Văn bản: Thuốc Ngữ văn 12

eLib xin giới thiệu đến các em bài học Thuốc của Lỗ Tấn trong chương trình Ngữ văn 12. Nội dung bài học này đã được biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Văn bản: Thuốc Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Lỗ Tấn (1881-1936)

- Tên thật...Lỗ Tấn là bút danh (lấy từ họ mẹ và chữ Tấn hành), quê...

- Là nhà văn cách mạng vô sản tiêu biểu của văn học hiện đại.

- Là một trong những người tiên phong trăn trở tìm đường ″cứu vong″ cho dân tộc.

- Ông đã nhiều lần đổi nghề để tìm đường cống hiến cho tương lai của dân tộc: khai mỏ, hàng hải, nghề y, cuối cùng ông chuyển sang nghề viết văn để thức tỉnh quốc dân đồng bào ⇒ Con đường gian nan chọn nghề mang đậm dấu ấn của lịch sử Trung Hoa thời cận hiện đại vừa nói lên tâm huyết của một người con ưu tú của dân tộc.

- Được tôn vinh là ″linh hồn của dân tộc″ - biểu tượng tâm hồn cao đẹp của người Trung Hoa.

- Được đề cử làm ứng viên Giải thưởng Nô-ben về văn học nhưng ông từ chối.

1.2. Tác phẩm

a. Xuất xứ: Được đăng trên tạp chí „Tân thanh niên″ 1919. Sau đó in trong tập "Gào thét″, xuất bản năm 1923.

b. Hoàn cảnh sáng tác: Viết ngày 25/4/1919- ngày bùng nổ phong trào học sinh sinh viên Bắc Kinh, mở đầu cuộc vận động cứu vong Trung Hoa khỏi diệt vong, thường gọi là Ngũ Tứ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1.  Hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người

- Thuốc (chiếc bánh bao tẩm máu người) có nhiều tầng ý nghĩa:

+ Thuốc chữa bệnh lao của những người dân u mê, lạc hậu (nghĩa đen)

+ Đó không phải là thuốc chữa bệnh mà là thuốc độc, phải tìm một thứ thuốc khác.

+ Đối với cách mạng Trung Quốc: Phải tìm một phương thuốc làm cho quần chúng giác ngộ cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng.

2.2. Nhân vật đám đông

- Ông bà Hoa để chữa bệnh cho con đã mua bánh bao tẩm máu Hạ Du 

- Mẹ Hạ Du: Cho con là giặc.

⇒ Ngu muội nhưng đáng thương

- Cả Khang- tên đao phủ: lấy máu Hạ Du tẩm bánh bao để bán.

- Lão Nghĩa- đề lao, mắt cá chép: lấy áo Hạ Du, đánh Hạ Du hai bạt tai.

- Cụ Ba Hạ: tố giác cháu để được lĩnh thưởng 20 lạng bạc trắng.

- Thanh niên 21 tuổi và một số người khác: cho Hạ Du là điên, là giặc.

⇒ Không chỉ dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm, mê muội, lạc hậu, mà còn phản động.

- Thái độ của tác giả: ghê tởm, chế giễu.

2.3. Hình tượng người cách mạng Hạ Du

- Hạ Du: người chiến sĩ tiên phong dám xả thân vì lí tưởng cách mạng, yêu nước, trung thành với cách mạng dù bị hiểu lầm, bị tra tấn, và hành hình. Bên cạnh đó còn là một thanh niên cách mạng sớm giác ngộ, có lí tưởng cách mạng rõ ràng: lật đổ ngai vàng, đánh đuổi ngoại tộc, giành lại độc lập.

- Bi kịch của Hạ Du: chiến đấu vì lí tưởng giành lại độc lập dân tộc nhưng không được ai thấu hiểu và đồng hành; bị người thân bán đứng (cụ Ba đưa Hạ Du ra đầu thú để lấy bạc); bị người mẹ thấy xấu hổ, bị quần chúng dùng máu để mua bán và tẩm bánh bao chữa bệnh.

- Hạ Du xuất hiện gián tiếp qua cuộc trò chuyện ở quán trà qua cuộc trò chuyện của quần chúng: “thằng khốn nạn”, “thằng nhãi con”, là kẻ “điên thật rồi”. Qua đó, Lỗ Tấn muốn chỉ ra thực trạng:

+ Quần chúng nhân dân vô cùng lạc lõng, xa lạ và không chút thấu hiểu nhau đối với những người làm cách mạng nói chung và Hạ Du nói riêng.

+ Cần phải tìm một phương thuốc thực sự làm nhân dân giác ngộ cách mạng và làm cách mạng gắn bó với quần chúng - Là giải pháp cấp bách nhất.

→  xa rời quần chúng nhân dân của những người làm cách mạng là căn bệnh cần chữa trị.

2.4. Cảnh hai bà mẹ đi thăm mộ con

- Thời gian nghệ thuật thể hiện mạch suy tư lạc quan của tác giả: Thời gian chuyển từ mùa thu năm trước (khi Hạ Du bị hành hình) đến mùa xuân năm sau (vào tiết Thanh minh).

- Hai bà mẹ đã bước qua ranh giới con đường mòn ( con đường của những tập quán xấu) để thông cảm và thấu hiểu cho nhau. Thể hiện niềm hi vọng về sự thấu hiểu và gắn kết giữa cách mạng và quần chúng nhân dân.

- Chi tiết vòng hoa trắng trên mộ Hạ Du: Câu hỏi “thế này là thế nào” thể hiện niềm vui của bà mẹ và hé mở đã có người thấu hiểu lí tưởng của Hạ Du, tri ân và tưởng nhớ đến anh; dấu hiệu lạc quan về con đường của cách mạng ở phía trước. Đồng thời bày tỏ sự trân trọng, tiếc thương của Lỗ Tấn đối với người cách mạng tiên phong.

2.5. Tính dân tộc và sắc thái mới mẻ của truyện

- Sự cô đọng, súc tích truyền thống Trung Hoa.

- Sắc thái mới mẻ của truyện:

+ Không gian truyện dung dị, rất hiện thực: trầm lắng, tĩnh lặng, chất chứa nỗi niềm.

+ Thời gian có sự vận động: mùa thu sang mùa xuân → lạc quan của tác giả vào tiền đồ cách mạng.

+ Tên tác phẩm, một sự chú ý nghệ thuật, một sự lựa chọn thâm thuý của tác giả. Thuốc chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa.

+ Kết cấu tác phẩm: dung di, trầm lắng và sâu sắc.

+ Cốt truyện đơn giản: tìm thuốc, mua thuốc, uống thuốc.

3. Tổng kết

- Quan điểm sáng tác của Lỗ Tấn: ông đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại.

- Truyện có lối viết cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: chiếc bánh bao tẩm máu người, vòng hoa trắng, con đường mòn, ...

- Cách xây dựng nhân vật đặc biệt: Không đặt nhân vật cách mạng vào vị trí trung tâm mà đặt sau các nhân vật quần chúng, nhằm nhấn mạnh vào chủ đề tư tưởng: Thức tỉnh quần chúng.

- Cách kể truyện theo ngôi thứ ba nhưng nhiều đoạn lại chuyển điểm nhìn sang trần thuật nhân vật làm cho truyện sinh động hơn.

4. Luyện tập

Câu 1. Em hãy cho biết chủ đề của văn bản Thuốc của Lỗ Tấn.

Gợi ý làm bài:

- Ca ngợi ý chí và tinh thần cách mạng của người chiến sĩ Hạ Du và nói lên nỗi cô đơn của người làm cách mạng.

- Phê phán niềm tin ngu muội của quần chúng.

- Mỉa mai sự thối nát của bộ máy thống trị.

Câu 2. Viết một đoạn văn cảm nhận của anh/chị về một hình ảnh biểu tượng trong truyện (vòng hoa trên mộ Hạ Du, con đường mòn, chiếc bánh bao tẩm máu, con quạ...)

Gợi ý làm bài:

Như bức tranh thủy mặc đen trắng hai màu, không gian nghệ thuật trầm lặng, u ám, nặng nề, một đêm thu, sáng thu, một sáng thanh minh mùa xuân lạnh lẽo. Thời gian từ mùa thu trảm quyết  và chết bệnh đến mùa xuân thanh minh, hứa hẹn một vòng hoa trắng, hoa hồng. Những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt là vị thuốc kì quái: chiếc bánh bao tẩm máu người cách mạng.

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được Thuốc là hồi chuông cảnh báo sự mê muội đớn hèn của người Trung Hoa vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX và cấp thiết phải có một phương thuốc chữa bệnh cho quốc dân: làm cho người dân giác ngộ cách mạng và cách mạng gắn bó với người dân.

- Nắm được cách viết cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh mang tính biểu tượng của Lỗ Tấn trong tác phẩm này.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM