Bệnh trào ngược dịch mật - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Trào ngược dịch mật là tình trạng mật trào ngược vào dạ dày và có thể vào hầu họng, thực quản. Bệnh khó phân biệt với trào ngược axit dạ dày. Để hiểu rõ hơn về bệnh, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh trào ngược dịch mật - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Mật là một dịch lỏng màu vàng lục rất cần thiết cho việc tiêu hóa chất béo, loại bỏ các tế bào hồng cầu già hoặc đã chết và một số độc tố khỏi cơ thể. Mật được sản xuất trong gan cả khi chúng ta ăn và không ăn, lúc không ăn thì mật được lưu trữ trong túi mật. 

Trào ngược dịch mật là tình trạng mật trào ngược vào dạ dày và thậm chí có thể vào hầu họng, thực quản. Trào ngược dịch mật có thể xảy ra cùng lúc với trào ngược axit (dịch vị) dạ dày vào thực quản – vốn thường dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), làm tăng nguy cơ gây viêm mô thực quản (viêm thực quản).

Trào ngược dịch mật và trào ngược axit dạ dày là 2 bệnh riêng biệt. Mật thường bị nghi ngờ có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản do phản ứng thuốc ức chế axit mạnh ở người bệnh không triệt để hoặc thậm chí không hiệu quả. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng xác định chính xác ảnh hưởng của trào ngược dịch mật ở người.

Không giống như trào ngược axit dạ dày, trào ngược dịch mật không thể được kiểm soát hoàn toàn bằng việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống. Bệnh được điều trị bằng thuốc. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cần can thiệp phẫu thuật.

2. Triệu chứng

Trào ngược dịch mật có thể khó phân biệt với trào ngược axit dạ dày. Các dấu hiệu và triệu chứng của 2 bệnh tương tự nhau và có thể xảy ra cùng một lúc.

Các dấu hiệu và triệu chứng của trào ngược dịch mật bao gồm:

Đau vùng bụng trên, mức độ đau có thể nghiêm trọng

Thường xuyên ợ nóng, cảm giác nóng rát ở ngực đôi khi lan đến cổ họng, cùng với vị chua trong miệng

Buồn nôn

Nôn ra dịch màu vàng xanh (mật)

Thỉnh thoảng bị ho hoặc khàn giọng

Sụt cân không rõ nguyên nhân

Người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám nếu thường xuyên gặp phải các triệu chứng trào ngược hoặc sụt cân đột ngột.

Nếu đã được chẩn đoán mắc trào ngược dạ dày – thực quản và đã dùng thuốc điều trị nhưng không thấy triệu chứng thuyên giảm, người bệnh cần quay lại bệnh viện vì có thể cần điều trị bổ sung cho tình trạng trào ngược dịch mật.

3. Nguyên nhân

Việc ăn một lượng nhỏ chất béo sẽ báo hiệu cho túi mật giải phóng dịch mật. Dịch này chảy qua hai ống nhỏ (ống túi mật và ống mật chủ) vào phần trên của ruột non (tá tràng).

Trào ngược dịch mật vào dạ dày

Mật và thức ăn hòa trộn ở tá tràng và đi vào ruột non thông qua van môn vị – một vòng cơ thắt nằm ở đầu ra của dạ dày. Van môn vị thường chỉ mở một chút đủ để giải phóng khoảng 3,5ml thức ăn đã hóa lỏng tại một thời điểm – không đủ để cho phép dịch tiêu hóa trào ngược vào dạ dày.

Trong nhiều trường hợp trào ngược dịch mật, van môn vị không đóng lại đúng cách và khiến dịch mật đi ngược trở lại vào dạ dày. Điều này có thể dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày do trào ngược dịch mật).

Trào ngược dịch mật vào thực quản

Mật và axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản khi một van cơ khác (cơ thắt thực quản dưới) có vấn đề. Cơ thắt thực quản dưới ngăn giữa thực quản và dạ dày. Van của cơ này thường chỉ mở đủ lâu để cho phép thức ăn đi vào dạ dày, nhưng nếu van yếu đi hoặc giãn bất thường, dịch mật có thể trào lên thực quản.

Ngoài ra, trào ngược dịch mật còn có thể do:

Biến chứng phẫu thuật. Các phẫu thuật liên quan đến dạ dày như phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn dạ dày và phẫu thuật nối tắt dạ dày để giảm cân hoàn toàn có thể gây ra trào ngược dịch mật.

Loét dạ dày. Các vết loét dạ dày có thể chặn van môn vị khiến van không mở đủ để làm trống dạ dày một cách nhanh nhất có thể. Thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày dẫn đến tăng áp lực dạ dày, dịch mật và axit dạ dày dễ dàng trào ngược vào thực quản.

Phẫu thuật cắt túi mật. Những người đã cắt bỏ túi mật bị trào ngược dịch mật nhiều hơn đáng kể so với những người chưa từng trải qua phẫu thuật này.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán trào ngược dịch mật?

Bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng bệnh bằng cách yêu cầu người bệnh mô tả về các triệu chứng và cung cấp bệnh sử. Tuy vậy, việc phân biệt giữa trào ngược axit và trào ngược dịch mật không đơn giản và cần phải xét nghiệm thêm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá mức độ thương tổn thực quản và dạ dày hay xét nghiệm khảo sát các thay đổi tiền ung thư.

Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

Nội soi. Một chiếc ống mỏng và dẻo có đầu máy ảnh được dẫn xuống cổ họng của người bệnh. Nội soi có thể cho thấy những vết loét hoặc các ổ viêm trong dạ dày và thực quản. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô để kiểm tra ung thư thực quản hoặc bệnh Barrett thực quản.

Thử nghiệm thăm dò axit ambulatory. Thử nghiệm này sử dụng đầu dò đo axit để xác định khi nào và trong bao lâu thì axit trào ngược lên thực quản của người bệnh. Bác sĩ sẽ dùng một ống thông mỏng dẻo với đầu dò ở đầu luồn qua mũi vào thực quản của người bệnh. Trong 1 loại thăm dò khác như thử nghiệm Bravo, đầu dò được gắn vào phần dưới của thực quản trong khi nội soi. Các thử nghiệm này có thể giúp bác sĩ phân biệt trường hợp trào ngược axit và trào ngược dịch mật.

Đo trở kháng thực quản. Xét nghiệm này giúp xác định là khí hay chất lỏng trào ngược lên thực quản. Đo trở kháng thực quản phù hợp cho những người bị ợ ra các chất không có tính axit (như mật) mà không thể dùng đầu dò axit để xét nghiệm. Phương pháp đo là sử dụng một đầu dò được đặt vào thực quản bằng ống thông.

Những phương pháp điều trị trào ngược dịch mật

Điều chỉnh lối sống và uống thuốc có thể là các phương pháp rất hiệu quả đối với trào ngược axit, nhưng trào ngược dịch mật lại khó điều trị hơn. Các bằng chứng đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị chứng trào ngược này không nhiều, một phần là do khó xác định trào ngược dịch mật có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở người bệnh hay không.

Điều trị bằng thuốc

Axit Ursodeoxycholic. Thuốc này giúp thúc đẩy lưu lượng mật, có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Các chất cô lập axit mật. Các bác sĩ thường kê toa các chất cô lập axit mật, làm gián đoạn lưu thông mật nhưng các nghiên cứu cho thấy loại thuốc này ít hiệu quả hơn các phương pháp điều trị khác. Bên cạnh đó, thuốc cũng có tác dụng phụ như đầy hơi.

Thuốc ức chế bơm proton. Các loại thuốc này thường được kê đơn để ngăn tiết axit nhưng chúng không có vai trò rõ ràng trong điều trị trào ngược dịch mật.

Điều trị bằng phẫu thuật

Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nếu thuốc không làm thuyên giảm các triệu chứng nghiêm trọng hoặc có những thay đổi tiền ung thư trong dạ dày hoặc thực quản của người bệnh. Một số loại phẫu thuật có thể thành công hơn những loại khác. Do đó, người bệnh nên tham vấn những ưu và nhược điểm với bác sĩ.

Những thủ thuật phẫu thuật có thể kể đến là:

Phẫu thuật chuyển hướng (Roux-en-Y). Đây cũng là một loại phẫu thuật có mục đích giảm cân, được khuyến nghị cho những người đã phẫu thuật dạ dày trước đó có cắt bỏ môn vị. Trong phẫu thuật Roux-en-Y, bác sĩ phẫu thuật tạo 1 đường dẫn lưu mật phía dưới bên trong ruột non để chuyển mật ra khỏi dạ dày.

Phẫu thuật chống trào ngược. Phần của dạ dày gần thực quản nhất được cuốn lại và khâu xung quanh cơ thắt thực quản dưới. Thủ thuật này nhằm củng cố van và có thể làm giảm trào ngược dịch vị lên thực quản. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về hiệu quả của phẫu thuật này trong điều trị trào ngược dịch mật.

5. Biến chứng

Lớp nhầy dính giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi những tác động ăn mòn của axit trong dạ dày. Tuy nhiên, thực quản lại không có sự bảo vệ này. Vì vậy axit và dịch mật trào ngược có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mô thực quản. Sự kết hợp của mật và axit trào ngược làm tăng nguy cơ gây biến chứng, bao gồm:

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Thỉnh thoảng ợ nóng thì không quá nguy hại, nhưng thường xuyên hoặc liên tục ợ nóng là triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh gây kích ứng và viêm mô thực quản (viêm thực quản). Trào ngược dạ dày thực quản thường do sự dư thừa của dịch vị dạ dày. Tuy nhiên, dịch mật cũng có sự liên quan với bệnh dù còn nhiều tranh cãi.

Barrett thực quản. Đây là tình trạng mà trong đó màu sắc và thành phần của các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị thay đổi, thường là do tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày hoặc axit và dịch mật, làm tổn thương mô ở thực quản dưới. Các tế bào thực quản bị viêm có nguy cơ cao trở thành ung thư. Nghiên cứu trên động vật cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa dịch mật trào ngược với sự xuất hiện của bệnh Barrett thực quản. 

Ung thư thực quản. Dạng ung thư nghiêm trọng này có thể không chẩn đoán được cho đến khi tình trạng tiến triển nặng hơn. Mối liên hệ giữa trào ngược dịch mật, axit và ung thư thực quản vẫn còn gây tranh cãi. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn tồn tại một mối liên hệ trực tiếp. Trong các nghiên cứu trên động vật, chỉ dịch mật trào ngược đã đủ chứng minh là gây ung thư thực quản.

6. Phòng ngừa

Không giống như trào ngược axit, trào ngược dịch mật dường như không liên quan đến các yếu tố lối sống. Tuy nhiên, vì nhiều người mắc phải cả 2 dạng trào ngược này cùng lúc nên thay đổi lối sống cũng là 1 cách góp phần làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh.

Bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm tăng tiết axit dạ dày và làm khô nước bọt – vốn là chất làm ẩm, bảo vệ thực quản.

Ăn ít và chia nhiều bữa nhỏ. Các khẩu phần ăn nhỏ hơn và trải đều trong ngày làm giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, giúp ngăn van mở ra sai thời điểm.

Đứng thẳng sau khi ăn. Sau bữa ăn, bạn nên chờ 2-3 giờ, không nên nằm ngay. Điều này cho phép dạ dày có thời gian tiêu hóa, làm rỗng.

Hạn chế thực phẩm béo. Bữa ăn nhiều chất béo làm giãn cơ vòng thực quản dưới và làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày.

Tránh các thức ăn và đồ uống có hại. Một số thực phẩm làm tăng tiết axit dạ dày và có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới, chẳng hạn như đồ uống chứa caffeine và có ga, sôcôla, trái cây, nước ép từ các loại quả có múi như cam quýt, hành tây, thực phẩm có nguồn gốc từ cà chua, thức ăn cay và bạc hà.

Hạn chế hoặc tránh uống rượu. Uống rượu làm giãn cơ vòng thực quản dưới và kích thích thực quản.

Giảm bớt cân nặng. Chứng ợ nóng và trào ngược axit có thể xảy ra do trọng lượng dư thừa của cơ thể tạo thêm áp lực lên dạ dày.

Nâng cao giường ngủ. Ngủ với phần thân trên được nâng từ 10-15cm có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược.

Thư giãn. Khi bị căng thẳng, hệ tiêu hóa làm việc chậm lại khiến các triệu chứng trào ngược dễ nghiêm trọng hơn. Hãy thử áp dụng các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như hít thở sâu, thiền hoặc yoga.

Ngoài các biện pháp tại gia, người bị trào ngược cũng có thể dùng thuốc để điều trị. Nhiều người có vấn đề về dạ dày thường xuyên như ợ nóng sử dụng các loại thuốc không kê đơn hoặc các liệu pháp thay thế để giảm triệu chứng. Tuy nhiên, nếu kết hợp thuốc và các biện pháp tự nhiên thì cần lưu ý rủi ro và tác dụng phụ như tương tác thuốc. 

Một số loại thảo dược có thể có ích trong việc làm giảm các triệu chứng bệnh. Tuy vậy, hiện vẫn không có bằng chứng cho thấy chúng có tác dụng thực sự với dịch mật bị trào ngược. Bên cạnh đó, một số loại thảo dược có thể có hại. Người bệnh cần nghiên cứu cẩn thận và tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi thử một liệu pháp thay thế nào.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Trào ngược dịch mật, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:09/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM