Thủ thuật X-quang cột sống cổ - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

X-quang cột sống cổ là hình ảnh X-quang chụp bảy đốt sống cổ (7 đốt sống đầu tiên của cột sống), những đốt sống này có nhiệm vụ bao bọc và bảo vệ phần trên tủy sống. Để hiểu rõ hơn về thủ thuật này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Thủ thuật X-quang cột sống cổ - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Tên kĩ thuật y tế: Chụp X-quang cột sống cổ

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Cột sống cổ/X-quang

1. Tìm hiểu chung

Chụp X-quang cột sống cổ là gì?

X-quang cột sống cổ là hình ảnh X-quang chụp bảy đốt sống cổ (7 đốt sống đầu tiên của cột sống), những đốt sống này có nhiệm vụ bao bọc và bảo vệ phần trên tủy sống. X-quang cổ cũng có thể cho ta thấy cấu trúc các khu vực xung quanh, bao gồm cả dây thanh âm, amidan, vòm họng, khí quản và nắp thanh quản.

Tia X là một dạng bức xạ đi qua cơ thể để tạo ra hình ảnh các cơ quan bên trong cơ thể của bạn. Các cấu trúc dày đặc ví dụ như như xương sẽ có hình ảnh màu trắng bởi vì rất ít tia bức xạ xuyên qua chúng và hiện lên tấm phim ở phía bên kia. Các mô mềm, chẳng hạn như mạch máu, da, mỡ và cơ bắp, do ít dày đặc hơn nên bức xạ có thể đi xuyên qua chúng và sẽ xuất hiện thành màu xám đen trên hình ảnh X-quang.

Khi nào bạn nên thực hiện chụp X-quang cột sống cổ?

Nếu bạn bị chấn thương cổ hay có cảm giác tê dai dẳng, đau hoặc cảm thấy yếu cơ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chụp X-quang. Bác sĩ sẽ kiểm tra các hình ảnh X-quang để xác định các căn bệnh sau:

Trật khớp; Loãng xương; Dị tật cột sống; Gãy hoặc nứt xương; Viêm nắp thanh quản; Thoái hóa đốt sống cổ; Khối u ở xương hoặc u nang; Xương phát triển bất thường; Sưng phù xung quanh dây thanh âm; Dị vật làm cản trở cổ họng hay khí quản; Có vết sưng phía trong hoặc gần đường thở; Amidan và vòm họng sưng to.

2. Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện chụp X-quang cột sống cổ?

Bạn sẽ phải tiếp xúc với bức xạ ở mức độ thấp. Chuyên viên sẽ dùng mức bức xạ thấp nhất vừa đủ để tạo ra hình ảnh.

Phụ nữ mang thai và trẻ em dễ mắc phải biến chứng từ việc chụp X-quang.

Trong những trường hợp có tổn thương về thần kinh, có nguy cơ chấn thương thần kinh cao mà khám lâm sàng không thể phát hiện ra hết được và hình ảnh X-quang không rõ ràng thì cần phải làm các xét nghiệm cao cấp hơn như CT hoặc MRI.

Trong quá trình chụp, bạn nên cố gắng đứng yên và không nhúc nhích, như vậy thì mới thu được hình ảnh rõ nét nhất. Ngoài ra, ở một số người thừa cân hoặc béo phì, hình ảnh có thể kém rõ một chút.

Trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện chụp X-quang cột sống cổ?

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn gỡ bỏ trang sức khỏi người, những thiết bị nha khoa, kính hay vật bằng kim loại vì chúng có thể ảnh hưởng tới hình chụp X-quang.

Phụ nữ nên báo với bác sĩ và kỹ thuật viên X-quang nếu họ nghi ngờ mình đang hoặc đã mang thai. Chụp X-quang ngực sẽ không được thực hiện khi đang mang thai để tránh tiếp xúc bức xạ tới thai nhi. Nhưng nếu tình trạng sức khỏe của bạn cần thực hiện chụp X-quang, bác sĩ sẽ thực hiện những biện pháp bảo vệ để giảm thiếu nguy cơ tiếp xúc bức xạ tới trẻ.

Quy trình thực hiện X-quang cột sống cổ như thế nào?

Chụp X-quang cột sống cổ được thực hiện bởi kỹ thuật viên trong phòng X-quang. Có ba tư thế chụp:

Chụp trước sau; Chụp nghiêng; Chụp từ bên trên (góc chụp này đòi hỏi bệnh nhân phải mở rộng miệng để chụp).

Bác sĩ sẽ chụp thêm 5 hình ảnh lúc bệnh nhân đang gập người hoặc ưỡn người. Cụ thể, bệnh nhân sẽ được yêu cầu cúi đầu về phía trước càng xa càng tốt, và cúi cổ ra sau càng xa càng tốt để chụp được những hình ảnh này.

Trong trường hợp bạn đang bị chấn thương ở cổ. Bác sĩ sẽ nhìn vào tấm phim thứ nhất vừa chụp được để quyết định xem bạn nên chụp ở những tư thế nào, nhằm tránh làm tổn thương cột sống cổ nặng hơn.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện chụp X-quang cột sống cổ?

Thường thì xét nghiệm sẽ kéo dài trong vòng 15 phút. Bạn sẽ phải ngồi lại chờ trong vòng 5 phút để các kỹ thuật viên xem xét lại các hình đã chụp. Đề phòng trường hợp có tấm hình nào đó bị mờ hoặc không rõ, và bạn cần phải chụp lại. Ở một số phòng khám, hình X-quang sau khi chụp sẽ được hiển thị ngay trên màn hình máy vi tính.

Nếu X-quang được thực hiện để kiểm tra chấn thương, bạn sẽ có thể có cảm giác khó chịu khi cổ của bạn phải nằm ở tư thế được yêu cầu. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ chọn những tư thế nằm phù hợp để tránh làm tổn thương của bạn nặng hơn. Nếu sau khi chụp X-quang kết quả không rõ ràng hoặc bác sĩ nghi ngờ bạn có tổn thương ở đĩa đệm hoặc các dây thần kinh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp thêm MRI.

Kỹ thuật viên X-quang sẽ hoàn tất và gửi kết quả cho bác sĩ của bạn trong vòng vài ngày.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì ?

Nếu xương và các mô của bạn có kết quả X-quang bình thường tức là có thể bạn không bị hiện tượng xương phát triển bất thường, bị dị tật cột sống, thoái hóa đốt sống…

Nếu có điều gì bất thường xuất hiện trên kết quả X-quang, bác sĩ sẽ cùng bạn thảo luận để lựa chọn phương pháp điều trị.

Kết quả bình thường

Các đốt sống có hình dạng, kích thước bình thường và được sắp xếp đều đặn, liên tục.

Không bị trật khớp, không bị gãy xương, không có dị vật. Vùng mô mềm xung quanh cột sống bình thường.

Có đầy đủ 3 đường cong bình thường của cột sống.

Kết quả bất thường

Gãy xương, trật khớp hay dị vật xuất hiện ở cột sống cổ.

Cột sống không có độ cong như bình thường, có thể do tật gù vẹo cột sống.

Có biểu hiện một số bệnh lý như các đốt sống bị xẹp do như loãng xương hay viêm khớp giữa các đốt sống. Có hình ảnh bất thường của xương do bẩm sinh hoặc do ung thư, nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Bệnh về đĩa sống: thường được thấy bởi dấu hiệu là khoảng giữa hai đốt sống bị hẹp lại.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến thủ thuật X-quang cột sống cổ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:07/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM