Bệnh gãy ngón chân - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Gãy ngón chân là một chấn thương khá phổ biến, xảy ra khi bạn vô tình làm rơi vật nặng xuống bàn chân hoặc vấp ngón chân vào một bề mặt cứng. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh gãy ngón chân - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Gãy ngón chân là gì?

Gãy ngón chân là một chấn thương khá phổ biến, xảy ra khi bạn vô tình làm rơi một vật nặng xuống bàn chân hoặc vấp ngón chân mạnh vào một bề mặt cứng như tường, chân bàn…

Thông thường, một ngón chân bị gãy có thể lành lại nhờ cố định với ngón chân bên cạnh. Tuy nhiên, nếu gãy xương nghiêm trọng, đặc biệt khi gãy xương ở ngón chân cái, bạn cần phải bó bột hoặc cần phẫu thuật để can thiệp định hình lại cấu trúc xương.

Hầu hết trường hợp gãy ngón chân đều lành lại trong vòng 4–6 tuần. Đôi khi vị trí gãy xương có thể bị nhiễm trùng hoặc làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp (viêm xương khớp) ở đó sau này.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng gãy ngón chân

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị gãy xương ngón chân bao gồm:

  • Đau đớn;
  • Sưng tấy;
  • Thay đổi màu sắc vùng da bị thương.

Cảm giác đau nhói ở ngón chân là dấu hiệu đầu tiên cho thấy xương có thể đã bị gãy. Bạn cũng có thể nghe được tiếng xương gãy ngay tại thời điểm chấn thương xảy ra. Sau đó, hiện tượng sưng tấy, đỏ nóng da sẽ xuất hiện.

Khi gãy xương, vùng da gần vị trí bị thương có thể bầm tím hoặc thay đổi màu sắc. Bạn cũng gặp khó khăn khi đi, đứng hoặc đặt một vật gì đó lên trên bàn chân. Xương gãy cũng có khi gây trật khớp ngón chân, khiến chúng không còn nằm ở vị trí như bình thường.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gãy ngón chân là gì?

Chấn thương này thường xảy ra khi bạn làm rơi một vật nặng xuống chân hoặc vấp ngón chân vào một bề mặt cứng. Do đó, đi chân đất (chân trần) là một yếu tố rủi ro lớn, đặc biệt khi di chuyển trong bóng tối hoặc ở nơi không quen thuộc.

Nếu bạn phải vận chuyển những đồ vật nặng mà không mang giày bảo vệ chân, chẳng hạn như một đôi ủng dày, nguy cơ bị chấn thương gây gãy xương sẽ cao hơn.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán gãy ngón chân?

Khi kiểm tra bàn chân, bác sĩ sẽ quan sát khu vực có dấu hiệu đau khi ấn vào ở ngón chân bạn. Vùng da xung quanh vết thương cũng được kiểm tra xem có còn nguyên vẹn hay không, đảm bảo lưu lượng máu cung cấp đến ngón chân và tín hiệu thần kinh không bị ảnh hưởng.

Nếu cảm thấy có khả năng cao là ngón chân đã bị gãy, bạn sẽ được chỉ định đi chụp X-quang bàn chân từ nhiều góc độ khác nhau.

Những phương pháp điều trị gãy ngón chân

Sử dụng thuốc

Cơn đau khi xảy ra chấn thương có thể kiểm soát nhờ một số thuốc giảm đau phổ biến như ibuprofen, naproxen hoặc paracetamol. Nếu cơn đau do gãy xương khiến bạn không chịu nổi, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau có tác dụng mạnh hơn.

Nắn xương

Nếu các mảnh xương bị trật đi khỏi vị trí đúng, bác sĩ sẽ nắn chỉnh lại về đúng vị trí. Việc này có thể được thực hiện mà không cần phải rạch mở da. Ngón chân của bạn sẽ được làm tê bằng nước đá hoặc thuốc gây tê.

Cố định bất động

Để xương lành lại, ngón chân phải được cố định để các tế bào xương phát triển liền lại với nhau.

  • Cố định ngón chân bị gãy với ngón bên cạnh. Nếu gãy xương nhẹ ở một ngón chân bất kỳ, bác sĩ có thể băng và cố định ngón chân đó vào ngón chân bên cạnh. Các ngón chân không bị thương có vai trò như thanh nẹp để giữ ngón chân bị gãy ở nguyên một vị trí. Bác sĩ sẽ đặt một ít gạc hoặc vải ở giữa các ngón chân trước khi băng cố định lại để tránh gây kích ứng da.
  • Mang một đế giày cứng. Bác sĩ có thể cho bạn mang một đôi giày có đế cứng và phần trên có cái dây vải buộc các ngón chân lại.
  • Bó bột. Trường hợp gãy xương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phải bó bột ngón chân bạn.

Phẫu thuật

Một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật và sử dụng ghim, tấm nẹp hay ốc vít để cố định vị trí của xương cho đến khi lành lại.

Các biện pháp tại nhà

Chườm lạnh và nâng cao chân bị chấn thương có thể giúp giảm bớt sưng và đau. Nếu sử dụng nước đá để chườm, hãy quấn vào trong một lớp khăn và không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với vùng da chấn thương. Mỗi lần chườm khoảng 15 phút, sau đó nghỉ ít nhất 20 phút trước khi chườm tiếp lần sau.

5. Biến chứng

Gãy ngón chân có thể dẫn đến những biến chứng nào?

Các biến chứng bạn có thể gặp phải là:

  • Nhiễm trùng. Nếu có vết thương ngoài da nơi gãy xương, nguy cơ nhiễm trùng xương sẽ tăng lên.
  • Thoái hóa khớp. Loại viêm khớp này cũng có nhiều khả năng xảy ra khi gãy xương nằm gần với một khớp nào đó.

6. Phòng ngừa

Bạn có thể phòng ngừa gãy ngón chân như thế nào?

Chấn thương và tai nạn có thể xảy ra bất ngờ, không thể phòng tránh hoàn toàn. Thế nhưng, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ gãy xương ở ngón chân nhờ một số cách như:

  • Hạn chế mang giày dép không che phủ các ngón chân, chẳng hạn như dép xỏ ngón. Dép xỏ ngón thường ít giúp hỗ trợ cho bàn chân, gây ra nhiều áp lực cho cơ và xương. Chúng cũng làm tăng nguy cơ bị đau ngón chân và dễ bị tổn thương khi té ngã.
  • Thay giày dép mới khi đế đã mòn. Đế giày bị mòn và trơn sẽ làm tăng khả năng té ngã và chấn thương ở ngón chân. Vì thế, bạn nên kiểm tra chúng thường xuyên.
  • Tăng cường khả năng giữ thăng bằng. Hoạt động thể chất thường xuyên, luyện tập tăng cường sức mạnh cơ bắp và các bài tập giữ thăng bằng có thể giúp bạn giảm thiểu té ngã, chấn thương.
  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường, nếu có. Những người mắc bệnh đái tháo đường có khả năng gặp phải biến chứng gây tổn thương dây thần kinh, thường ở bàn chân. Từ đó, cảm giác thăng bằng không còn tốt và dễ té ngã, chấn thương cũng như vết thương mất nhiều thời gian để chữa lành.

Chăm sóc chấn thương đúng cách cũng giúp phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu bạn cảm thấy xương ngón chân có vẻ như bị gãy, sưng và đau kéo dài.

Với những thông tin trên đây về bệnh gãy ngón chân, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh.

Ngày:24/10/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM