Bệnh viêm gan mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm gan kéo dài ít nhất trong 6 tháng, một số trường hợp sẽ không có triệu chứng. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh viêm gan mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu về viêm gan mạn tính

Bệnh viêm gan mạn tính là gì?

Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm gan kéo dài ít nhất trong 6 tháng. Nhiều người không có triệu chứng nhưng một số có triệu chứng mơ hồ như kén ăn và mệt mỏi. Viêm gan mạn tính có thể dẫn đến xơ gan, cùng với phình lá lách, tích tụ dịch trong ổ bụng và dẫn đến suy giảm chức năng não.

2. Triệu chứng viêm gan mạn tính

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm gan mạn tính là gì?

Trong khoảng 2/3 số người mắc bệnh, viêm gan mạn tính phát triển dần dần, thường không gây triệu chứng như rối loạn gan đến khi xuất hiện xơ gan. Trong 1/3 số người còn lại, viêm gan mạn tính xuất hiện sau khi bạn đã điều trị viêm gan do virus cấp tính nhưng các virus vẫn tồn tại hoặc tái phát (thường là vài tuần sau đó).

Triệu chứng thường bao gồm cảm giác khó chịu, kén ăn và mệt mỏi. Đôi khi, bạn cũng sẽ sốt nhẹ và khó chịu ở vùng bụng trên. Tình trạng vàng da thì hiếm gặp.

Thông thường, các triệu chứng cụ thể đầu tiên là triệu chứng của bệnh gan mạn tính hay xơ gan, có thể bao gồm phình lá lách, mạch máu giãn ra có hình sao, đỏ lòng bàn tay và tích tụ dịch trong ổ bụng (cổ trướng). Gan có vấn đề có thể dẫn đến suy giảm chức năng não, gọi là bệnh não-gan và rối loạn đông máu. Chức năng não bị suy giảm bởi vì các chất độc tích tụ trong máu và đến được não. Gan bình thường sẽ loại bỏ chất độc ra khỏi máu, phá vỡ chúng và đào thải như một sản phẩm vô hại đến mật hoặc máu. Gan bị hư hỏng thì khả năng loại bỏ độc tố sẽ bị suy giảm.

Một vài người có triệu chứng vàng da, ngứa, phân có lẫn dầu mỡ, mùi hôi và có màu sáng. Các triệu chứng này xuất hiện bởi vì lưu thông của mật ra khỏi gan bị chặn lại.

Viêm gan tự miễn có thể gây ra các triệu chứng khác liên quan đến bất kỳ hệ thống nào của cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ. Triệu chứng này bao gồm mụn, chấm dứt thời kỳ kinh nguyệt, đau khớp, sẹo ở phổi, viêm tuyến giáp và thận, thiếu máu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan mạn tính

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm gan mạn tính?

Viêm gan mạn tính thường được gây ra bởi một trong những virus viêm gan. Virus viêm gan C chiếm khoảng 60-70% các trường hợp và ít nhất 75% các trường hợp viêm gan C trở thành mạn tính. 5-10% các trường hợp virus viêm gan B, đôi khi có nhiễm phối hợp với virus viêm gan D, trở thành mạn tính. (Virus viêm gan D không tự xảy ra mà như là một sự đồng nhiễm virus viêm gan B.). Trong trường hợp hiếm gặp hơn, virus viêm gan E gây ra bệnh viêm gan mạn tính ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch sau ghép tạng, người đang dùng thuốc để điều trị bệnh ung thư hoặc những người bị nhiễm HIV. Virus viêm gan A không gây viêm gan mạn tính.

Một số loại thuốc có thể gây ra bệnh viêm gan mạn tính, đặc biệt là khi bạn dùng chúng trong một khoảng thời gian dài. Những thuốc này bao gồm isoniazid, methyldopa và nitrofurantoin.

Các nguyên nhân khác bao gồm viêm gan do rượu và bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến sử dụng rượu (gan nhiễm mỡ không do các chất có chứa cồn). Trong trường hợp hiếm gặp, viêm gan mạn tính là kết quả của việc thiếu alpha1-antitrypsin (một rối loạn di truyền), bệnh loét dạ dày, rối loạn tuyến giáp hoặc bệnh Wilson, một rối loạn do di truyền hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên liên quan đến lượng đồng bất thường trong gan.

Ở nhiều bệnh nhân bị viêm gan mạn tính, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh. Ở một số người, tình trạng viêm mạn tính giống viêm gây ra do cơ thể tấn công các mô (một bệnh phản ứng tự miễn – rối loạn tự miễn dịch), gọi là viêm gan tự miễn, phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới.

Không ai biết chính xác lý do một virus hoặc thuốc đặc biệt gây ra viêm gan mạn tính ở một số người mà không phải ở người khác hay mức độ nặng nhẹ lại khác nhau.

4. Nguy cơ mắc viêm gan mạn tính

Những ai thường mắc phải bệnh viêm gan mạn tính?

Viêm gan mạn tính có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm gan mạn tính?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm gan mạn tính, chẳng hạn như:

Viêm gan B:

Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình hoặc với một ai đó bị nhiễm HBV; Dùng chung kim tiêm khi tiêm tĩnh mạch (IV), có sử dụng ma túy; Quan hệ tình dục đồng giới; Sống với người bị nhiễm HBV mạn tính; Người mẹ bị nhiễm bệnh lây truyền sang con khi sinh; Đặc thù công việc phải phơi nhiễm với máu người; Du lịch đến vùng có tỷ lệ nhiễm HBV cao, chẳng hạn như châu Phi, Trung và Đông Nam Á và Đông Âu.

Viêm gan C:

Là nhân viên chăm sóc sức khỏe đã tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, có thể xảy ra khi kim tiêm có chứa máu nhiễm bệnh đâm vào da; Tiêm hoặc hít ma túy; Mắc HIV; Xăm hoặc xỏ khuyên ở môi trường hoặc bằng các thiết bị không được vệ sinh sạch sẽ; Được điều trị chạy thận nhân tạo trong một thời gian dài; Được sinh ra khi người mẹ bị nhiễm viêm gan C.

5. Điều trị viêm gan mạn tính

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh viêm gan mạn tính?

Các bác sĩ có thể nghi ngờ viêm gan mạn tính khi bạn có triệu chứng điển hình, khi xét nghiệm máu phát hiện men gan tăng cao bất thường hay nếu bạn từng bị bệnh viêm gan cấp tính.

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để xác định gan đang hoạt động như thế nào và liệu nó có bị hư hỏng hay không (xét nghiệm các chức năng gan). Bác sĩ cũng có thể giúp thiết lập hay loại trừ các chẩn đoán, xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tổn thương gan.

Xét nghiệm máu cũng được thực hiện để giúp các bác sĩ xác định bệnh virus viêm gan nào gây ra nhiễm trùng. Nếu xác định không có virus thì bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để kiểm tra các nguyên nhân gây bệnh khác, chẳng hạn như viêm gan tự miễn. Tuy nhiên, sinh thiết gan là điều cần thiết trong việc xác định và chẩn đoán, giúp bác sĩ biết được mức độ nghiêm trọng của viêm gan và liệu có để lại sẹo hoặc có dấu hiệu xơ gan hay không. Các sinh thiết có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan.

Nếu bạn bị viêm gan B mạn tính, siêu âm được thực hiện mỗi 6 tháng để sàng lọc ung thư gan. Mức độ alpha-fetoprotei, một loại protein thường được các tế bào gan chưa trưởng thành sản xuất trong bào thai, có thể tăng lên khi có ung thư gan và do đó cũng có thể được kiểm tra để tầm soát ung thư gan. Người bị viêm gan C mạn tính được kiểm tra tương tự nhưng chỉ khi họ bị xơ gan.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm gan mạn tính?

Nếu thuốc là nguyên nhân gây ra bệnh thì bạn phải ngưng sử dụng thuốc. Nếu nguyên nhân là các rối loạn khác, bác sĩ sẽ xử lý như sau:

Viêm gan siêu vi B và C:

Nếu viêm gan B hoặc C mạn tính đang có dấu hiệu trở xấu hoặc nếu nồng độ men gan cao, bạn sẽ được chích thuốc kháng virus.

Đối với viêm gan B, bác sĩ thường cho bạn sử dụng entecavir hay tenofovir disoproxil fumarate bằng đường uống. Những loại thuốc này rất hiệu quả và cơ hội virus có thể đề kháng là rất ít. Các thuốc khác có thể được sử dụng bao gồm telbivudine, lamivudine (đường uống), interferon alfa và interferon alfa pegylated (dùng bằng đường tiêm dưới da). Ở một số người, bệnh viêm gan B có xu hướng tái diễn khi ngừng thuốc và có thể còn nghiêm trọng hơn. Do đó, những người này có thể cần dùng một loại thuốc kháng virus vô thời hạn.

Đối với viêm gan C, điều trị tùy thuộc vào loại virus viêm gan C gây ra. Có một số loại viêm gan virus C (gọi là kiểu gen), mỗi loại có chất liệu gen hơi khác nhau. Đối với một số loại, điều trị hiệu quả nhất là sự kết hợp các loại thuốc sau: interferon alfa Pegylated (tiêm), ribavirin (uống), cộng với sofosbuvir (uống) hoặc một chất ức chế protease (uống), chẳng hạn như telaprevir, boceprevir hoặc simeprevir.

Đối với các loại virus viêm gan C khác, điều trị chỉ bao gồm thuốc sofosbuvir và ribavirin (đường uống). Việc điều trị có thể kéo dài từ 12-48 tuần. Điều trị viêm gan C có thể loại bỏ virus khỏi cơ thể và do đó ngăn chặn tình trạng viêm và ngăn ngừa sẹo mà có thể dẫn đến xơ gan.

Nhiều loại thuốc kháng virus dùng bằng đường uống (như entecavir, tenofovir disoproxil fumarate, telbivudine và lamivudine) ít có tác dụng phụ. Lamivudine có thể có ít tác dụng phụ hơn so với những loại thuốc khác. Ribavirin, telaprevir, boceprevir và simeprevir có thể gây ra dị tật bẩm sinh. Cả nam giới và nữ giới đang sử dụng các thuốc này nên sử dụng biện pháp ngừa thai trong thời gian điều trị và 6 tháng sau khi kết thúc điều trị.

Pegylated interferon alfa có thể gây ra một căn bệnh giống như cúm, sau đó có thể gây ra mệt mỏi, trầm cảm. Thuốc cũng có thể ức chế hoạt động trong tủy xương, bao gồm cả việc sản xuất các tế bào máu. Thuốc này thường không được dùng cho phụ nữ mang thai bởi vì độ an toàn khi dùng cho phụ nữ mang thai là không rõ ràng.

Viêm gan E

Ribavirin là thuốc điều trị hiệu quả cho bệnh viêm gan E mạn tính.

Viêm gan tự miễn

Thông thường, corticosteroid (như prednisone) được sử dụng, đôi khi cùng với azathioprine, một loại thuốc dùng để ức chế hệ thống miễn dịch. Những loại thuốc ngăn chặn tình trạng viêm, làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, sẹo trong gan có thể dần dần xấu đi. Việc ngừng các thuốc này thường dẫn đến sự tái phát của viêm nhiễm, do đó hầu hết mọi người phải uống thuốc vô thời hạn.

Điều trị các biến chứng

Nếu chức năng não bị suy giảm, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các loại thuốc để giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại có khả năng gây ra sự suy thoái não.

Ghép gan có thể được xem xét cho những người bị suy gan nặng. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh viêm gan C, virus hầu như luôn luôn tái phát trong gan được ghép, ghép gan ít có khả năng thành công hơn so với các ca cấy ghép được thực hiện vì các lý do khác.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm gan mạn tính?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Ngừng uống rượu. Rượu có thể làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh gan;
  • Tránh sử dụng các loại thuốc có thể gây tổn thương gan. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để xem lại các thuốc, kể cả thuốc không kê đơn cũng như các chế phẩm thảo dược, bổ sung chế độ ăn uống. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên tránh một số thuốc;
  • Đừng để người khác tiếp xúc với máu của bạn. Hãy che các vết thương và không dùng chung dao cạo hay bàn chải đánh răng, không hiến máu, bộ phận cơ thể hoặc tinh dịch, cho nhân viên y tế biết khi bạn có virus. Đồng thời, bạn hãy nói với đối tác về tình trạng của bạn trước khi quan hệ tình dục và luôn luôn sử dụng bao cao su khi giao hợp.

Trên đây là một số thông tin về bệnh Viêm gan mạn tính, khi thấy những triệu chứng và dấu hiệu như trên, eLib.VN khuyến khích các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Chúc các bạn điều trị thành công!

Ngày:29/09/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM