các nguyên nhân được đề cập ở trên là một số nguyên nhân phổ biến gây mủ. Bạn hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

4. Nguy cơ mắc phải tình trạng mủ

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tình trạng mủ?

Có nhiều yếu tố nguy cơ làm bạn tăng khả năng bị mủ, chẳng hạn như:

  • Chấn thương;
  • Vệ sinh kém;
  • Nhiễm trùng;
  • Phẫu thuật.

Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

5. Điều trị mủ

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Những phương pháp nào giúp điều trị mủ?

Bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật và thấy có dịch mủ không được bôi kem kháng sinh không kê toa, rượu hoặc peroxide. Bạn nên đến gặp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu có áp xe lớn hoặc khó tiếp cận. Bác sĩ sẽ cố gắng tạo vết rạch ở khu vực mủ để dịch chảy ra ngoài. Bạn cũng có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị để loại bỏ mủ có thể cần thiết trong các trường hợp sau:

Viêm tai giữa tái phát hoặc viêm tai giữa

Tình trạng này có thể dẫn đến tái phát dịch dư thừa trong tai giữa. Các chuyên gia sẽ chèn những ống nhựa nhỏ vào màng nhĩ để giúp dẫn lưu dịch.

Ngoài ra, ống nhựa nhỏ cũng cho phép không khí vào không gian phía sau màng tai, làm giảm nguy cơ tích tụ dịch trong tai.

Áp xe

Thuốc kháng sinh có thể điều trị áp xe nhỏ, nhưng đôi khi chúng không hiệu quả. Lúc này, bác sĩ có thể cần phải chèn ống dẫn lưu để đưa dịch ra khỏi cơ thể.

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Nếu nhiễm trùng phát triển ở khớp hoặc lan từ một bộ phận khác của cơ thể sang khớp, bạn có thể bị viêm mủ ở khớp này.

Sau khi xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng, bác sĩ sẽ quyết định liệu trình sử dụng kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Phương pháp này có thể kéo dài nhiều tuần. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu dẫn lưu khớp.

Ngoài ra, bạn có thể cần làm chọc khớp. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng kim để dẫn lưu dịch ở khớp và đem dịch đi kiểm tra vi khuẩn. Thủ thuật chọc khớp được lặp lại mỗi ngày cho đến khi không còn vi khuẩn trong dịch.

6. Kiểm soát tình trạng mủ

Những biện pháp tại nhà nào giúp bạn kiểm soát mủ?

Một số biện pháp tại nhà giúp bạn kiểm soát mủ như:

Đối với áp xe nhỏ trên bề mặt da, bạn dùng một miếng gạc ướt, ấm để giúp thoát mủ. Bạn không nên nặn hoặc đè áp xe vì sẽ đẩy mủ vào sâu hơn trong da. Điều này cũng tạo ra một vết thương mở mới, có thể phát triển thành nhiễm trùng khác.

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng bằng cách:

  • Giữ vết cắt và vết thương sạch và khô ráo;
  • Không dùng chung dao cạo râu;
  • Không nặn mụn mủ hoặc mụn nhọt.

Nếu bạn đã bị áp xe, hãy tránh lây nhiễm bằng cách:

  • Không dùng chung khăn và giường với người khác ;
  • Rửa tay sau khi chạm vào áp xe ;
  • Tránh bơi ở hồ.

Trên đây là một số thông tin về mủ, khi thấy những triệu chứng và dấu hiệu như trên, eLib.VN khuyến khích các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời!

Ngày:29/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM