Tổng kết phần tiếng Việt: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ Ngữ văn 12

Nhằm giúp các em ôn tập phần tiếng Việt đã học, eLib đã biên soạn bài học Tổng kết phần tiếng Việt: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ một cách chi tiết và dễ hiểu nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tổng kết phần tiếng Việt: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ Ngữ văn 12

1. Nội dung cơ bản cần nắm vững

1.1. Hoạt động giao tiếp

Các nhân tố và các quá trình của hoạt động giao tiếp

a. Khái niệm: Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, tình cảm, hành động.

b. Các quá trình của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

- Quá trình tạo lập văn bản: do người nói hay người viết thực hiện.

- Quá trình lĩnh hội văn bản: do người nghe hay người đọc thực hiện.

- Hai quá trình này diễn ra trong quan hệ tương tác với nhau.

1.2. Dạng nói và dạng viết trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

- Trong hoạt động giao tiếp, ngôn ngữ được sử dụng ở 2 dạng nói và viết.

- Khác biệt:

+ Điều kiện tạo lập và lĩnh hội văn bản:

  • Dạng nói: trực tiếp

  • Dạng viết: trực tiếp hoặc gián tiếp

+ Kênh giao tiếp:

  • Dạng nói: ngôn ngữ nói

  • Dạng viết: chữ viết

+ Phương tiện phụ trợ:

  • Dạng nói: ngữ điệu, nét mặt, cử chỉ...

  • Dạng viết: dấu câu, kí hiệu văn tự...

+ Dùng từ đặt câu và tổ chức văn bản:

  • Dạng nói: từ mang tính khẩu ngữ, câu tỉnh lược

  • Dạng viết: từ chọn lọc, câu rõ ràng và các thành phần.

1.3. Ngữ cảnh trong giao tiếp ngôn ngữ

a. Khái niệm: Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ, làm cơ sở cho việc sử dụng ngôn ngữ và tạo lập văn bản đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo văn bản.

b. Các nhân tố của ngữ cảnh

- Nhân vật giao tiếp:

+ Người nói.

+ Người nghe.

- Bối cảnh giao tiếp:

+ Bối cảnh giao tiếp rộng.

+ Bối cảnh giao tiếp hẹp.

+ Hiện thực được nói tới.

- Văn cảnh

1.4. Nhân vật giao tiếp

- Các nhân vật giao tiếp đều có khả năng tạo lập và lĩnh hội văn bản. Trong giao tiếp ở dạng nói họ thường đổi vai cho nhau hay luân phiên trả lời với nhau.

- Các nhân vật giao tiếp có vị trí thế ngang hàng hoặc cách biệt, xa lạ hay thân tình. Những đặc điểm đó cùng với nhưng đặc điểm riêng biệt khác của từng người (lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp...) luôn chi phối lời nói của họ về nội dung lẫn hình thức ngôn ngữ.

1.5. Ngôn ngữ chung của xã hội và lời nói cá nhân của nhân vật trong giao tiếp

Ngôn ngữ là tài sản chung, là phương tiện giao tiếp chung của cả cộng đồng xã hội, lời nói cá nhân là sản phẩm được cá nhân tạo ra trên cơ sở vận dụng các yếu tố ngôn ngữ chung và tuân thủ các quy tắc chung.

1.6. Hai thành phần nghĩa của câu trong hoạt động giao tiếp

- Nghĩa sự việc: ứng với sự việc mà câu đề cập đến.

- Nghĩa tình thái: thể hiện thái độ, tình cảm, sự nhìn nhận, đánh giá của người nói đối với sự việc hoặc người nghe.

1.7. Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt khi giao tiếp

Trong giao tiếp, các nhân vật giao tiếp cần có ý thức, kĩ năng, thói quen giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt: nắm vững các chuẩn mực ngôn ngữ, sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn mực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo ngôn ngữ theo quy tắc chung. Ngoài ra cần phải đề cao phẩm chất văn hóa, lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ, tránh những biểu hiện thô tục làm vẩn đục ngôn ngữ.

2. Luyện tập

Câu 1. 

Đọc đoạn hội thoại sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới.

Sau khi tự xưng danh tánh, ông bảo :

– Nghe đồn có ao sấu, tôi chẳng nệ đường xa để tới xứ Khánh Lâm này…

– Té ra ông là thợ câu sấu !

Ông Năm Hên lắc đầu :

– Thợ bắt sấu chớ không phải thợ câu. Hai nghề đó khác nhau. Câu thì dùng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống. Đó là ở dưới nước. Đằng này tôi chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi.

– Vậy chớ ông bắt bằng gì ?     

– Tôi bắt bằng… hai tay không.

(Sơn Nam, Bắt sấu rừng u Minh Hạ)

Câu hỏi :

a) Giao tiếp trong đoạn trích diễn ra giữa các nhân vật nào ?

b) Họ đổi vai nghe và nói như thế nào ?

c) Họ nói về vấn đề gì ?

Gợi ý làm bài:

a) Trong đoạn trích trên có nhân vật giao tiếp là: người dân xứ Khánh Lâm và nhân vật ông Năm Hên.

b) Họ đổi vai từ nói sang nghe và ngược lại.

c) Họ nói về vấn đề là: việc bắt cá sấu. Ông Năm Hên giải thích công việc của mình cho dân làng hiểu về việc bắt cá sấu.

Câu 2. Em hãy cho biết các nhân tố của ngữ cảnh.

Gợi ý làm bài:

- Nhân vật giao tiếp:

+ Người nói.

+ Người nghe.

- Bối cảnh giao tiếp:

+ Bối cảnh giao tiếp rộng.

+ Bối cảnh giao tiếp hẹp.

+ Hiện thực được nói tới.

- Văn cảnh

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hệ thống hóa được những kiến thức cơ bản về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ đã học trong chương trình Ngữ văn THPT.

- Nâng cao thêm năng lực giao tiếp bằng Tiếng Việt ở 2 dạng nói và viết, và ở 2 quá trình tạo lập và lĩnh hội văn bản.

- Giáo dục tình yêu tiếng Việt, ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM