Diễn đạt trong văn nghị luận Ngữ văn 12

Xin gởi đến các em bài học Diễn đạt trong văn nghị luận trong chương trình Ngữ văn 12. Nội dung bài học này nhằm giúp các em nắm được cách sử dụng từ ngữ và kết hợp kiểu câu trong bài văn nghị luận. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Diễn đạt trong văn nghị luận Ngữ văn 12

1. Cách sử dụng từ ngữ trong văn nghị luận

- Khi viết văn nghị luận cần chú ý cách  dùng từ ngữ:

+ Lựa chọn từ ngữ chính xác, phù hợp với vấn đề cần nghị luận; tránh dùng từ lạc phong cách hoặc những từ ngữ sáo rỗng, cầu kì.

+ Kết hợp sử dụng các phép tu từ từ vựng và một số từ ngữ mang tính biểu cảm, gợi hình tượng để bộc lộ cảm xúc phù hợp.

2. Cách sử dụng kết hợp các kiểu câu trong văn nghị luận

- Khi viết bài văn nghị luận cần chú ý sử dụng kết hợp các kiểu câu:

+ Kết hợp một số kiểu câu trong đoạn, trong bài để tạo nên giọng điệu linh hoạt, biểu hiện cảm xúc.

+ Sử dụng các phép tu từ cú pháp để tạo nhịp điệu, nhấn mạnh rõ thái độ, cảm xúc.

3. Luyện tập 

Câu 1. Nhận xét về hiệu quả của cách sử dụng các từ ngữ, kiểu câu (in đậm) và giọng điệu của đoạn văn nghị luận sau:

Trước khi bàn về tính năng động sáng tạo của mỗi cá nhân tác động đến sự phát triển của xã hội như thế nào, xin hãy đi vào mấy ví dụ trong đời sống thực tế:

Hãy nhìn ra những nước láng giềng của chúng ta : Ai cũng biết Xin-ga-po từ năm 1965 là một làng chài tách ra khỏi Ma-lai-xi-a với diện tích chỉ có 1 000 km. Vậy mà, hiện nay, GDP đã là 88,8 tỉ USD, bình quân thu nhập đầu người là 21 500 USD, đứng thứ 25 trên thế giới. Những con số đó cho thấy điều gì ? Trước hết, đó là do tính năng động sáng tạo của người cầm đầu Xin-ga-po là Lí Quang Diệu. Ấy thế mà, ngày nay, người cầm đầu mới vẫn phải nói: “Phải thay đi những gì cổ lỗ, loại đi những gì không thích hợp, sáng tạo ra những cái mới…”. Nhìn vào đó, đủ biết tính năng động sáng tạo của người đứng đầu quốc gia có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển, phồn vinh của một đất nước, đến hạnh phúc của nhân dân. Vì sao Xin-ga-po ở mức cao như thế trên thế giới mà họ vẫn phải yêu cầu loại bỏ những cái cổ lỗ, không thích hợp, sáng tạo cái mới ? Vì thế giới không ngừng biến đổi, không ngừng tiến bộ. Vì nếu dừng lại, say sưa với đỉnh cao của quá khứ và hiện tại, nghĩa là, chấp nhận chìm nghỉm trong cái “thung lũng của tương lai’’!

Vì sự phồn vinh của đất nước, vì sự tiến bộ của chính mình, mỗi cá nhân phải thay đi những gì cổ lỗ, phải loại bỏ đi những gì không thích hợp, phải sáng tạo ra những cái mới. Ngược lại, chúng ta sẽ bị văng ra khỏi dòng chảy dữ dội của đời sống thế giới.

(Theo Nguyễn Thế Long, Truyền thống gia đình và bản sắc dân tộc Việt Nam, tập 2, NXB Văn hoá – Thông tín, Hà Nội, 2006)

Gợi ý làm bài:

Giọng điệu, từ ngữ và cách phối hợp các kiểu câu trong đoạn nhìn chung đã phù hợp với quan điểm, cảm xúc của người viết, tác động tích cực đến người nghe, người đọc, có vai trò khá rõ trong liên kết văn bản. Tuy nhiên, một vấn đề có thể được diễn đạt bằng nhiều cách, bộc lộ những quan điểm, thái độ, cảm xúc khác nhau ở những mức độ nhất định, tác động đến người đọc, người nghe theo nhiều hướng. Bởi vậy, khi diễn đạt lại vấn đề này, anh (chị) nên xác định rõ tư cách cá nhân của mình khi trình bày đề tài và sử dụng giọng điệu, từ ngữ, kiểu câu phù hợp. Có thể xuất phát từ tư cách học sinh – một công dân có trách nhiệm với chính mình và với những vấn đề của đất nước – để nghị luận về vấn đề theo hướng : Mỗi cá nhân cần phải phát huy tính năng động sáng tạo trong học tập, lao động như thế nào để cùng đưa đất nước tiến bộ ? Từ thực tế của Xin-ga-po, mỗi công dân Việt Nam cần ý thức như thế nào về trách nhiệm của mình với đất nước ? Anh (chị) đã học tập và làm việc như thế nào để phát huy tính năng động sáng tạo, làm cho thực tại và tương lai tốt hơn ? Khi diễn đạt lại đoạn văn này, cần giữ nguyên các thông tin khách quan : sự phát triển của đất nước Xin-ga-po và vai trò của người đứng đầu Nhà nước. Các thông tin chủ quan có thể thay đổi : thái độ, quan điểm, cảm xúc, cách trình bày,…đang trình bày như thế nào ? Những yếu tố này có vai trò gì đối với liên kết, phát triển ý trong đoạn ? Những yếu tố này có khả năng tác động đến người đọc, người nghe như thế nào ?

Câu 2. Theo em nên chọn những từ ngữ như thế nào cho một bài văn nghị luận.

Gợi ý làm bài:

- Chúng ta cần lựa chọn từ ngữ chính xác, phù hợp với vấn đề cần nghị luận; tránh dùng từ lạc phong cách hoặc những từ ngữ sáo rỗng, cầu kì.

- Bên cạnh đó là sự kết hợp sử dụng các phép tu từ từ vựng và một số từ ngữ mang tính biểu cảm, gợi hình tượng để bộc lộ cảm xúc phù hợp.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau đây:

- Nâng cao kĩ năng vận dụng những cách diễn đạt khác nhau để trình bày vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo.

- Biết cách tránh lỗi về dùng từ, viết câu, sử dụng giọng điệu không phù hợp với chuẩn mực ngôn từ của bài văn nghị luận.

- Có ý thức một cách đầy đủ về chuẩn mực ngôn từ của bài văn nghị luận.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM