Nghị luận về một tác phẩm một đoạn trích văn xuôi Ngữ văn 12

Bài học Nghị luận về một tác phẩm một đoạn trích văn xuôi dưới đây nhằm giúp các em biết cách làm một bài văn nghị luận về đoạn trích văn xuôi. Đồng thời rèn luyện kĩ năng viết một bài văn nghị luận hay. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Nghị luận về một tác phẩm một đoạn trích văn xuôi Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu đề, lập dàn ý

Đề 1: Phân tích truyện ngắn "Tinh thần thể dục" của  Nguyễn Công Hoan.

a. Tìm hiểu đề

- Nội dung: toàn bộ nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn.

- Thể loại: Phân tích là chính, có kết hợp với giải thích, chứng minh, bình luận...

- Tư liệu dẫn chứng: truyện ngắn Tinh thần thể dục.

b. Lập dàn ý

Mở bài

Giới thiệu truyện ngắn với những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

Thân bài

- Đặc sắc của kết cấu truyện.

- Mâu thuẫn và tính chất trào phúng của truyện: mâu thuẫn giữa tinh thần thể dục và cuộc sống khốn khổ, đói rách của nội dung.

- Ngôn ngữ truyện:

+ Ngôn ngữ người kể chuyện: rất ít lời...

+ Ngôn ngữ các nhân vật: tự nhiên, sinh động, thể hiện đúng thân phận và trình độ của họ (dẫn chứng:...)

- Giá trị hiện thực và ý nghĩa phê phán:

+ Nội dung truyện bắt nguồn từ hiện thực xã hội ⇒ Giá trị hiện thực sâu sắc

+ Châm biếm, phê phán bằng bút pháp trào phúng.

Kết bài

Đóng góp của tác phẩm đối với Văn học hiện thực phê phán, đối với nền văn học.

Đề 2: Hãy tìm hiểu về sự khác nhau về từ ngữ về giọng văn giữa hai văn bản Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số đỏ Vũ Trọng Phụng) giải thích vì sao có sự khác nhau đó.

a. Tìm hiểu đề

- Nội dung: sự khác nhau về từ ngữ và giọng văn của hai tác phẩm Chữ người tử tù và Hạnh phúc của một tang gia.

- Thể loại: Phân tích, giải thích.

- Tư liệu dẫn  chứng: hai tác phẩm.

b. Dàn ý:

Mở bài

Văn học cần sự phong phú và đa dạng để tái hiện muôn mặt khác nhau của đời sống. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ và giọng văn cũng góp phần tạo nên sự đa dạng phong phú đó.

Thân bài

- Khác nhau về từ ngữ:

+ Nguyễn Tuân: sử dụng nhiều từ Hán Việt, từ cổ để dựng lại một vẻ đẹp xưa, một con người tài hoa, khí phách, thiên lương. (dẫn chứng)

+ Vũ Trọng Phụng: ngôn ngữ trào phúng: nhiều từ khẩu ngữ, nhiều cách chơi chữ...(dẫn chứng)

- Khác nhau về giọng văn:

+ “Chữ người tử tù”:giọng văn cổ kín, trang trọng.

+ “Hạnh phúc của một tang gia”: giọng mỉa mai.

- Giải thích: Việc dùng từ, chọn giọng văn phải phù hợp với chủ đề của truyện và thể hiện đúng tư tưởng, tình cảm của tác giả.

Kết bài

Đánh giá chung

2.  Đối tượng, nội dung của bài nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi

- Đối tượng của văn nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi đó là nội dung hoặc là nghệ thuật.

- Nội dung của bài nghị luận, về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi:

+ Giới thiệu tác phẩm hoặc đoạn trích.

+ Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật theo định hướng của đề hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của tác phẩm, đoạn trích.

+ Nêu đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.

3. Luyện tập

Câu 1. Phân tích đề, lập dàn ý chi tiết về một truyện ngắn gợi cho anh (chị) những ấn tượng, cảm nghĩ sâu sắc.

Gợi ý làm bài:

Các em cần lưu ý:

- Lựa chọn một truyện ngắn trong chương trình đã học hoặc ngoài chương trình mà anh (chị) đã đọc và thực sự yêu thích.

- Trình bày ngắn gọn một số nét chính về tác giả, xuất xứ tác phẩm, đặc điểm nghệ thuật, nội dung của truyện ngắn.

- Lựa chọn một vấn đề nổi bật, gây ấn tượng nhất của tác phẩm : nghệ thuật xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn từ, tạo tình huống, sử dụng chi tiết độc đáo,... để tập trung phân tích, bình luận.

Cần tránh viết lan man, dàn trải về mọi vấn đề của tác phẩm. Tránh tình trạng lựa chọn một vấn đề không xác đáng, không thực sự có giá trị.

Câu 2. Phân tích đề, lập dàn ý chi tiết về tình huống truyện trong Vợ nhặt (Kim Lân).

Gợi ý làm bài:

Các em cần lưu ý:

- Vấn đề chính của bài viết là tình huống truyện chứ không phải là toàn bộ đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn Vợ nhặt, cần làm nổi bật đề tài này ngay từ phần mở đầu, tránh viết lan man, rườm rà.

- Các luận điểm chính :

+ Tóm tắt ngắn gọn đặc điểm của tình huống truyện.

+ Phân tích vai trò của tình huống truyện đối với sự thể hiện số phận, tính cách nhân vật.

+ Phân tích vai trò của tình huống truyện đối với sự thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau đây:

- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi.

- Vận dụng các thao tác phân tích, bình luận, chứng minh, so sánh...để làm bài văn nghị luận văn học.

- Cần phân biệt được yêu cầu của các dạng đề cơ bản của kiểu bài nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM