Luật thơ (tiếp theo) Ngữ văn 12

Bài học Luật thơ (tiếp theo) Ngữ văn 12 tập 1 nhằm giúp các em nắm được một số phép tu từ ngữ âm thường dùng trong văn bản và có kĩ năng phân tích, sử dụng chúng. eLib đã biên soạn bài học này bám sát nội dung chương trình 12. Mời các em tham khảo, chúc các em học tốt!

Luật thơ (tiếp theo) Ngữ văn 12

1. Ôn tập lý thuyết

- Luật thơ là toàn bộ những quy tắc về số câu, số tiếng, cách hiệp vần, phép hài thanh, ngắt nhịp…

- Trong luật thơ, tiếng là đơn vị có vai trò quan trọng.

+ Tiếng là đơn vị cấu tạo ý nghĩa và nhạc điệu dòng thơ, bài thơ.

+ Tiếng có thể phân tích thành ba phần : phụ âm đầu, vần và thanh điệu. Mỗi tiếng có một trong các thanh : không, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Thanh không, huyền thuộc nhóm thanh bằng ; thanh sắc, nặng, hỏi, ngã thuộc nhóm thanh trắc. Thanh không, sắc, ngã thuộc nhóm bổng (cao) ; thanh huyền, nặng, hỏi thuộc nhóm trầm (thấp). Vần thơ là phần được lặp lại để liên kết dòng trước với dòng sau.

+ Các tiếng có thanh bằng hay trắc ở những vị trí không đổi tạo chỗ ngừng, sự ngắt nhịp cho thơ.

- Một sộ thể thơ truyền thống:

+ Thể lục bát (còn gọi là thể sáu – tám).

+ Thể song thất lục bát (còn gọi là thể gián thất hay song thất).

- Các thể ngũ ngôn Đường luật:

+ Ngũ ngôn tứ tuyệt: 5 tiếng 4 dòng.

+ Ngũ ngôn bát cú : 5 tiếng 8 dòng.

- Các thể thất ngôn Đường luật:

+ Thất ngôn tứ tuyệt (còn gọi là thể tứ tuyệt hay tuyệt cú): 7 tiếng 4 dòng.

+ Thất ngôn bát cú: 7 tiếng 8 dòng.

- Các thể thơ hiện đại: thể thơ hiện đại Việt Nam ra đời và phát triển bắt đầu từ phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Thơ hiện đại Việt Nam rất đa dạng, phong phú: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ – văn xuôi,…

2. Ví dụ

- Ảnh hưởng của thơ thất ngôn Đường luật đối với thơ mới:

+ Gieo vần: sông - dòng - vần cách.

+ Nhịp: 4/3.

+ Hài thanh:

Tiếng 2: gợn, thuyền, về, một: T - B - B - T.

Tiếng 4: giang, mái, lại, khô:  B - T - T - B.

Tiếng 6: điệp, song, trăm, mấy: T - B - B - T

→ Vần, nhịp, hài thanh đều giống thơ thất ngôn tứ tuyệt.

3. Luyện tập 

Câu 1. Ngắt nhịp cho những câu thơ và phân biệt vần chân, vần lưng trong đoạn thơ sau:

"Mẹ ta không có yếm đào

nón mê thay nón quai thao đội đầu

rối ren tay bí tay bầu

váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò… sung chát đào chua...

câu ca mẹ hát gió đưa về trời

ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết mấy lời mẹ ru"

(Nguyễn Duy, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

Gợi ý làm bài:

Các câu thơ trong bài này gần giống thể lục bát, nhưng không giống hoàn toàn mà có những sáng tạo :

- Về số tiếng : lần lượt câu 6 rồi câu 8.

- Về nhịp : mỗi câu đều có thể ngắt nhịp 2/2, nhưng riêng câu 4, nhịp là 3/5 : váy nhuộm bùn/áo nhuộm nâu bốn mùa.

- Về vần : mỗi cặp 6-8 đều có cả vần chân và vần lưng : đào - thao, dầu - bầu, bầu - nâu, mùa - chua, chua - đưa, trời - người, người - lời.

Câu 2. Hãy nhận xét về khổ thơ, số tiếng, vần và nhịp trong đoạn thơ sau:

"Mấy hôm trước còn hoa

Mới thơm đây ngào ngạt,

Thoáng như một nghi ngờ

Trái đã liền có thật.

Ôi ! Từ không đến có

Xảy ra như thế nào ?

Nay má hây hây gió

Trên lá xanh rào rào."

(Xuân Diệu, Quả sấu non trên cao)

Gợi ý làm bài:

Đoạn trích nằm trong bài thơ dài có 9 khổ thơ :

- Về số tiếng : mỗi khổ thơ có 4 câu, mỗi câu đều có 5 tiếng, gần giống thể thơ ngũ ngôn.

- Về vần : trong 2 khổ trích dẫn có vần cách : ngạt/ thật, có/gió, nào /rào.

- Về nhịp : nhiều câu thơ có thể ngắt nhịp 3/2, nhưng có câu nhịp khác:

Nay/má hây hây gió hoặc Nay/má/hây hây gió ; Ôi !/Từ không đến có - Xảy ra như thế nào ?...

4. Kết luận 

Qua bà học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Phân tích các yếu tố : tiếng, vần, nhịp, hài thanh.

- Nắm được một số phép tu từ ngữ âm thường dùng trong văn bản và có kĩ năng phân tích, sử dụng chúng.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM