Thực hành về hàm ý Ngữ văn 12

Bài học Thực hành về hàm ý dưới đây đã được eLib biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, hi vọng rằng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Thực hành về hàm ý Ngữ văn 12

1. Lý thuyết 

- Hàm ý là những nội dung, ý nghĩ mà người nói không nói ra trực tiếp bằng từ ngữ, tuy nhiên vẫn có ý định truyền báo đến người nghe. Người nghe dựa vào nghĩa tường minh của câu và tình huống giao tiếp để suy ra mới hiểu đúng, hiểu hết ý của người nói..

- Ví dụ: Về đến nhà, A Phủ lẳng vai ném nửa con bò xuống gốc đào trước cửa. Pá Tra bước ra hỏi:

- Mất mấy con bò?

A Phủ trả lời tự nhiên:

- Tôi về lấy súng, thế nào cũng bắn được. Con hổ này to lắm.

Suy ra: Cách trả lời cố tình vi phạm phương châm về lượng của A Phủ, với hàm ý “lấy công chuộc tội”

2. Luyện tập

Câu 1. Trong đoạn hội thoại sau đây giữa nhà tư bản và anh đĩ Mùi, lời đầu tiên có dạng câu hỏi nhưng hàm ý gì ? Nhờ đâu ta biết được điều đó ?

Nhà tư bản : – Này bác, bác có thể gánh thuê cho tôi hai cái va-li này đến ga được không?

Anh đĩ Mùi : – Có nặng không thưa ông ?

Nhà tư bản :– Hơi nặng, nhưng gánh thì cũng cân.

Anh đĩ Mùi : – Được ông để nhà cháu gánh giúp.

(Nguyễn Công Hoan, Thẳng điên)

Gợi ý làm bài:

Trong hội thoại, nhiều khi người nói dùng hành động nói này nhưng để thực hiện hành động nói khác. Cách dùng gián tiếp như vậy cũng tạo ra hàm ý. Trong đoạn trích, nhà tư bản dùng câu hỏi đối với anh đĩ Mùi, nhưng hàm ý là nhờ anh ta gánh hộ hai cái va-li. Anh đĩ Mùi đã hiểu hàm ý đó và nhận lời giúp sau khi đã hỏi lại để xác định khả năng giúp của mình.

Câu 2. Trong đoạn hội thoại sau đây, bác Phô gái trình bày tình hình sức khoẻ của chồng với ông lí để nhằm mục đích gì ? Mục đích đó được bác nói ra một cách tường minh hay chỉ ở trạng thái hàm ỷ ? Ông lí có nhận ra hàm ỷ đó không ?

Bác Phô gái : – Thưa thầy, giá nhà con khoẻ khoắn, thì nhà con chả dám kêu. Nhưng, thưa thầy, từ đây lên huyện, những chín cây lô mếch, sợ nhà con đi nắng thì cảm, rồi phải lại thì oan gia.

Ông lí : –  Đây không biết, mà đây cũng không nghe đâu. Vợ chồng thu xếp với nhau thế nào, đây mặc kệ !

(Nguyễn Công Hoan, Tinh thần thể dục)

Gợi ý làm bài:

Lời thuật lại tình trạng sức khoẻ người chồng của bác Phô gái không phải để thông báo cho ông lí biết điều đó, mà nhằm mục đích van xin ông lí tha cho bác Phô trai không phải lên huyện để xem đá bóng. Bác Phô gái không dám nói trực tiếp điều đó với ông lí, mà chọn cách nói gián tiếp. Van xin bằng hình thức kể lể cũng là cách nói có hàm ý.

Câu 3. Xác định và phân tích những câu có hàm ý trong đoạn văn sau :

–  […] Thế còn anh, anh nghĩ gì về người dân bảo hộ của chúng ta nào ?

– Ích cho chúng ta lắm đấy. Cái lò ở Găng-be đã bán rồi. Cái rương của Hê-ra Miếc-ten cũng đã thanh toán rồi. Vụ án người bị chặt ra từng khúc thì không thu hút được công chúng lắm vì không thuộc giới thượng lưu. Và thế là cái kho giải trí của chúng ta sắp cạn ráo như B.Đ.D. vậy. Nhật báo chẳng còn cái gì để bôi bác lên giấy cá. Đúng lúc đó thì…

– Đổi xe ở đây chứ, anh yêu ơi ?

– Không, ga sau. Đúng lúc đó thì có một anh vua đến với chúng ta.

(Nguyễn Ái Quốc, “Vi hành”)

Gợi ý làm bài:

Cô gái hỏi về ý nghĩ của chàng trai đối với người dân bảo hộ (người An Nam – vua Khải Định), nhưng trong lời đáp, chàng trai lại nói đến những chuyện xa lạ, không liên quan gì (theo nghĩa tường minh) đến câu hỏi (cố ý vi phạm nguyên tắc quan hệ) : cái lò, cái rương, vụ án người bị chặt ra từng khúc,… Tuy nhiên, xét theo hàm ý thì tất cả những chi tiết đó đều có mối liên hệ với nhau. Chàng trai muốn nói rằng : người dân bảo hộ (vua Khải Định lúc đó sang thăm nước Pháp), cũng như cái lò, cái rương, vụ án,… chẳng qua chỉ là những câu chuyện mà báo chí mua vui cho độc giả Pháp lúc đó. Hàm ý này đã được chàng trai phần nào tường minh hoá ở lượt lời sau đó (Đúng lúc đó – lúc cái kho giải trí sắp cạn kiệt – thì có một anh vua đến với chúng ta).

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Củng cố nâng cao kiến thức cơ bản về hàm ý,  cách tạo hàm ý, tác dụng của hàm ý trong giao tiếp ngôn ngữ.

- Có kỹ năng lĩnh hội được hàm ý,  kỹ năng nói và viết  câu có hàm ý trong những ngữ cảnh cần thiết.

- Biết dùng câu có hàm ý khi cần thiết.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM