Tự do (Đọc thêm) Ngữ văn 12

Bài thơ Tự do là một trong những đỉnh cao nghệ thuật của nhà thơ Pháp P. Ê-luy-a. Bài thơ được viết vào mùa hè năm 1941, trong thời kì nước Pháp bị quân đội Phát xít Đức xâm lược. eLib đã biên soạn bài học này một cách chi tiết nhất và bám sát nội dung chương trình Ngữ văn 12. Mời các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt!

Tự do (Đọc thêm) Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

 - Pôn Ê-luy-a (1895-1952) là nhà thơ lớn nước Pháp.

- Từng tham gia trào lưu siêu thực. Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, ông thoát ly chủ nghĩa siêu thực, cùng nhân dân Pháp kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít.

- Thơ ông mang đậm chất trữ tình chính trị, mang đậm hơi thở của thời đại.

1.2. Tác phẩm

- Được viết vào mùa hè 1941, trong lúc nước Pháp đang bị phát xít Đức xâm lược, in trong tập "Thơ ca và chân lý, 1942" (1942).

- Bài thơ được coi là kiệt tác, là thánh ca của thơ ca kháng chiến Pháp.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Chủ đề bài thơ

- Em = Tự do (Tự do nhân hóa thành em- cách nói tha thiết, gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng, sâu xa).

- Chủ đề: Khát vọng tự do cháy bỏng của nhà thơ (và của cả dân tộc Pháp) khi đất nước bị xâm lăng.

2.2. Những điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật

a. Nội dung bài thơ

- Ca ngợi tự do là chủ đề của bài thơ Tự do. Không cầu kì, kiểu cách, nhà thơ hào hứng bày tỏ tình yêu dành cho quê hương, đất nước, con người.

- Xuất phát từ cái nhìn của một nhà thơ Siêu thực – cái nhìn không phân biệt ranh giới giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, cái cao cả và cái thấp hèn,... E-luy-a để mặc tâm hồn thoải mái bay đến những vùng miền mơ ước.

- Với cảm quan nghệ thuật siêu thực, tự do với Ê-luy-a trước hết là tự do trong nghệ thuật thể hiện thế giới nội tâm và hiện thực bằng ngôn từ.

- Ngôn từ thơ ca ông vô cùng phóng khoáng. Chúng có sức sống nội tại riêng, không hề phụ thuộc vào bất kì một định kiến hay sự áp đặt nào từ bên ngoài.

- Như thế ngợi ca tự do cũng đồng nghĩa với việc ca ngợi sự không giới hạn trong tư duy và cảm xúc của con người.

- Sự tái sinh của tự do làm tiền đề để tái sinh hình tượng thơ.

- Biên giới của tự do là vô tận. Hàm nghĩa của nó là vô tận.

- Khi gọi tên tự do, thì tự do đã hiện diện lên khắp mọi nơi mọi chốn mà trị giác con người có thể nhận thức.

- Tự do ấy chính là lẽ sống, là ý nghĩa tồn tại cho cuộc đời.

b. Kết cấu bài thơ

- Lặp kết cấu, cú pháp với tần số cao.

- Điệp từ ″trên″ theo kiểu "xoáy tròn".

- Kết cấu vòng tròn ″Tự Do″

 → Hiệu quả: Mạch cảm xúc hướng về tự do tuôn trào, triền miên, mạnh mẽ của những nô lệ rên xiết dưới ách phát xít.

c. Cấu trúc của tự do

- Bài thơ được viết theo lối liệt kê sự việc.

- Mỗi khổ có bốn câu và có cùng một điệp khúc cuối Tôi viết tên em. Các câu thơ còn lại mỗi câu chí ít cũng chứa đựng một sự việc.

- Các hình tượng thơ liên tiếp thay nhau xuất hiện, khiến bài thơ là cả sự phô diễn các hình ảnh, sắc màu. Sự huy hoàng và hùng tráng của âm hưởng thơ được đặt cả trên bốn từ tôi viết tên em ấy.

- Nhà nghệ thuật nhân hoá nên các hình ảnh thơ vốn thuộc nhiều địa hạt khác nhau, vốn chẳng mấy tương hợp nhau lại có thể đứng cạnh nhau và toả sáng.

- Bài thơ được cấu trúc theo kiểu vòng tròn nên có thể đọc mãi mà vẫn không chấm dứt. Tự do vì thế cũng sẽ vĩnh hằng theo thời gian.

d. Không gian, thời gian biểu hiện Tự Do và cách thức liên tưởng

- Từ ″trên″ thể hiện cả không gian và thời gian:

+ Chỉ địa điểm - không gian (tôi viết Tự Do ở đâu, vào đâu)

  • Địa điểm cụ thể (khổ 1,2) hoặc trên những điạ điểm khác thường hơn (hiện vật, sách sử- khổ 3).

⇒ Tình cảm gắn bó, khát khao tự do của tác giả và cũng là của mọi người.

  • Địa điểm trừu tượng, mơ hồ, mang tính chất vô hình (khổ 4,5,6).

⇒ Cảm xúc bức bách, khao khát khôn cùng đối với tự do.

+ Chỉ thời gian ( tôi viết Tự Do khi nào) ⇒ Tình cảm thiết tha vươn tới tự do.

- Cách thức liên tưởng: ngẫu hứng (Tự Do được viết mọi nơi, mọi lúc).

- Khát vọng Tự Do hoá thân khắp không gian, xuyên suốt thời gian, hiện hữu trong cuộc đời mỗi con người.

e. Đại từ nhân xưng "tôi"

- Sở dĩ, Tôi viết tên em chứ không phải là Ta biết tên em hay Anh biết tên em, là vì nếu thay tôi bằng một đại từ khác thì nó hoặc là quá gần gũi (anh), quá kiểu cách, trịch thượng (ta), phải là tôi để điều đó vừa là quan trọng vừa là gần gũi nhưng lại không kém phần thiêng liêng.
- Hơn nữa, tôi ấy còn ẩn dụ cho cái tôi, cái cá thể của con người.
- Mặt khác, bất kì ai cũng có thể đứng vào cái tôi ấy để ngợi ca tự do. Trong trường hợp này, tôi ấy cũng chính là chúng tôi, chúng ta. Những thực thể tự do ngợi ca tự do.

⇒ Đáp ứng được khát vọng của tất cả mọi người. Nó trở thành thánh ca của cuộc chiến chống phát-xít.

3. Tổng kết

Tình yêu tự do tha thiết tuôn trào trong trái tim nhà thơ đã đồng vọng trong tâm hồn cả dân tộc. Khát khao tự do biến thành khát khao hành động để giành lấy tự do cho tất cả mọi người.

4. Luyện tập

Câu 1. Em hãy cho biết chủ đề của bài thơ Tự do (P.Ê-luy-a)?

Gợi ý làm bài:

Chủ đề: Khát vọng tự do cháy bỏng của nhà thơ (và của cả dân tộc Pháp) khi đất nước bị xâm lăng.

Câu 2. Sắc thái Siêu thực được thể hiện như thế nào trong Tự do?

Gợi ý làm bài:

- Trật tự tuyến tính, các lằn ranh giữa các sự vật hiện tượng bị xoá bỏ, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc đồng hiện dựa trên logic của cảm xúc tâm lí, nhà thơ hồn nhiên bày tỏ ý tưởng chủ quan của mình.

- Việc xoá bỏ phạm vi đặc trưng từ loại cũng góp phần tạo nên tính siêu thực. Từ “trên” có lúc được dùng như từ “khi”. Với cách sử dụng ngôn từ ấy, những mệnh đề, từ ngữ đi với “khi” hầu hết được chuyển hoá thành danh từ (Trên hiểm nguy đã tan biến | Trên hi vọng chẳng vấn vương…).

- Nhà thờ trộn lẫn mọi cái thiêng liêng (vua quan, trang sách,...), mọi cái bình thường (khoanh bánh trắng,...), mọi hình ảnh ẩn dụ (đá, máu, giấy, tro tàn,...), mọi nét nghĩa thô kệch (núi non điên dại, nhễ nhại bão dông,...) sáp nhập vào với nhau. Tất cả nhằm tạo nên một không gian mênh mông, không có giới hạn cả trong vũ trụ lẫn thẳm sâu hồn người..

- Bất cứ vật ngăn cản hoặc chí ít gợn lên sự ngăn cản cũng đều bị xoá sổ: nơi trú ẩn tan hoang, ngọn hải đăng đổ nát, mấy bức tường ngao ngán,... Chỉ còn lại trong hình tượng thơ là khoảng bao la bát ngát: Trên sa mạc trên rừng hoang / Trên hồ vầng trăng lung linh / Trên hi vọng chẳng vấn vương.

5. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được bài thơ là khát vọng tự do mãnh liệt không chỉ của cá nhân nhà thơ mà còn là của nhân dân Pháp khi bị phát xít Đức xâm lược trong chiến tranh thế giới lần thứ 2.

- Nắm được các biện pháp nghệ thuật cơ bản của bài thơ: điệp khúc, kết cấu vòng tròn, nhân cách hóa ... góp phần diễn tả cảm xúc dào dạt, tuôn trào.

- Phân tích thơ theo đặc trưng thể loại.

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM