Tôi và chúng ta Ngữ văn 9

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em thấy được cuộc đấu tranh gay gắt giữa những con người mạnh dạn đổi mới với những kẻ mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu trong sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội ta. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tôi và chúng ta Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Lưu Quang Vũ (1948-1988). Quê Đà Nẵng, có nhiều sáng tác thơ và kịch nổi tiếng.

- Ông sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh.

- Tuổi thơ sống tại Phú Thọ cùng cha mẹ.

- Khi hoà bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội.

- Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.

- Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

b. Tác phẩm:

- Đoạn trích "Tôi và chúng ta" thuộc cảnh ba của vở kịch cùng tên.

- Bố cục có thể tìm hiểu theo những nội dung như sau:

+ Phần 1: Vấn đề cơ bản của vở kịch.

+ Phần 2: Diễn biến mâu thuẫn, xung đột.

+ Phần 3: Tính cách của các nhân vật.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Vấn đề cơ bản của vở kịch

- Vở kịch "Tôi và chúng ta" của Lưu Quang Vũ là một vở kịch lớn nói về sự thay đổi xã hội là cần thiết trong thời điểm hiện tại, đoạn trích này nằm trong cảnh thứ ba trong vở kịch lớn cùng tên, đánh dấu cuộc xung đột quan điểm đầu tiên về việc thay đổi lề lối, phương thức hoạt động giữa hai tư tưởng trong một xí nghiệp nhà nước tên là Thắng Lợi. Một bên là tư tưởng bảo thủ, lạc hậu cứ khư khư ôm lấy những giáo điều, quy chế đề ra từ cấp trên, mà chẳng cần phải suy nghĩ vận động xem quy chế ấy có còn phù hợp hay không, ấy là Nguyễn Chính (Phó giám đốc) và Trương (Quản đốc phân xưởng).

-> Hai con người này ỷ lại mình có được hậu thuẫn từ Trần Khắc (đại diện Thanh tra Bộ), nên thường ngang nhiên chống đối mệnh lệnh của cấp trên, thậm chí bỏ ngoài mắt những lời mà giám đốc Hoàng Việt nói, bởi họ coi đó là trái quy định là điên rồ.

2.2. Diễn biến mâu thuẫn, xung đột

- Vấn đề khá lớn ấy là việc tài vụ không chịu chi tiền dù đã có chữ ký của giám đốc, quả thực rất nan giải, Hoàng Việt đã mạnh dạn đứng ra chịu trách nhiệm nhưng Trưởng phòng tài vụ vẫn không chịu bởi một thứ có tên là "quy định" cứng nhắc, sáo rỗng.

- Quyết định thay đổi tổ chức, công bố kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới của giám đốc Hoàng Việt gây bất ngờ và sự phản đối quyết liệt với phe bảo thủ.

- Cuối cùng Hoàng Việt đành cách chức người phụ nữ này và thay vào một người mới, ấy là cô Loan kế toán, để thực hiện quyết định của mình, một cách làm rất quyết liệt nhưng cần thiết vào lúc này, bởi ta không thể làm một việc gì ra trò nếu cứ có kẻ cứng đầu ngáng chân bằng những cái quy định và nguyên tắc "trời ơi".

-> Muốn phát triển thì phải thay đổi mạnh mẽ và đồng bộ.

2.3. Tính cách của các nhân vật

- Phe đổi mới bao gồm Giám đốc Hoàng Việt, kĩ sư Lê Sơn cho rằng không thể cứ khư khư giữ lấy nguyên tắc cứng nhắc, lạc hậu mà phải mạnh dạn thay đổi tổ chức, quản lí để thúc đẩy sản xuất phát triển; không chạy theo chủ nghĩa hình thức mà cần coi trọng thực tiễn.

- Phe bảo thủ: Nguyễn Chính, Quản đốc Trương.

+ Kĩ sư Lê Sơn là người có năng lực, có trình dộ chuyên môn giỏi, gắn bó nhiều năm với xí nghiệp.

+ Phó giám đốc Nguyễn Chính là người không muốn thay đổi gì về xí nghiệp mà mình đã làm trong nhiều năm quan, ông làm việc một cách máy móc, bảo thủ, gian ngoan, nhiều mánh khoé, luôn vịn vào cơ chế, nguyên tắc dù đã cũ, lạc hậu để chống lại sự đổi mới. Anh ta khéo luồn cúi, nịnh nọt để được lòng cấp trên.

+ Quản đốc phân xưởng Trương là người làm việc và suy nghĩ như một cái máy và khô cằn tình người, ỷ quyền thế, hách dịch với chị em công nhân.

-> Đây là cuộc đấu tranh có tính tất yếu và gay gắt, nóng bỏng của thực tiễn đời sống. Đây còn là cuộc đấu tranh có tính tất yếu và gay gắt, nóng bỏng của thực tiễn đời sống.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Đoạn trích là khởi đầu của giông tố trong xí nghiệp nhà nước Thắng Lợi, ở đây có cuộc chiến tư tưởng giữa hai phe đối lập, một bên là phe bảo thủ, lạc hậu còn một bên là phe có tư tưởng đổi mới lại lề lối, phong cách làm việc, để hướng tới một doanh nghiệp có mức sản xuất cao hơn, công nhân có đủ chi tiêu đảm bảo cuộc sống.

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu.

+ Khắc họa thành công tính cách các nhân vật.

+ Cách tạo tình huống đầy kịch tính.

4. Luyện tập

Câu 1: Theo em, thông qua việc miêu tả xung đột giữa hai phía tác giả muốn nhấn mạnh điều gì?

Gợi ý trả lời:

- Thông qua việc miêu tả xung đột giữa hai phía, tác giả khẳng định rằng không thể có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, không thể giữ mãi các nguyên tắc, phương pháp cũ kĩ, lạc hậu trước sự chuyển biến nhanh chóng của cuộc sống.

- Cái chúng ta phải được hình thành từ nhiều cái tôi cụ thể, vì thế cần quan tâm đến quyền lợi, hạnh phúc của từng cá nhân trong tập thể. Đặt vở kịch trong tình hình đất nước những năm tám mươi, chúng ta mới thấy chủ đề của vở kịch quả là có ý nghĩa quan trọng.

Câu 2: Em hãy nhận xét về vở kịch "Tôi và chúng ta" của Lưu Quang Vũ bằng một đoạn văn ngắn.

Gợi ý trả lời:

Thực tế phát triển đất nước ta từ sau thời kì đổi mới đã chứng tỏ những điều đặt ra trong vở kịch của Lưu Quang Vũ là đúng đắn và thể hiện khả năng dự báo của một cây bút giàu tâm huyết với đất nước. Tôi và chúng ta, mỗi người và mọi người đang gắn bó cùng nhau hướng tới mục tiêu tốt đẹp để cải thiện đời sống từng người, từng gia đình và tạo đà phát triển cho toàn xã hội. Cuộc sống rất cần những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tất cả chúng ta. Vở kịch không chỉ ca ngợi một cá nhân Hoàng Việt mà còn cổ vũ cả một tập thể đồng lòng chung sức đấu tranh chống lại các thế lực cố tình ngăn cản tiến trình công cuộc đổi mới.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được phần nào tính cách của nhân vật tiêu biểu Hoàng Việt, Nguyễn Chính.

- Thấy được cuộc đấu tranh gay gắt giữa những con người mạnh dạn đổi mới, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với những kẻ mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu.

- Hiểu thêm về đặc điểm của thể loại kịch: Cách tạo tình huống, phát triển mâu thuẫn, diễn tả hành động, ngôn ngữ.

Ngày:18/01/2021 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM