Bệnh gai đen - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh gai đen là một rối loạn về da dẫn đến những vệt màu từ nâu nhạt đến đen xuất hiện ở cổ, nách, háng và dưới bầu ngực. Vậy nguyên nhân của bệnh gai đen là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn!

Bệnh gai đen - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu về bệnh gai đen

Bệnh gai đen là gì?

Bệnh gai đen (acanthosis nigricans) là một rối loạn về da dẫn đến những vệt màu từ nâu nhạt đến đen xuất hiện ở cổ, nách, háng và dưới bầu ngực.

Bệnh thường xảy ra ở người bị béo phì hoặc tiểu đường. Trẻ em bị bệnh này sẽ có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 cao hơn.

Trong một số trường hợp hiếm, bệnh gai đen có thể là một dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư ở cơ quan nội tạng, như dạ dày hoặc gan.

2. Triệu chứng bệnh gai đen

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh gai đen là gì?

Những thay đổi về da là dấu hiệu duy nhất của bệnh. Bạn sẽ nhận thấy da sẫm màu, dày, mịn ở những khu vực nếp gấp – thường là ở nách, háng và sau cổ. Những thay đổi về da thường xuất hiện chậm. Da bị ảnh hưởng cũng có thể có mùi hoặc ngứa.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây bệnh gai đen?

Những nguyên nhân gây ra bệnh gai đen gồm:

  • Kháng insulin. Hầu hết những người có bệnh này cũng sẽ đề kháng với insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Rối loạn nội tiết. Bệnh này thường xảy ra ở những người có các rối loạn như u nang buồng trứng, tuyến giáp hoạt động kém hoặc các vấn đề với tuyến thượng thận.
  • Một số loại thuốc và chất bổ sung. Niacin liều cao, thuốc ngừa thai, prednisone và các thuốc corticosteroid khác có thể gây ra bệnh này.
  • Ung thư. Đôi khi, bệnh cũng xuất hiện do u lympho hoặc khi khối u ung thư bắt đầu phát triển trong một cơ quan nội tạng, chẳng hạn như dạ dày, ruột kết hoặc gan.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh gai đen?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

Béo phì. Bạn càng thừa cân, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Chủng tộc. Bệnh sử gia đình. Một số loại gai đen dường như có tính di truyền.

5. Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh gai đen?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh này dựa trên bệnh sử và khám sức khỏe.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh gai đen?

Một chế độ ăn uống đặc biệt có thể giúp làm giảm lưu thông insulin và cải thiện bệnh.

Các phương pháp điều trị khác cũng giúp cải thiện bệnh bao gồm các thuốc kê toa như Retin-A, urê 20%, hydroxy acid alpha, vitamin D tại chỗ và axit salicylic. Tuy nhiên, tác dụng của các thuốc này rất ít.

Nếu bệnh này do một loại thuốc gây ra sẽ tự hết khi thuốc này hết tác dụng.

6. Chế độ sinh hoạt cho người bị bệnh

Những phương pháp nào giúp phòng ngừa bệnh gai đen?

Nếu bệnh liên quan đến béo phì, bạn cần kiểm soát cân nặng của mình. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp giảm lượng insulin và phòng ngừa bệnh.

Bạn cũng nên điều trị các tình trạng sức khỏe có liên quan đến bệnh (như suy giáp) và tránh các loại thuốc có thể làm nặng hoặc xuất hiện bệnh (như thuốc tránh thai).

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh gai đen, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM