Bệnh chấn thương cơ nhị đầu cánh tay - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nếu bắp tay, vai hoặc khuỷu tay bạn bị đau, sưng, khó vận động thì rất có thể bạn đã rơi vào tình trạng chấn thương cơ nhị đầu cánh tay. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của tihf trạng này là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh chấn thương cơ nhị đầu cánh tay - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Chấn thương cơ nhị đầu cánh tay là gì?

Cơ nhị đầu ở bắp tay có hai đầu gân (đầu ngắn và đầu dài) gắn với xương vai và một gân bám vào xương quay ở khuỷu tay. Gân là những dải mô cứng nối liền cơ bắp với xương, hỗ trợ cử động chân tay.

Chấn thương cơ nhị đầu cánh tay được phân thành 3 loại theo vị trí và mức độ nghiêm trọng:

  • Rách đầu gần của gân cơ nhị đầu ở vai;
  • Viêm hoặc rách đầu xa của gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay;
  • Viêm gân cơ nhị đầu cánh tay.

Rách đầu gần của gân cơ nhị đầu ở vai

Chấn thương này xảy ra khi một trong những sợi gân ở cơ nhị đầu gắn với xương vai bị rách. Gân đầu dài dễ bị rách hơn gân đầu ngắn. Ban đầu, gân có thể bị xơ mòn trước và rách dần. Một số trường hợp thì gân sẽ rách nếu gặp chấn thương.

Với dạng chấn thương này, nhiều khả năng gân cơ nhị đầu chỉ rách một phần, nghĩa là cánh tay người bệnh thường có thể tiếp tục vận động. Tuy nhiên, rách đầu gần của gân cơ nhị đầu ở vai có thể ảnh hưởng các bộ phận khác trong xương vai cùng một lúc.

Viêm đầu xa hoặc rách gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay

Viêm đầu xa gân cơ nhị đầu là tình trạng viêm ở cơ nhị đầu gần khuỷu tay. Bệnh thường do gân bị mòn dần, các chuyển động lặp đi lặp lại có thể làm tình trạng viêm nặng hơn.

Rách gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay thường xảy ra khi khuỷu tay phải chống thẳng để đỡ một trọng lượng nặng. Áp lực này có thể làm gân rách khỏi xương và thường là tình trạng rách hoàn toàn.

Khi bị rách gân cơ nhị đầu, các cơ khác của cánh tay sẽ hoạt động bù lại, vì vậy người bệnh vẫn có thể chuyển động tay gần như bình thường. Tuy nhiên, lực của cánh tay bị tổn thương rất dễ suy yếu nếu không điều trị tình trạng rách gân.

Rách gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay không phổ biến, thường xảy ra ở nam giới hơn và tỷ lệ người mắc khoảng 3-5/100.000 mỗi năm.

Viêm gân cơ nhị đầu cánh tay

Viêm gân cơ nhị đầu cánh tay là tình trạng viêm hoặc bị kích ứng ở đầu dài của cơ nhị đầu, có thể gây ra những vết rách nhỏ (microtear). Cũng tương tự như viêm đầu xa gân cơ nhị đầu, viêm gân cơ nhị đầu cánh tay là do hao mòn thông thường và có thể trở nên nghiêm trọng hơn do các chuyển động thường xuyên lặp lại.

Viêm gân dạng này có thể là kết quả của một quá trình lặp đi lặp lại một chuyển động, chẳng hạn như người chơi bóng chày chuyên nghiệp, bơi lội, chơi tennis và chơi golf có nguy cơ bị viêm gân ở vai, cánh tay và khuỷu tay.

Thông thường, viêm gân cơ nhị đầu cánh tay xảy ra ở vai hoặc ở khuỷu tay. Nếu bị viêm gân ở cả hai nơi cùng một lúc thì đó là trường hợp bất thường.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương cơ nhị đầu cánh tay là gì?

Các triệu chứng của chấn thương cơ nhị đầu cánh tay có liên quan đến tình trạng viêm, rách gân cơ nhị đầu, rõ ràng nhất là cảm giác đau nhói đột ngột, dữ dội ở nơi gân bị tổn thương (phần trên của cánh tay hoặc khuỷu tay), có thể lan khắp cánh tay, thường nặng lúc đầu và có thể đỡ hơn sau vài tuần.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như:

  • Có âm thanh hoặc cảm giác gân bị rách khi xảy ra chấn thương ;
  • Cảm giác vùng chấn thương ấm nóng hơn;
  • Sưng tấy;
  • Bầm tím;
  • Lực cánh tay yếu đi;
  • Gặp khó khăn khi xoay lòng bàn tay;
  • Mệt mỏi ;
  • Cánh tay bị đau khi phải thực hiện một hoạt động lặp đi lặp lại;
  • Phần trên cánh tay bị phình ra hoặc lõm vào vì cơ nhị đầu không còn được giữ đúng vị trí.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của chấn thương cơ nhị đầu cánh tay là gì?

Hai nguyên nhân chính của các chấn thương cơ nhị đầu cánh tay là do tổn thương vật lý và vận động quá mức.

Tổn thương cơ nhị đầu cánh tay có thể xảy ra khi cố gắng nâng một vật nặng hoặc té ngã và chống đỡ bằng cánh tay. Hầu hết các trường hợp rách gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay là do tổn thương vật lý.

Việc vận động cơ nhị đầu quá mức có thể làm cho gân bị mòn theo thời gian. Nếu bình thường, tình trạng này xảy ra tự nhiên khi lão hóa. Bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại. Do đó, các chấn thương cơ này thường phổ biến ở những người chơi các môn thể thao như cử tạ, quần vợt hoặc bơi lội.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán chấn thương cơ nhị đầu cánh tay?

Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám bệnh sử của người bệnh bằng cách đặt các câu hỏi về triệu chứng, chấn thương (nếu có) gần đây và thời điểm cơn đau bắt đầu xảy ra.

Tiếp theo, người bệnh thực hiện kiểm tra thể chất để đánh giá phạm vi chuyển động cũng như lực của cánh tay. Trong các thử nghiệm này, bác sĩ sẽ quan sát và ghi nhận nếu người bệnh bị đau hoặc gặp khó khăn với một số động tác nhất định, đặc biệt là xoay. Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu chấn thương trên cánh tay người bệnh như sưng, bầm tím hoặc bị phồng lên.

Trong một số trường hợp, người bệnh được chỉ định chụp X-quang để có thể loại trừ tình huống tổn thương về xương hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định vết rách ở gân là một phần hay toàn bộ.

Những phương pháp điều trị chấn thương cơ nhị đầu cánh tay

Các phương pháp điều trị chủ yếu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, cũng như chức năng tổng thể của cơ nhị đầu và các ảnh hưởng đến bộ phận khác trong cơ thể nếu có (chẳng hạn như cơ chóp xoay).

Những phương pháp có thể kể đến như:

Nghỉ ngơi. Dành thời gian nghỉ ngơi thay vì tiếp tục luyện tập thể dục, nâng hoặc giữ vật nặng. Người bệnh cần hạn chế sử dụng cánh tay bị thương càng ít càng tốt. Không thực hiện các hoạt động thể chất có thể gây đau đớn ngay cả khi đó không phải là những hoạt động nặng nhọc.

Dùng NSAIDs. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) là thuốc không kê đơn giúp giảm viêm (trong trường hợp viêm gân) cũng như giúp giảm sưng (do rách gân cơ nhị đầu). Bất kỳ chấn thương nào ở gân cơ nhị đầu cũng có thể dùng NSAIDs để giảm đau.

Vật lý trị liệu. Tập vật lý trị liệu có thể giúp người bệnh hồi sức và lấy lại khả năng cử động sau chấn thương cơ nhị đầu cánh tay. Tùy thuộc vào tình trạng chấn thương mà người bệnh sẽ được thiết kế riêng các bài tập để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm đau, bao gồm các tư thế uốn cong và mở rộng cánh tay, xoay cánh tay và tăng cường sức mạnh của bắp tay.

Phẫu thuật. Nếu chấn thương của người bệnh không đáp ứng với các biện pháp trên hoặc nếu gân cơ nhị đầu của người bệnh bị rách quá nửa, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật. Trong một số tình huống khẩn cấp như tai nạn, người bệnh có thể phải phẫu thuật ngay thay vì áp dụng các biện pháp không xâm lấn khác. Mục đích của phẫu thuật là để kết nối gân vào xương. Biến chứng thường rất hiếm và không quá nặng nề như cảm giác tê hoặc yếu cánh tay. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người bệnh có thể bị rách gân tái diễn.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa chấn thương cơ nhị đầu cánh tay?

Vì gân cơ nhị đầu cánh tay có thể bị mài mòn theo thời gian (lão hóa) nên các biện pháp phòng tránh sau chỉ có thể phát huy tốt nhất với đối tượng dưới 45 tuổi:

Khởi động, làm ấm cơ thể đúng cách trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao, đặc biệt là các bộ môn có sử dụng chuyển động cánh tay như chơi golf, bơi lội… Tránh các tư thế nâng, giữ vật nặng quá lâu, quá cao Kết hợp vận động, làm việc với nghỉ ngơi hợp lý để cơ bắp có thời gian thư giãn và hồi phục Nếu có cảm giác đau, mỏi, không nên cố gắng tiếp tục thực hiện động tác Tập các bài tập nâng cao sức bền cho cơ nhị đầu Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc Không hút thuốc lá Không lạm dụng thuốc kháng sinh (như fluoroquinolone) hay thuốc NSAIDs

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh chấn thương cơ nhị đầu cánh tay, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:28/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM