Đọc thêm: Mấy ý nghĩ về thơ Ngữ văn 12

Nội dung bài soạn dưới đây sẽ giúp các em hiểu hơn về đặc điểm của thơ ca, đồng thời các em sẽ thêm yêu mến người nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi. Bên cạnh đó, các em sẽ được rèn luyện cách cảm nhận những bài thơ trong chương trình học. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Đọc thêm: Mấy ý nghĩ về thơ Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) sinh tại Luông Pha-bang (Lào), quê gốc ở làng Vũ Thạch (nay là phố bà Triệu), Hà Nội.

- Thuở nhỏ Nguyễn Đình Thi sống với gia đình ở Lào đến năm 1931 ông theo gia đình về nước, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1941.

- Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nền văn học Việt Nam.

- Nguyễn Đình Thi là một nhà văn hóa lớn, một nghệ sĩ đa tài, viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, soạn kịch,... 

- Năm 1996 ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Các tác phẩm chính: Các tiểu thuyết như Xung kích (1951), Vào lửa (1996), Mặt trận trên cao (1967),... Bên cạnh đó ông còn có những vở kịch như: Con nai đen (1961), Hoa và ngần (1975), Rừng trúc (1978),...

1.2. Tác phẩm

- Tháng 9 - 1949 tại Hội nghị tranh luận văn nghệ đã được tổ chức ở Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi đã trình bày quan niệm của mình về thơ trong bài "Mấy ý nghĩa về thơ".

- Bài viết này về sau được đưa vào tập "Mấy vấn đề văn học".

- Bài viết thể hiện những đặc trưng cơ bản của thơ với ba nội dung chính:

+ Thơ là tiếng nói của tâm hồn con người - đây là đặc trưng cơ bản nhất.

+ Hình ảnh, tư tưởng và tính chân thực của thơ.

+ Ngôn ngữ khác với những loại ngôn ngữ hình văn khác.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Đặc trưng cơ bản nhất của thơ là thể hiện tâm hồn con người

- Đặt ra một câu hỏi: Không mang nghĩa nghi vấn mà khẳng định: "Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng?".

- Khởi đầu một bài thơ: Phải có "rung động thơ", sau đó mới ″làm thơ″.

- Rung động thơ:

+ Có được khi tâm hồn ra khỏi trạng thái bình thường;

+ Do có sự va chạm với thế giới bên ngoài, với thiên nhiên, với những người khác mà tâm hồn thức tỉnh, bật lên những tình ý mới mẻ.

- Còn làm thơ:

+ Là thể hiện những rung động của tâm hồn con người bằng lời nói (tức là chữ).

+ Những lời, những chữ ấy phải có sức mạnh truyền cảm tới người đọc, khiến "mọi sợi dây của tâm hồn rung lên".

2.2. Những đặc trưng khác của thơ 

Những đặc trưng khác của thơ, gồm: Hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực,...

- Hướng tới việc biểu hiện tâm hồn con người, hình ảnh của thơ: Không chỉ ghi lại cái vẻ bề ngoài mà "đã bao hàm một nhận thức, một thái độ tình cảm hoặc suy nghĩ".

- Thơ gắn liền với sự suy nghĩ, thơ phải có tư tưởng, nhưng tư tưởng trong thơ cũng là tư tưởng - cảm xúc, "thơ muốn lay động những chiều sâu của tâm hồn, đem cảm xúc mà đi thẳng vào sự suy nghĩ".

- Cảm xúc, tình cảm là những yếu tố quan trọng bậc nhất mà nhà thơ hướng tới: "Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn".

- Ngay cái thực trong thơ cũng là sự thành thực của cảm xúc, là biểu hiện một cách chân thật và sinh động những gì đang diễn ra trong tâm hồn, đó là "hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy".

→ Tóm lại, hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực của thơ đều nằm trong hệ quy chiếu của tâm hồn con người.

2.3. Ngôn ngữ thơ có nét khác biệt so với ngôn ngữ các thể loại văn học khác

- Ngôn ngữ trong truyện, kí: Chủ yếu là ngôn ngữ tự sự, kể chuyện,

- Ngôn ngữ trong kịch: Chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại

-  Ngôn ngữ thơ ca: Có tác dụng gợi cảm đặc biệt nhờ yếu tố nhịp điệu, "Cái kì diệu ấy của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó trong nhịp điệu (...) một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn".

- Xuất phát từ sự đề cao nhịp điệu bên trong, nhịp điệu của tâm hồn, Nguyễn Đình Thi quan niệm:

+ "Không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần" mà chỉ có "thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ".

+ Thời đại mới, tư tưởng, tình cảm mới, nội dung mới đòi hỏi một hình thức mới, điều quan trọng là dùng thơ tự do, thơ không vần, hay "dùng bất cứ hình thức nào, miễn là thơ diễn đạt được đúng tâm hồn con người mới ngày nay".

2.4. Nét tài hoa của Nguyễn Đình Thi

 Bộc lộ trong nghệ thuật lập luận, đưa dẫn chứng, sử dụng từ ngữ, hình ảnh,... để làm sáng tỏ từng vấn đề đặt ra:

- Mở đầu bài viết, dùng ngay lập luận phủ nhận để khẳng định (bác bỏ một số quan niệm có phần phiến diện về thơ - có người cho "thơ là ở những lời đẹp" lại có người cho "thơ khác với các thể văn khác ở chỗ thơ in sâu vào trí nhớ", để nhấn mạnh đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người), từ đó triển khai các ý ngày càng cụ thể hơn, xoáy sâu vào vấn đề chính.

- Lí lẽ gắn với dẫn chứng. Cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh rất cụ thể, sinh động, gây ấn tượng mạnh:

+ "Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống. Toé lân ở những nơi giao nhau của tâm hồn với ngoại vật, trước hết là những cảm xúc".

+ "Mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung".

3. Tổng kết

- Về nội dung: Việc nêu lên những vấn đề đặc trưng bản chất của thơ ca không chỉ có tác dụng nhất thời lúc bấy giờ mà ngày nay nó vẫn còn có giá trị, bởi ý nghĩa thời sự, tính chất khoa học đúng đắn, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và thực tiễn sáng tạo thi ca.

- Về nghệ thuật: Lí lẽ cùng với dẫn chứng thuyết phục, làm nổi bật được quan niệm mấy ý nghĩ về thơ của tác giả.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của thơ ca.

Gợi ý trả lời:

Thơ ca đến với cuộc sống từ khi nào, khó có thể trả lời đích xác. Nhưng một điều chắc chắn không ai có thể phủ nhận được là không có thơ, cuộc sống sẽ nghèo nàn, tâm hồn, tình cảm con người sẽ trở nên cằn cỗi vô cùng. Thấm thía vai trò, ý nghĩa của thơ ca, nhà thơ cần có ý thức trách nhiệm hơn trong việc sáng tạo thơ ca. Sứ mệnh, của nhà thơ không chỉ là nói lên tiếng nói của bản thân mà còn phải nói lên tiếng nói của muôn triệu trái tim, muôn triệu con người. Nhà thơ phải đau nỗi đau của nhân loại, buồn nỗi buồn của nhân loại. Có như thế, sáng tác của họ mới có sức sống và sức tác động mạnh mẽ. Không ngẫu nhiên khi Đỗ Phủ, Lý Bạch cách chúng ta hàng ngàn năm mà thơ của họ vẫn trường tồn đến tận bây giờ. Không ngẫu nhiên khi Puskin - mặt trời của thi ca Nga lại có sức lay động khắp địa cầu. Với bạn đọc, trân trọng một thi phẩm nghệ thuật, thấy rõ sức mạnh của thơ ca là điều nên làm nhất. Hơn nữa, mỗi người cũng nên làm giàu tâm hồn mình bằng thơ ca và tự nâng cao khả năng cảm nhận của mình hơn khi đánh giá mỗi bài thơ: thơ hay phải thể hiện được cái riêng của mỗi tâm hồn, phải là tiếng đồng vọng của muôn vạn tấm lòng. Cảm nhận được vai trò, tầm quan trọng của thơ ca đối với cuộc sống con người, chúng ta sẽ hiểu tại sao Raxun Gamzatốp nói: Cuộc sống sẽ tối sầm nếu không có thơ ca.

Câu 2: Theo em, những yếu tố nào cần khi phân tích một bài thơ?

Gợi ý trả lời:

Những yếu tố cần chú ý khi phân tích thơ:

- Cuộc đời tác giả.

- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

- Thể thơ: lục bát, tự do, thơ 5 chữ…

- Hình ảnh thơ: Ví dụ như hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp - Mĩ trong Đồng chí hay Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hình ảnh người bà trong “Bếp lửa",...

- Chi tiết thơ cần chú ý.

- Giọng điệu: Gồm có giọng hào hùng, nhẹ nhàng, xót thương, bi lụy, triết lý,...

- Vần (nhịp) thơ.

- Ngôn ngữ thơ: Gồm có ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ bác học,...

- Bố cục: Đây là phần quan trọng nhất để các em tìm ý cho bài cảm nhận của mình (có thể chia theo khổ, chia theo đoạn, câu…).

=> Tất cả các đặc điểm trên ở tác phẩm nào cũng có những mức độ đậm nhạt của các đặc điểm này trong mỗi tác phẩm là khác nhau. Thêm vào đó, các em cần chú ý dựa vào đề bài yêu cầu gì để lựa chọn các đặc điểm trên cho phù hợp theo sở trường và khả năng của mình.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được các đặc trưng của thơ, đặc điểm của thơ.

- Hiểu được nghệ thuật đặc sắc về thơ của Nguyễn Đình Thi.

Ngày:01/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM