Từ trái nghĩa Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được khái niệm từ trái nghĩa, cách sử dụng từ trái nghĩa. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích từ trái nghĩa trong những văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Từ trái nghĩa Ngữ văn 7

1. Thế nào là từ trái nghĩa?

- Ví dụ: thẳng - cong, ngồi - đứng, sống - chết, đi - về,...

-> Những từ trên chính là từ trái nghĩa.

- Kết luận:

+ Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.

+ Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau.

2. Sử dụng từ trái nghĩa

- Từ trái nghĩa được sử dụng trong thể đối, tạo các hình tượng tương phản gây ấn tượng mạnh, làm cho lời nói thêm sinh động.

- Bên này mưa dầm dề, bên kia nắng chói chang -> câu này sử dụng từ trái nghĩa trong thể đối.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy đặt 5 câu có sử dụng từ trái nghĩa.

Gợi ý trả lời:

- Một là nó chết, hai là tôi sống.

- Hôm qua trời mưa rất to, hôm nay lại nắng gay gắt thế này.

- Anh tôi đã được ăn no từ trưa, còn tôi thì vẫn đói meo đến giờ.

- Người giàu luôn cười tươi, kẻ nghèo luôn khóc thầm.

- Mặc dù tôi rất thích anh ấy, nhưng anh ấy lại ghét tôi vô cùng.

Câu 2: Đọc đoạn văn dưới đây và nêu tác dụng của việc sử dụng từ trái nghĩa:

Tôi có một cô bạn rất thân từ hồi còn bé thơ. Cô bạn đó của tôi tên là Nghi. Tôi và Nghi là đôi bạn chung trường. Chúng tôi ngồi cùng bàn và chơi thân nhau từ học cấp một, đến nay đã vào cấp hai. Nghi thông minh, không những học giỏi mà bạn còn ca hay, múa dẻo. Trái lại, tôi rất tối dạ lại hát chẳng hay. Nghi thường động viên tôi phải biết cách học đi đôi với hành và hát hay không bằng hay hát. Nhờ sự cổ vũ của Nghi, tôi học ngày càng tiến bộ. Bố mẹ tôi vui lòng khen tôi biết chọn bạn mà chơi. Đúng là gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Gợi ý trả lời:

- Đoạn văn trên sử dụng những từ trái nghĩa: hát hay - hát chẳng hay; đen - sáng.

- Tác dụng của việc sử dụng từ trái nghĩa trong đoạn văn trên là nhấn mạnh tình bạn của nhân vật tôi và Nghi.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Củng cố và nâng cao kiến thức về từ trái nghĩa.

- Thấy được tác dụng của việc sử dụng các cặp từ trái nghĩa.

- Sử dụng từ trái nghĩa có hiệu quả, đúng mục đích.

- Có ý thức sử dụng tiếng Việt chính xác.

- Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM