Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận Ngữ văn 12

Bài học Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận dưới đây nhằm giúp các em biết cách làm một mở bài ấn tượng, và một kết bài hay. Nội dung bài học này đã được eLib biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận Ngữ văn 12

1. Viết phần mở bài

1.1. Ví dụ

Đề: Hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

Mở bài: 

Chiếc thuyền ngoài xa đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ lao động lam lũ, bất hạnh, trải đời và sáng đẹp tình yêu thương, đức hi sinh và lòng vị tha cao cả. Người phụ nữ bất hạnh ấy đã để lại cho người đọc một niềm cảm thông và trân trọng sâu sắc bởi những phẩm chất đáng quý của bà.

1.2. Kết luận

Mở bài không phải là phần nêu tóm tắt toàn bộ nội dung sẽ trình bày trong văn bản mà điều quan trọng nhất là phải thông báo được một cách ngắn gọn và chính xác về vấn đề nghị luận, gợi cho người đọc hứng thú với vấn đề sẽ trình bày trong văn bản.

2. Viết phần kết bài

2.1. Ví dụ

Đề: Hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

Kết bài: 

Tóm lại, người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài là hai nhân vật được xây dựng rất thành công của Kim Lân và Nguyễn Minh Châu. Tuy có nhiều điểm khác nhau trong phong cách nhưng với tinh thần nhân đạo cao cả, hai nhà văn đều khám phá và nâng niu trân trọng những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Qua hai tác phẩm, các tác giả còn cho chúng ta thêm tin tưởng vào sự bất diệt của những phẩm chất tốt đẹp trong con người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Với tất cả giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy, chắc chắn cả hai nhân vật cũng như tên tuổi của Kim Lân và Nguyễn Minh châu sẽ có sức sống lâu dài trong kho tàng văn học dân tộc.

2.2. Kết luận

Kết bài thông báo về sự kết thúc của việc trình bày vấn đề, nêu đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề; gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn.

3. Luyện tập

Câu 1. Vì sao phần mở bài sau đây chưa đạt yêu cầu ? Hãy viết lại để những phần này hay hơn, phù hợp hơn với yêu cầu của đề bài.

Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) về nhân vật ông lái đò trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân).

Mở bài: Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nhà văn nổi tiếng của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Quê ông ở Nhân Mục, Thanh Xuân, Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám, ông nổi tiếng với tập truyện ngắn Vang bóng một thời viết về cái đẹp của một thời đã qua, đã tàn lụi, bị quên lãng trong thực tại hỗn tạp, xô bồ. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân thành công chủ yếu ở thể loại tuỳ bút, kí sự. Người lái đò Sông Đà là một trong những thiên tuỳ bút tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Tác phẩm được in trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960). Nhân vật người lái đò là một hình tượng nghệ thuật nổi bật, thể hiện rõ vẻ đẹp của người lao động.

Gợi ý làm bài:

- Lỗi: Người viết nêu thông tin về tiểu sử tác giả, sự nghiệp sáng tác quá rườm rà, không làm nổi bật được vấn đề nghị luận.

- Sửa lại: 

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nhà văn nổi tiếng của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, một tâm hồn yêu cái đẹp, một ngòi bút nhạy cảm, yêu thiên nhiên, đất nước, con người. Sự nghiệp văn chương của ông vô cùng đồ sộ, để lại cho thế hệ sau những tuyệt bút quý giá. Nhắc về thiên nhiên trong văn Nguyễn Tuân, người ta không thể bỏ qua “Người lái đò Sông Đà” rút trong tập “tùy bút Sông Đà”. Tùy bút cho người đọc thấy được sự hùng vĩ của thiên nhiên, khung cảnh tuyệt vời của tổ quốc vùng Tây Bắc, và hơn cả là hình tượng con người chế ngự thiên nhiên qua hình tượng người lái đò sông Đà, một vẻ đẹp lao động giản dị, một chiến binh trên sóng nước Sông Đà và người nghệ sĩ lành nghề trong nghệ thuật vượt thác.

Câu 2. Em hãy viết phần mở bài và kết bài cho đề văn sau:

Đề: Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài).

Gợi ý làm bài:

Mở bài:

Vợ chồng A Phủ bức tranh chân thực về cuộc sống và số phận đau khổ của người nông dân nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức của các thế lực thực dân và phong kiến, đồng thời là bài ca về sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Nhân vật chính trong tác phẩm là Mị. Đây là nhân vật kết tinh tư tưởng chủ đề của truyện cũng như vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm.

Kết bài:

Có thể khẳng định xây dựng nhân vật Mị là một thành công của Tô Hoài. Đó là một nhân vật điển hình, tiêu biểu cho vẻ đẹp và số phận của người dân lao động ở vùng núi cao Tây Bắc, đồng thời là một trong số những hình tượng nhân vật nữ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc của văn học ta từ trước đến nay. Tạo nên một cô Mị đặc sắc như vậy không thể không nói đến tài năng nghệ thuật của nhà văn mà thể hiện tập trung ở bút pháp xây dựng nhân vật và miêu tả tâm lý con người khá sắc sảo, tinh tế của Tô Hoài. Những đoạn miêu tả ngoại hình, hành động gợi mở số phận, tính cách hay những trang khắc họa diễn biến tâm lý nhân vật đều là những đoạn văn đặc sắc, chúng chứng tỏ bút lực và “tay nghề già dặn” của nhà văn.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu một cách đầy đủ về chức năng của mở bài và kết bài trong bài văn nghị luận.

- Nắm vững hơn các kiểu mở bài và kết bài thông dụng trong văn nghị luận.

- Biết nhận diện những lỗi thường mắc khi viết mở bài, kết bài và có ý thức tránh những lỗi này.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM