Bánh trôi nước Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nhưng họ vẫn giữ tấm lòng son - một phẩm chất tốt đẹp ở người phụ nữ. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bánh trôi nước Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Hồ Xuân Hương (lai lịch chưa thật rõ).

- Từng sống ở phường Khán Xuân - Hồ Tây - Hà Nội.

- Được mệnh danh: Bà Chúa Thơ Nôm.

- Thơ bà có giọng điệu táo bạo, sắc sảo và có giá trị nhân đạo sâu sắc.

1.2. Tác phẩm

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt

- Bố cục có thể chia thành hai phần:

+ Hai câu đầu.

+ Hai câu cuối.

- Bài thơ có 2 lớp nghĩa:

+ Nghĩa 1: nghĩa đen: nói về bánh trôi nước.

+ Nghĩa 2: nghĩa bóng: thân phận, phẩm chất của người phụ nữ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hình ảnh cái bánh trôi nước

- Hình thức và cách làm bánh:

+ Bánh có màu trắng của bột hình tròn.

+ Cách nặn bánh (rắn, nát).

+ Cách luộc bánh (bảy nổi ba chìm).

+ Nhân bánh (màu đỏ).

=> Chi tiết chọn lọc, hình ảnh cái bánh trôi hiện lên khá cụ thể như ở ngoài đời. Nhưng trình tự không hợp lí: tả bánh -> luộc bánh -> nặn bánh -> nhân bánh: Không chỉ đơn thuần là cung cấp những thông tin về cái bánh trôi mà còn gợi lên sự liên tưởng về phẩm chất, thân phận.

2.2. Hình ảnh người phụ nữ

- Người phụ nữ được diễn tả bằng mô típ "thân em".

-> Chuyển hướng ý nghĩ, người đọc cảm nhận một cách tự nhiên. Nối tiếp mạch than thở cho cuộc đời, số phận người phụ nữ trong cuộc đời - số phận Hồ Xuân Hương.

- Phẩm chất, thân phận người phụ nữ:

+ Hình thức: Vừa trắng lại vừa tròn: Điệp từ vừa -> Xinh đẹp, thân hình đầy đặn, trắng trẻo, căng tràn nhựa sống -> Tự giới thiệu nhan sắc một cách mạnh bạo, tự tin, đầy tự hào, kiêu hãnh.

+ Thân phận: Bảy nổi ba chìm (thành ngữ được đảo ngược): Chìm nổi, bấp bênh giữa dòng đời, bị xã hội định đoạt số phận.

+ Thành ngữ đảo ngược và kết thúc ở từ “chìm” -> Làm cho thân phận người phụ nữ thêm cùng cực và xót xa hơn.

+ Đối lập câu 1 và câu 2: Vẻ đẹp >< nỗi khổ -> cho thấy sự bất công trong xã hội đối với người phụ nữ.

+ Tay kẻ nặn: Chế độ nam quyền, xã hội phong kiến.

-> Phản ánh thân phận của người phụ nữ không được làm chủ cuộc đời mình, may rủi phụ thuộc vào người khác, do người khác quyết định.

+ “Mặc dầu” (giữa câu) như sự gắng gượng vươn lên để khẳng định mình.

+ "Tấm lòng son" -> vẻ đẹp của người phụ nữ xưa một lòng chung thủy son sắt.

- Giọng điệu: thách thức như sự bất chấp, sẵn sàng chờ đợi điều không may xảy ra:

+ Giọng quả quyết, tự tin khẳng định phẩm chất trong trắng, dù ở hoàn cảnh nào, dù gặp cảnh ngộ gì người phụ nữ vẫn vượt lên hoàn cảnh, vẫn giữ được lòng sắc son, chung thuỷ, tình nghĩa.

=> Nghĩa bóng là chính. Nghĩa đen chỉ là phương tiện truyền tải, biểu đạt nghĩa bóng của bài thơ có giá trị tư tưởng lớn.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Bài thơ là tiếng nói cảm thông, xót xa cho thân phận bất hạnh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

+ Là tiếng nói trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp, phẩm chất trong sáng, tình nghĩa sắt son của người phụ nữ Việt Nam thời xưa.

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ thơ bình dị, hầu hết là từ Hán Việt.

+ Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được Việt hóa.

+ Sáng tạo trong cách xây dựng nhiều tầng lớp ý nghĩa.

4. Luyện tập

Câu 1: Cảm nhận của em về bài thơ "Bánh trôi nước".

Gợi ý trả lời:

Cũng giống như chiếc bánh trôi bao lần chìm nổi, người phụ nữ xưa phải chịu số phận bảy nổi ba chìm trong xã hội trọng nam khinh nữ đầy bất công. Lễ giáo phong kiến đã tước đoạt quyền tự do, buộc họ phải sống lệ thuộc vào người khác. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Đã vậy, những thế lực đen tối luôn đẩy họ vào nghịch cảnh đau thương. Người phụ nữ trong thơ Xuân Hương cũng cùng chịu chung số phận với người phụ nữ trong thơ Nguyễn Du:

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!"

Không được làm chủ số phận của mình, người phụ nữ nào có khác chi chiếc bánh trôi ngon hay dở là do tay kẻ làm ra nó: Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn. Nhưng điều đáng nói lại là chuyện khác, chuyện tấm lòng son. Nhân bánh trôi làm bằng đường thẻ màu nâu sẫm. Khi bánh chín, lớp vở bằng bột nếp có màu trắng trong, nhìn thấy rõ màu của nhân. Ví nhân bánh như tấm lòng son thì cái ẩn ý mà tác giả muốn gửi gắm đã bộc lộ ra. Hồ Xuân Hương kín đáo khẳng định rằng dù có bị chà đạp, vùi dập, dù cuộc đời có ba chìm bảy nổi đến đâu chăng nữa thì người phụ nữ vẫn giữ nguyên vẹn phẩm giá cao quý của mình. Cách nói khiêm nhường mà chứa đựng một ý chí kiên định biết chừng nào. Đồng thời nó như một lời thách thức ngấm ngầm mà quyết liệt với cả xã hội phong kiến bạo tàn.

Câu 2: Sưu tầm một số bài thơ nói về thân phận chìm nổi, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Gợi ý trả lời:

- “Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.

- “Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”.

- “Thân em như chổi đầu hè

Phòng khi mưa gió đi về chùi chân

Chùi rồi lại vứt ra sân

Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được vẻ đẹp, bản lĩnh sắt son, thân phận chìm nổi của người phụ nữ qua thơ Hồ Xuân Hương.

- Lên án tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

- Thấy được nét đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, giọng điệu hóm hỉnh mà sâu sắc thấm thía của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Ngày:29/09/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM