Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học Ngữ văn 12

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được cách làm một bài văn nghị luận văn hoặc, đồng thời rèn luyện kĩ năng viết văn hay cho các em. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học Ngữ văn 12

1. Đề số 1

Đề: Trong truyện Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi có nêu lên quan niệm: Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc...

Bài tham khảo:

Nguyễn Thi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ. Dù là người con miền Bắc nhưng ông đã sống gần gũi và gắn bó với con người miền Nam. Do đó, những sáng tác của ông đều phản ánh khá chân thật và sinh động cuộc sống và tính cách của con người miền Nam - những con người hồn hậu, chân chất trong cuộc sống đời thường nhưng có lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc, luôn giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho đất nước. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nói về vẻ đẹp của con người miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ là truyện ngắn Những đứa con trong gia đình. Trong truyện ngắn ông đã nêu lên quan niệm: Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại đổ về một biển, mà biển thì rộng lắm. [...] rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta''.

Câu chuyện được kể lại qua dòng hồi ức chập chờn đứt nối của nhân vật chính-Việt, trong cuộc chiến ác liệt tại một cánh rừng cao su, anh bị thương nặng và lạc cả đồng đội, rất chân thật xúc động, anh ngất lịm đi rồi lại tỉnh được sống với gia những kỉ niệm đáng nhớ khoảng thời gian còn bên gia đình (ông nội, ba má, chú Năm, chị Chiến…) cùng những niềm vui thời thơ ấu khiến anh quên đi cái đau, dường như tiếp thêm sức mạnh cho anh vượt qua cái chết. Câu chuyện gia đình của Việt cũng dài như một dòng sông, là một gia đình cách mạng điển hình hiếm gặp nơi miền Nam trong những ngày kháng chiến oanh liệt của dân tộc nói chung và chống Mỹ -Ngụy nói riêng. Mỗi thế hệ trong gia đình ấy như là một khúc sông nhỏ góp vào dòng sông truyền thống ấy làm nó như dài vô tận. Ở họ không chỉ là sự tiếp nối huyết thống đơn thuần mà như được ngấm máu cách mạng để tiếp nối truyền thống và“dường như họ sinh ra để đánh giặc”.Chiến tranh dữ dội và tàn khốc quá, bao nhiêu những con người ưu tú đã hy sinh, ngã xuống để bảo vệ cho nền hòa bình của dân tộc, gia đình Việt cũng không ngoại lệ.

Những lớp người đi trước là khúc sông trước của dòng sông truyền thống đó là ông bà, ba má và chú Năm của Việt. Họ đã tạo dựng con sông truyền thống để rồi Chiến và Việt tiếp nối và đi xa hơn nữa. Ông nội của Việt bị chánh tổng bắn chết, bà nội Việt bị lính huyện đánh đập, ba Việt đi bộ đội tầm vông thì bị chúng chặt đầu, còn má Việt - má Việt cũng là hình ảnh khúc sông truyền thống gia đình. Đây là hình ảnh một người mẹ không hề yếu đuối mà thật chắc khỏe về thể xác lẫn tinh thần. Hình như người mẹ ấy sinh ra để chống chọi với bao sóng gió của cuộc đời và trong chiến đấu. Nguyễn Thi đã miêu tả những nét tính cách ấy của người mẹ khá cụ thể: “Má bơi xuồng thiệt khỏe, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách mướt để lộ cái gáy đo đỏ và đôi vai lực lưỡng. Chiều về, xuồng còn giữa sông, má đã gọi: “Việt à, ra phụ má nghe con!”, xuồng cập bến, mặt má vẫn đỏ rực, cái nón rách đã ngả ra làm quạt, lưng áo bà ba đẫm mồ hôi đã đen lụi không còn thấy bạc nữa”.Ở má Việt, tình yêu chồng, lòng thương con, sự căm thù, lòng dũng cảm, ý thức đấu tranh như hòa quyện vào nhau. Điều đó đã thể hiện khá đầy đủ trong lời má Việt nói với Việt: “Tao dạn là nhờ ba mày. Ba mày bị Tây nó chặt đầu, tao cứ đi theo thằng xách đầu mà đòi. Đi từ ấp trong tới ấp ngoài, nó qua sông tao cũng qua sông, nó về quận tao cũng tới. Một tay tao bồng em mày, một tay tao cắp rổ. Chị hai mày đang nấu cơm, cũng mang cẻ đũa bếp chạy theo, tóc tai xuống mặt, chỉ ló có một con mắt ra nước mắt chảy ròng ròng. Mày với con Chiến thì chạy theo chị hai mày mà la: "Trả đầu ba! Trả đầu ba!". Tao muốn là cho chị em bây ở nhà. Đi mình tao, tao chửi nó, nó có bắn thì cũng còn chị em bây trả thù cho ba mày. Mỗi lần nó bắn đùng đùng trên đầu, chị em bây lại níu chân tao. Lòng dạ tao đâu còn rảnh để mà sợ, mà khóc, chỉ thương con thôi”. Mất chồng, má xót xa lặng lẽ khóc trong đêm, nhớ lại những kỉ niệm với chồng từ lúc hai người mới quen nhau tới khi chồng chết. Rồi người mẹ ấy cũng trông cho con mau lớn để làm một cái gì đó vui lòng chồng và “dường như cả cuộc đời vất vả của má, mọi ý nghĩ đã trải qua một cách không hề sợ hãi đó, tất cả đều được gom lại và dồn vào trong ý nghĩ cuối cùng này”. Đau đớn xót xa nhưng người mẹ ấy không hề bi lụy, biến đau thương, căm thù thành ý thức đấu tranh và đã chết trong đấu tranh. Ở nhân vật này, nhà văn Nguyễn Thi đã khắc họa nổi bật hình tượng người phụ nữ miền Nam với đầy đủ những phẩm chất đạo đức tốt và anh hùng. Đó là tượng đài bất tử của người mẹ Việt Nam. Chính những đau thương mất mát ấy lại thể hiện tấm lòng yêu nước của gia đình Việt to lớn đến nhường nào. Ở họ, luôn sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc quên mình cho độc lập dân tộc.

Chú Năm của Việt là một nhân vật còn sống, là người mà Việt cà chị Chiến nương tựa vào, là người nông dân Nam Bộ hiền lành, từng làm cày thuê cuốc mướn gặp không ít đắng cay dồi dào kinh nghiệm sống. Đau thương hằn sâu từ cuộc đời gian khổ và với tư cách chứng nhân của tội ác của thằng Tây, thằng Mỹ và bọn tay sai phải chăng đã làm nên nét đa cảm trong gương mặt với đôi mắt lúc nào cũng mở to, mọng nước.Chất Nam bộ rặt trong con người ông thể hiện qua việc hay kể sự tích cho con cháu, và kết thúc câu chuyện thể nào cũng hò lên mấy câu. Chú Năm là một thứ gia phả sống luôn hướng về truyền thống, sống với truyền thống, đại diện cho truyền thống và lưu giữ truyền thống. Là người “Văn hay chữ tốt” được giao trọng trách gìn giữ cuốn sổ gia đình. Cuốn sổ ấy ghi lại chi tiết đầy đủ những thời khắc linh thiêng lập công của mỗi người trong gia đình, và nơi ghi những chứng cứ tội ác của kẻ thù đã gây ra vô vàn đau khổ cho đại gia đình, cùng quê hương.

Đến thế hệ anh hùng trẻ Chiến và Việt, mỗi người có một tính cách riêng,bởi sự khác nhau về tính cách con gái và con trai, một người là chị, một người là em. Nhưng ở họ vẫn tựu chung là những người con(cháu) vô cùng hiếu thảo, sống rất tình cảm, vì gia đình, nước nhà chịu nhiều đau thương quá lớn, sớm nuôi lòng căm thù giặc sâu sắc, mong muốn được cầm súng vùng lên trả thù. Hình ảnh má luôn hiện thân trong Chiến. Chú Năm cũng bảo Chiến giống y chang như má. Chiến có tính kiên nhẫn, cần mẫn chăm chỉ đã làm việc gì thì phải xong việc đó. Chiến đảm đang tháo vát. Trước ngày lên đường nhập ngũ, Chiến thu xếp mọi công việc trong nhà đâu vào đấy, viết thư cho chị Hai, gửi thằng út cho chú Năm nuôi, gửi mọi vật dụng của gia đình cho chú Năm giữ, cho xã mượn căn nhà làm lớp học, nhờ chi bộ giao ruộng cho bà con cấy, dành vườn mía để làm giỗ cho ba má. Những việc làm ấy của Chiến khiến cho chú Năm phải khâm phục: “Khôn! Việc nhà nó thu xếp được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế đặng bề nước non. Con nít chúng bay đánh giặc khôn hơn chú hồi trước”. Cũng có lúc Chiến rất trẻ con, như việc tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu Mỹ với Việt. Nhưng về cơ bản, Chiến vẫn nhớ mình là chị nên “bao giờ cũng nhường nhịn Việt. Sau này vết đạn bắn thằng giặc trên sông Định Thủy chị cũng nhường”. Chỉ mỗi việc ghi tên tòng quân là Chiến không nhường, vì đó là niềm khao khát được đi trả thù cho ba má. Chiến còn là một cô gái thích làm duyên, ngay cả khi ra trận, trong túi Chiến bao giờ cũng có một chiếc gương soi. Có thể thấy Chiến là một người con gái độ lượng, vị tha, nhẫn nại, đảm đang, tháo vát, tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Chiến là hình ảnh kế thừa của người mẹ, lại tiếp khúc sông truyền thống của gia đình, không làm phụ lòng mẹ. Chiến đã tiến xa hơn một bước so với mẹ. Chiến được cầm súng đi đánh giặc, cái điều mà mẹ Chiến chưa có được.

Khác với Chiến khôn ngoan, già dặn trước tuổi, Việt là cậu con trai mới lớn lên do đó tính ngây thơ, trẻ con khá rõ. Việt hiếu thắng không chịu nhường nhịn chị. Mặt khác, Việt rất hiếu động theo bản tính con trai, thích bắt ếch, câu cá, bắn chim, “đi bộ cầm súng tự động…cái ná thun vẫn nằm gọn trong túi áo”. Việt vô tư, phó mặc cho chị mọi lo toan, thu xếp về việc nhà cửa. Chị bàn bạc chuyện gia đình, Việt chỉ ừ ào cho qua, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm trong lòng bàn tay rồi ngủ quên lúc nào không biết”. Ở chiến trường Việt vấn nghĩ về chị theo kiểu một đứa em đã quen dựa dẫm chị: “Phải có chị Chiến ở đây, chị sẽ bắt thế cho Việt”. Ngay cả tình thương của Việt với chị cũng theo kiểu trẻ con cho nên ở đơn vị không bao giờ Việt khai thật về chị với người khác. “Việt giấu chị như giấu của riêng vậy. Cậu ta sợ mất chị mà!”.Lúc nào Việt cũng cảm thấy mình trẻ con trước anh Tánh và anh Công: Đi chiến đấu không sợ chết, không sợ giặc, chỉ sợ ma: sau lúc bị ngất tỉnh dậy “rất thèm vào bếp lục cơm nguội” theo thói quen như còn ở nhà, gặp được đồng đội đi tìm thì Việt có vẻ “giống hệt thằng Út em…khóc đó rồi cười đó”.Lòng căm thù giặc đã dậy lên trong lòng Việt. Càng lớn lên ý thức và hành động của Việt càng chín chắn hơn. Việt đã cùng chị đánh địch trên sông Định Thủy, rồi lại cùng chị tranh nhau xin đi bộ đội. Ý thức đấu tranh quyết liệt đã thể hiện ở Việt ngay trong câu chuyện giữa hai chị em trong cái đêm mà cả hai đều được đi bộ đội. Khi Chiến nói với Việt: “Chú Năm nói mày với tao kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”, thì Việt trả lời ngay với chị: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chừng nào tôi mới bị". Câu nói ấy của Việt đã thể hiện một thái độ khá dứt khoát, một ý chí quyết ra đi trả thù cho ba má Việt. Và ngay sao khi vào bộ đội, tân binh Việt đã lập chiến công trong một trận đánh quyết liệt với quân thù. Việt đã diệt được một xe đầy Mĩ và bắn nhào một xe tăng. Việt bị thương ở hai mắt, không còn thấy được gì cả. Việt cảm thấy chân tay tê dại, khắp người nước hay máu không biết. Chỗ ướt, chỗ sũng, chỗ dẻo quẹo, chỗ đã khô cứng", “người Việt khô khốc", “chỗ nào đụng tới, ruồi cũng bay lên như vãi trấu... ”, thế mà Việt vẫn quyết bò đi tìm đồng đội “Việt cho mũi lê đi trước, rồi tới hai cái tay, hai cái chân nhức nhối cho nó đi cùng. Cái nào không chịu đi thì bắt nó phải đi". Trong cơn mê Việt nhớ lại những gì đã xảy ra trong gia đình mình. Việt nhớ má, nhớ chú Năm, nhớ chị Chiến... tỉnh ra, Việt càng cảm thấy căm thù, càng có ý thức quyết tâm chiến đấu. Nghe tiếng máy bay và tiếng xe bọc thép của địch rú lên, Việt không hề run sợ và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: “Được, tao cứ nằm đây! Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này có còn mình tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ các anh sẽ tới đâm mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”. Như vậy, là Việt đã đi xa hơn khúc sông truyền thống gia đình. Việt chủ động đi tìm giặc mà đánh. Việt chính là 1 hình tượng nhân vật điển hình cho tầng lớp thanh niên thời đánh Mỹ tham gia vào cuộc kháng chiến với tất cả nhiệt huyết và niềm hăng say của tuổi trẻ, làm nên khúc sông truyền thống dào dạt hơn, rộng lớn hơn trước khi đổ về biển cả.

2. Đề số 2

Đề: Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình qua bài Người lái đò Sông Đà và Ai đặt tên cho dòng sông?

Bài tham khảo:

Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

(Nguyễn Đình Thi)

Đất nước, con người Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận để các nhà thơ, nhà văn- những người nghệ sĩ chân chính thỏa sức thể hiện niềm yêu, nỗi nhớ, lòng tự hào của mình. Nếu bạn đã từng say đắm trước khúc ca “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, ham thích thiên nhiên nơi núi rừng Tây Bắc trong “Vợ chồng A Phủ” thì đừng bỏ qua vẻ đẹp đa dạng của thiên nhiên Việt Nam, của dòng sông Việt Nam qua ngòi bút của Nguyễn Tuân với tùy bút “Người lái đò Sông Đà” và Hoàng Phủ Ngọc Tường với “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của hai dòng sông trong “Người lái đò Sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” cũng chính là vẻ đẹp của dòng sông Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Tuân là tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là người trí thức yêu nước, giàu tinh thần dân tộc và rất mực tài hoa, uyên bác. Sáng tác văn chương của Nguyễn Tuân luôn có sự chuyển mình rất tích cực theo biến chuyển của thời đại. Nếu trước Cách mạng, ngòi bút của ông hướng đến ba đề tài lớn là “thiếu quê hương”, “chủ nghĩa xê dịch”, đời sống trụy lạc thì sau Cách mạng, tác phẩm của Nguyễn Tuân trở nên phong phú hơn với đề tài về ngợi ca thiên nhiên, con người, đất nước Việt Nam.

Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” được trích từ tập “Sông Đà”- tác phẩm kí thành công bậc nhất của nhà văn Nguyễn Tuân và cũng gắn với nhiều kỉ niệm của ông. Đó là thành quả chuyến đi thực tế của nhà văn vào những năm 1959,1960. Ông lên Tây Bắc để khám phá thiên nhiên, con người nơi đây, tìm kiếm thứ vàng mười đã qua thử lửa. Và ấn tượng sâu đậm mà bút ký Sông Đà cùng tùy bút Sông Đà để lại trong lòng bạn đọc là một dòng sông hung bạo nhưng cũng rất đỗi trữ tình dưới đôi tay chèo điệu nghệ.

Còn tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chuyên về bút kí. Ông có lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm,tài hoa, kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa tư duy đa chiều với nghị luận sắc bén, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mang đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm đặc sắc. Các tác phẩm bút kí chính của ông phải kể đến: “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, “Rất nhiều ánh lửa” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một trong số những tập bút ký xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bút ký ban đầu vốn có nhan đề “Hương ơi e phải mày chăng?” được tác giả hoàn thành ngày 4/1/1981 khi nhà văn sống bên bờ sông Hương, trong thành phố Huế hơn bốn mươi năm. Tình yêu sông Hương, xứ Huế thơ mộng đã vun đắp trong ông tình cảm để viết những trang kí đẹp về sông Hương, xứ Huế.

Sau những trang viết về một Sông Đà hung bạo, nhà văn Nguyễn Tuân mở ra trước mắt ta hình ảnh con sông trữ tình, thơ mộng như một sinh thể sống với sự thơ mộng, trữ tình qua dáng vẻ và qua tâm hồn. Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của Sông Đà mang theo màu sắc huyền ảo, ẩn chứa những gì thơ mộng, tinh túy nhất của nơi thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hoang dại.

Dáng vẻ của Sông Đà là vẻ đẹp bên ngoài của dòng sông mà bạn đọc dễ dàng bắt gặp khi đến với Sông Đà, khi tìm về mảnh đất Tây Bắc. Dòng sông được so sánh với người thiếu nữ mang vẻ đẹp kiều diễm “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Cách so sánh của Nguyễn Tuân rất độc đáo, duyên dáng khi nhìn dòng sông như một mái tóc mềm mại sinh thể sống sống động đến từng chi tiết. Từ “áng” làm câu văn tăng thêm tính thẩm mĩ bởi nó là thường được dùng trong cụm “áng văn, áng thơ”. Ví von dòng sông như “áng tóc trữ tình” quả là cảm nhận tinh tế của nhà văn khiến ai cũng phải yêu phải quý. Nguyễn Tuân còn không quên khẳng định vẻ đẹp của Sông Đà cũng mang đậm hơi thở của cái đẹp nơi thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc với những hoa ban, hoa gạo, mù khói núi Mèo. Trong cả một câu văn, nhà văn chỉ dùng hai dấu ngắt câu, có lẽ là bởi dòng cảm xúc trong Nguyễn Tuân đã dâng trào mãnh liệt khi bắt gặp khung cảnh tuyệt đẹp đó. Một sự biến chuyển đầy tinh tế từ những dữ dội, hiểm nguy đến vẻ dịu dàng, e ấp của người thiếu nữ Tây Bắc - dòng Sông Đà. Tất cả đều trở nên hợp lý, tinh tế dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn.

Khám phá nét đẹp trữ tình, thơ mộng của dòng sông vốn hung bạo. Tưởng chừng đó là một thách thức, nhưng thách thức ấy cũng trở nên êm đẹp dưới tài hoa của người nghệ sĩ chân chính. Ông phát hiện được những vẻ đẹp đa dạng của Sông Đà và với bản thân tác giả, những gì thuộc về Sông Đà đều khoác trên mình cái đẹp trữ tình, thơ mộng. Đó là những lời văn khẳng định về nét riêng của nước Sông Đà. Đặt Sông Đà trên bình diện so sánh với nhiều dòng sông khác trên đất nước ta. Điều mà tác giả muốn khẳng định đâu phải sự “trên cơ”. Nguyễn Tuân rất nhẹ nhàng để bạn đọc nhìn được nét riêng của dòng sông. Nước Sông Đà không đục ngầu, mỗi mùa lại có những vẻ đẹp rất riêng cho sắc nước Sông Đà: mùa xuân dòng sông xanh ngọc bích, mùa thu thì lừ lừ chín đỏ…Tác giả so sánh ví von rất triệt để và minh oan cho dòng sông. Sông Đà chưa bao giờ đen, xấu xí như thực dân Pháp từng vu oan. Dường như khám phá của nhà văn không chỉ dừng lại ở hình ảnh nước sông. Ông còn hướng ánh nhìn và ngòi bút của mình để phát hiện đến tận cùng của cái đẹp để khám phá ra vẻ đẹp rất đỗi nên thơ của con sông: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Nhà văn Nguyễn Tuân đã dùng rất nhiều so sánh trong bài viết của mình. Ông tinh tế khi nhìn ngắm cái tĩnh lặng của khung cảnh Sông Đà. Ông khơi gợi trong bạn đọc bao hoài niệm dù chưa một lần đặt chân đến Tây Bắc. Nó quen thuộc vì ta đã bắt gặp nó đâu đó trong những câu chuyện cổ tích. Bên bờ sông còn thơ mộng bởi hình ảnh con nai ngơ ngác nghe tiếng còi.Trong cái lặng tờ, yên ả của cảnh vật, tiếng còi xé tan không gian yên tĩnh và làm con người, cảnh vật thức tỉnh với sức sống tươi mới.

Và có lẽ người ta càng thêm yêu bởi Sông Đà đã trở thành ký ức sâu đậm. Sông Đà được ví như một người cố nhân. Người cố nhân- người bạn cũ đã từng chứng kiến những vui buồn trong đời ta. Giống như bao người bạn khác, Sông Đà đã trở thành người bạn yêu thương của hiện tại, cố nhân của người đi xa để dù đi đâu ai cũng thương, cũng nhớ.

Ngòi bút ngông tài hoa của Nguyễn Tuân đã cho bạn đọc một góc nhìn mới lạ hơn về Sông Đà. Những thủ pháp so sánh, liệt kê đã trở thành trợ thủ đắc lực để ngòi bút Nguyễn Tuân tung hoành và thỏa sức sáng tạo. Sông Đà trữ tình, thơ mộng cũng chính là vẻ đẹp biểu trưng cho thiên nhiên Tây Bắc và là lời mời gọi thiết tha mọi người một lần đến ngắm nhìn dòng sông đẹp nên thơ. Nguyễn Tuân gửi vào từng câu chữ của mình là tâm tư, tình cảm trân trọng cho cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên, đất nước Việt Nam.

3. Đề số 3

Đề: Phân tích một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh chị yêu thích

Bài tham khảo:

Kim Lân là nhà văn hiện đại Việt Nam. Ông có một vốn sống vô cùng sâu sắc về nông thôn Việt Nam. Những thú chơi dân dã mang cốt cách "phong lưu đồng ruộng" như thả diều, chọi gà, nuôi chó săn, thả chim bồ câu, chơi núi non bộ, gánh hát chèo, trẩy hội mùa xuân, v.v... được ông viết rất hay và cho ta nhiều thú vị. Ông là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc mang hương đồng gió nội qua 2 tác phẩm: Con chó xấu xí và Nên vợ nên chồng.

Viết về đề tài nông dân và kháng chiến, truyện Làng của Kim Lân thành công hơn cả. Nhân vật chính của truyện là ông Hai đã để lại trong lòng em nhiều ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ.

Ông Hai là một lão nông, cần cù chất phác, giàu lòng yêu quê hương đất nước. Ông gắn bó với cách mạng, quyết tâm đi theo kháng chiến, trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Hồ Chí Minh.

Cũng như hàng triệu người nông dân khác, ông Hai là một con người cần cù chất phác rất đáng yêu. Ông hay lam hay làm "ở quê ông làm suốt ngày, không mấy lúc chịu ngơi chân ngơi tay". Đi cày, đi cuốc, gánh phân, tát nước, đan rổ, đan rá,... ông đều làm khéo, làm giỏi.

Ông Hai đã sống qua hai chế độ, trước kia ông mù chữ, sau nhờ cách mạng mà ông được học "bình dân học vụ", biết đánh vần. Kim Lân đã kể rất hay về tình yêu làng của ông Hai. "Làng ta phong cảnh hữu tình"... không yêu làng sao được? Cái làng Chợ Dầu vốn là nơi chôn nhau cắt rốn của ông, "nhà ngói san sát, sầm uất như tính", "đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió… bùn không dính đến gót chân"...

Trước kia, ông Hai rất lấy làm tự hào về cái sinh phần quan tổng đốc làng ông. Đi đâu ông cũng khoe, gặp ai ông cũng khoe "cái dinh cơ cụ thượng làng tôi có lắm lắm là của. Vườn hoa cây cảnh non như động ấy...". Ông yêu làng Chợ Dầu với tất cả sự hồn nhiên, ngây thơ của người ít học. Ông đã mang thương tật trên mình khi bị bắt làm phu xây cái lăng ấy! Đáng lẽ ông không nên khoe, không nên "hả hê cả lòng”. Nỗi đau, nỗi nhục của một đời người nói làm gì nữa cho thêm phần nhục nhã? Nhắc lại chuyện xưa, cũ ấy của ông Hai, Kim Lân đã viết với một giọng văn châm biếm nhẹ nhàng. Từ ngày cách mạng thành công, ông Hai vẫn yêu làng, yêu với tất cả tình cảm trong sáng, chân thành. Ông đã có nhiều thay đổi về mặt nhận thức. Ông không bao giờ còn "đả động" đến "cái sinh phần" ấy nữa, ông biết "thù nó" đến tận tim gan. Ông yêu cái làng Chợ Dầu kháng chiến với tất cả niềm kiêu hãnh cao cả! Cái làng Chợ Dầu của ông “mà cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”. Ông khoe làng mình "những ngày khởi nghĩa rầm rập", các cụ phụ lão râu tóc bạc phơ vác gậy đi tập quân sự, "nhất là những hố, những ụ, những giao thông hào của làng ông thì lắm công trình không để đâu hết!". Có thể nói, từ ngày đi tản cư, phải xa làng thân yêu, bao nỗi buồn vui của quá khứ và hiện tại chứa chất trong lòng ông bao tâm sự. Dưới ngòi bút của Kim Lân, ông Hai, một người nông dân yêu làng, yêu nước, hiền lành, chất phác... hiện lên một cách chân thực, ta thấy gần gũi, bình dị và đáng yêu lắm. Tình yêu làng, tình yêu quê hương là một trong những tình cảm sâu sắc nhất của người dân cày Việt Nam.

Quyết tâm kháng chiến, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch cũng là một nét rất đẹp trong tư tưởng, tình cảm của ông Hai. Kháng chiến thì khắp nơi “Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ”. Vợ con đi tản cư, nhưng ông Hai vẫn ở lại cùng với đội du kích "đi đào đường, đắp ụ" để bảo vệ cái làng Chợ Dầu thân yêu. Khi hoàn cảnh gia đình neo bấn, vợ con thúc hách, cực chẳng đã phải xa quê hương, ông tự an ủi mình: "Thôi thì chẳng ở lại làng cùng anh em được thì tản cư âu cũng là kháng chiến!".

Xa làng rồi nhớ làng, tính nết ông Hai có phần thay đổi. Ông ít nói ít cười, lầm lầm lì lì, thậm chí cáu gắt, chửi bới vợ con. Ông vô cùng đau khổ: "Chúng mày làm khổ ông! Chúng mày làm khổ ông vừa vừa chứ! Ông thì giết hết, ông thì giết hết!". Chúng ta cảm thông với "tâm sự" u uẩn của ông, thương ông lắm!

Trong lúc ông Hai đang hồ hởi với những chiến tích kháng chiến, những gương dũng cảm anh hùng của quân và dân ta thì ông như bị sét đánh về cái án "dữ" cả làng Chợ Dầu "Việt gian theo Tây",.., "vác cờ thần ra hoan hô" lũ giặc cướp! Ông tủi nhục cúi gằm mặt mà đi, nằm vật ra giường như bị ốm nặng, nước mắt cứ tràn ra, có lúc ông chửi thề một cách chua chát! Ông sống trong bi kịch triền miên. Vợ con vừa buồn vừa sợ. "Gian nhà lặng đi, hiu hắt". Ông sợ mụ chủ nhà... có lúc ông nghĩ quẩn "hay ta quay về làng"... nhưng rồi ông lại kiên quyết: "Lùng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!!'. Kim Lân rất sâu sắc và tinh tế miêu tả những biến thái vui, buồn, lo, sợ... của người nông dân về cái làng quê của mình. Họ đã yêu làng trong tình yêu nước, đạt tình yêu nước lên trên tình yêu làng. Đó là một bài học vô cùng quý giá và sâu sắc của ông Hai đem đến cho mỗi chúng ta!

Cuộc đối thoại giữa hai bố con ông Hai là một tình tiết cảm động và thú vị:

... - "À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?"

- "Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!"

Nghe con ngây thơ nói mà nước mắt ông chảy ròng ròng trên hai má... Lòng trung thành của cha con ông, của hàng triệu nông dân Việt Nam đối với lãnh tụ là vô cùng sâu sắc, kiên định, vẻ đẹp tâm hồn ấy của họ rất đáng tự hào, ca ngợi.

Vì thế, khi cái tin thất thiệt "cả cái làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây” được cải chính thì ông Hai là người sung sướng nhất. Ông "tươi vui, rạng rỡ hẳn lên", "mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ...". Ông mua quà cho con. Ông chạy sang nhà bác Thứ để "khoe" cái tin làng Chợ Dầu đánh giặc, nhà ông bị Tây đốt. Tự hào lắm chứ! Người đọc như được san sẻ niềm vui sướng cùng ông.

Gấp trang sách lại, chúng ta bồi hồi xúc động về tình yêu làng của ông Hai, về nghệ thuật kể chuyện tạo tình huống hấp dẫn, hồi hộp của nhà văn Kim Lân. Những phẩm chất tốt đẹp của ông Hai như cần cù lao động, chất phác, yêu quê hương đất nước... tiêu biểu cho bản chất cao quý, trong sáng của người dân cày Việt Nam. Chính họ đã đổ mồ hôi làm nên những bát cơm đầy dẻo thơm nuôi sống mọi người. Chính họ đã đem xương máu, đánh giặc "giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín"... (Thép Mới).

"Quê hương là chùm khế ngọt..." là niềm vui, nỗi buồn, là ước mơ đẹp của mỗi chúng ta. Quê hương đang đổi mới "ngói hóa", no ấm, giàu có trong thanh bình.

Bài học sâu sắc nhất đối với em khi đọc truyện ngắn này của Kim Lân là tình yêu quê hương đất nước, từ lòng tự hào và biết ơn người dân cày Việt Nam.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM