Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

Bài học dưới đây giúp các em nắm vững những kiến thức cơ bản về khái niệm, cách lập dàn ý, triển khai một bài văn nghị luận. Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm một số bài luyện tập để làm học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện hơn nữa kĩ năng làm văn cho bản thân. Chúc các em học tập hiệu quả.

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

1. Nêu khái niệm

- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí: là quá trình kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng, đạo lí trong cuộc sống. 
- Tư tưởng, đạo lí trong cuộc đời bao gồm:

  • Lí tưởng (lẽ sống)
  • Cách sống
  • Hoạt động sống
  • Mối quan hệ trong cuộc đời giữa con người với con người (cha con, vợ chồng, anh em và những người thân thuộc khác). Ở ngoài xã hội có các quan hệ trên, dưới, đơn vị, tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bạn bè...​

2. Yêu cầu khi làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

  • Hiểu được vấn đề cần nghị luận là gì. 
  • Từ vấn đề đã xác định, người viết tiếp tục phân tích, chứng minh những biểu hiện cụ thể của vấn đề, thậm chí so sánh, bàn bạc, bác bỏ... nghĩa là biết áp dụng nhiều thao tác lập luận. 
  • Phải biết rút ra ý nghĩa vấn đề.

3. Cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

Bước 1: Trước khi tìm hiểu đề phải thực hiện ba thao tác:

  • Đọc kĩ đề bài.
  • Gạch chân các từ quan trọng.
  • Ngăn vế (nếu có).

Bước 2: Tìm hiểu đề:

  • Tìm hiểu về nội dung (đề có những ý nào).
  • Thao tác chính (thao tác làm văn). 
  • Phạm vi xác định dẫn chứng của đề bài.

Bước 3: Lập dàn ý:

- Mở bài: Giới thiệu được vấn đề tư tưởng, đạo lí cần nghị luận. 

- Thân bài:

  • ​​Kết hợp các thao tác lập luận để làm rõ các luận điểm và bàn bạc hoặc phê phán, bác bỏ.
  • Giải thích khái niệm của đề bài.
  • Giải thích và chứng minh vấn đề đặt ra.
  • Suy nghĩ (cách đặt vấn đề ấy có đúng hay sai). Mở rộng bàn bạc bằng cách đi sâu vào vấn đề nào đó - một khía cạnh.
  • Rút ra bài học nhận thức.

- Kết bài: Nêu ra phương hướng, một suy nghĩ mới trước tư tưởng, đạo lí đó.

4. Luyện tập

Câu 1: Phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa của câu nói: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). 

Gợi ý làm bài

Mở bài

  • Có rất nhiều yếu tố giúp con người thành công trong cuộc sống. Người xưa thì khái quát thành “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Người nay lại khẳng định lí tưởng cao đẹp, phương pháp đúng đắn, hiểu biết sâu sắc, bản lĩnh sáng tạo... 
  • Song có lẽ, không ai phủ nhận vai trò của ý chí, nghị lực. Câu nói của Nguyễn Bá Học “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” góp thêm một tiếng nói đáng tin cậy về vai trò của ý chí, nghị lực. 

Thân bài

a. Giải thích ý kiến

- Giải thích từ, hình ảnh: 

  • “ngăn sông cách núi” là một hình ảnh vừa mang ý nghĩa cụ thể chỉ những không gian địa lí hiểm trở, vừa chứa ý nghĩa khái quát về những chướng ngại, thử thách, khó khăn khách quan. 
  • “lòng người ngại núi e sông”: diễn tả những chướng ngại, thử thách, khó khăn thuộc chủ quan -bản thân con người chưa thông suốt về tư tưởng, không có ý chí, quyết tâm, nhụt chí, nản lòng. 
  • “đường đi” : không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn là cách nói khái quát về công việc, sự nghiệp.
  • Nội dung câu nói: Câu nói muốn khẳng định và nhấn mạnh yếu tố tinh thần, tư tưởng của con người đối với công việc. Một khi tư tưởng thông suốt, tinh thần vững vàng thì sẽ có quyết tâm cao, có ý chí mạnh mẽ để vượt qua được khó khăn, thử thách.

b. Bàn luận ý kiến

Vai trò của ý chí, nghị lực:

  • Con đường đời luôn ẩn chứa nhiều chông gai thử thách. Bởi vậy, khi thực hiện một công việc, xây dựng một sự nghiệp, nếu bản thân con người chưa thông suốt về tư tưởng, không có ý chí, quyết tâm, nhụt chí, nản lòng... thì khó có thể vượt qua những thử thách dù lớn hay nhỏ. 
  • Vượt qua khó khăn thử thách của đường đời đã khó, vượt qua sự ngại khó ngại khổ của bản thân còn khó hơn. Vì thế, con người cần nhận thức đúng, sâu sắc tư tưởng để có tinh thần vững vàng. Ý chí, nghị lực, quyết tâm chính là sức mạnh tinh thần để con người bắt tay thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả. Khi ấy, dù đối mặt với những thử thách bất ngờ, tưởng như quá khả năng, con người vẫn sẽ có cách để khắc phục, chiến thắng. 

c. Biểu hiện của ý chí, nghị lực trong đời sống và trong văn học

- Trong đời sống: 

  • Nhờ có ý chí, quyết tâm cao độ, Bác Hồ kính yêu mới vượt qua bao khó khăn, thử thách trên hành trình bôn ba suốt ba mươi năm tìm đường cứu nước. Chính Bác cũng đã khẳng định vai trò to lớn của ý chí, nghị lực: 

Không có việc gì khó 

Chỉ sợ lòng không bền 

Đào núi và lấp biển 

Quyết chí ắt làm nên 

  • Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta, nếu không có quyết tâm cao, ý chí sắt đá giành độc lập, mang nặng tâm lí “nước nhược tiểu”, sẽ không thể có nguồn sức mạnh tinh thần vô địch để đứng vững và chiến thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo, hùng hậu, hung hãn (cuộc chiến đấu chống Mông Nguyên, cuộc đấu tranh vệ quốc chống Pháp và giải phóng đánh Mĩ...). 
  • Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bằng sức mạnh của tinh thần, chúng ta đã vượt lên nhiều thử thách để bảo vệ thành quả dựng nước của cha ông ta, làm cho tổ quốc Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, có thể sánh vai với bạn bè quốc tế... 
  • Các nhà khoa học đã nghiên cứu kiên trì, bền bỉ... để có được những phát minh, công trình khoa học giúp ích cho con người. 

- Trong văn học nghệ thuật: 

  • Có nhiều nhà văn bằng ý chí, nghị lực phi thường đã vượt lên hoàn cảnh, cuộc sống nghèo khổ, xã hội xấu xa để trở thành những nhà văn lớn được kính trọng về nhân cách và tài năng (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Gorki, Solokhop, Victor Hugo, Moda...) 
  • Có rất nhiều tác phẩm ca ngợi, khẳng định sức mạnh kì diệu của ý chí, nghị lực con người (anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, tổ nữ trinh sát mặt đường trong Những ngôi sao xa xôi, những người lính trong thơ ca kháng chiến Đồng chí, Tây Tiến, Bài thơ về tiểu đội xe không kính...

d. Mở rộng, phản đề

  • Câu nói trên đề cao tinh thần vượt khó chứ không khuyên con người đạt được mục tiêu bằng mọi giá. 
  • Phê phán những người vừa gặp khó khăn đã nản chí, vừa gặp thất bại đã buông xuôi, chưa làm được việc mà đã tưởng tượng ra những khó khăn, nguy hiểm... 

e. Bài học nhận thức và hành động

  • Câu nói đã khẳng định được vai trò quan trọng của ý chí, nghị lực đối với việc vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời của mỗi người.
  • Mỗi chúng ta cần rèn luyện ý chí, nghị lực để sẵn sàng đối diện với những khó khăn thử thách.

Kết bài 

Như vậy, trên đường đời đầy gian nan thử thách, mỗi người phải có nghị lực sống để vượt qua tất cả, “nghị lực sống sẽ mở ra cho chúng ta những con đường đi đến thành công!

Câu 2: Anh (chị) nghĩ như thế nào về câu nói:"Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố" (Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm).

Gợi ý làm bài

a. Giải thích câu nói:

  • Giông tố: chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội.
  • Câu nói khẳng định: cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng thử thách, gian nan. (Đây là vấn đề nghị luận).

b. Giải thích, chứng minh vấn đề: 

  • Cuộc sống nhiều gian nan, thử thách nhưng con người không khuất phục.
  • Gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người.

c. Khẳng định, bàn bạc mở rộng vấn đề:

  • Đây là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng.
  • Thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh.
  • Gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ: trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan mà phải biết đứng dậy vươn lên. Để có được điều này thì cần phải làm gì?

Câu 3: Nghị luận về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Gợi ý làm bài

Mở bài

  • Nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình, hơn thế nữa, đã tạo nên thành quả cho mình được hưởng, xưa nay vốn là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta. Bởi vậy, tục ngữ có câu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. ''Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng". Cũng cùng ý nghĩa trên, tục ngữ còn có câu “Uống nước nhớ nguồn".
  • Ngay trong cuộc sống hôm nay, lời dạy đạo lí làm người này càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.

Thân bài

1. Giải thích

  • Uống nước: Thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động, đấu tranh của các thế hệ trước.
  • Nguồn: Chỗ xuất phát dòng nước. Nghĩa bóng: Nguyên nhân dẫn đến, con người hoặc tập thể làm ra thành quả đó.
  • Ý nghĩa: Lời nhắc nhở khuyên nhủ của ông cha ta đối với con cháu, những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng thành quả công lao của người đi trước.

2. Chứng minh, bình luận

  • Trong thiên nhiên và xã hội, không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động tạo nên.
  • Của cải vật chất các thứ do bàn tay người lao động làm ra. Đất nước giàu đẹp do cha ông gầy dựng, gìn giữ tiếp truyền. Con cái là do các bậc cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Vì thế, nhớ nguồn là dạo lí tất yếu.
  • Lòng biết ơn là tình cảm đẹp xuất phát từ lòng trân trọng công lao những người “trồng cày"phục vụ cho biết bao người “ăn trái".

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đẳng cay muôn phần.

  • Khi “bưng bát cơm đầy", ta phải biết trân trọng, nhớ ơn những ai đã “một nắng hai sương", “muôn phẩn cay đắng" để làm nên “dẻo thơm một hạt”. Nói cách khác, được thừa hưởng cuộc sống tự do, thanh bình, no ấm ta phải khắc ghi công lao các anh hùng liệt sĩ.
  • Uống nước nhớ nguồn là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội thân ái đoàn kết. Lòng vô ơn, bội bạc sẽ khiến con người ích kỉ, ăn bám gia đình, xã hội.

3. Bài học

  • Tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.
  • Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình, và tiếp thu cỏ chọn lọc tinh hoa nước ngoài.
  • Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người.
  • Khẳng định giá trị của câu tục ngữ trong tình hình thực tế đời sống hiện nay.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài học Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, các em cần:

  • Nắm được cách viết bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
  • Rèn luyện kĩ năng tìm hiểu đề và lập dàn ý .
  • Có ý thức và khả năng tiếp thu những quan niệm đúng đắn và phê phán những quan niệm sai lầm về tư tưởng, đạo lí.
Ngày:10/07/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM