Địa lý 6 Bài 18: Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí

Bài 18: Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí giúp các em phân biệt thời tiết và khí hậu cũng như sự thay đổi nhiệt độ trong không khí như thế nào. Nội dung chi tiết mời các em tham khảo tại đây!

Địa lý 6 Bài 18: Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thời tiết và khí hậu

- Khái niệm:

  • Thời tiết: Là sự biểu hiện của các hiện tượng khí tượng ở một địa phương, trong một thời gian ngắn.
  • Khí hậu: Là sự lặp đi, lặp lại của tình hình thời tiết ở một địa phương trong thời gian dài và trở thành quy luật.

- So sánh thời tiết và khí hậu:

- Giống nhau: Đều là các hiện tượng khí tượng xảy ra ở một địa phương cụ thể

- Khác nhau:

  • Thời tiết: Diễn ra trong thời gian ngắn. Phạm vi nhỏ, hay thay đổi.
  • Khí hậu: Diễn ra trong thời gian dài, có tính quy luật.Phạm vi rộng và ổn định.

1.2. Nhiệt độ không khí và cách đo nhiệt độ không khí

- Khái niệm nhiệt độ không khí: Là lượng nhiệt khí mặt đất hấp thụ năng lượng nhiệt Mặt Trời rồi bức xạ lại vào không khí.

- Cách đo nhiệt độ không khí

- Dụng cụ: nhiệt kế.

- Phương pháp:

  • Để nhiệt kế trong bóng râm và cách mặt đất 2m
  • Đo ít nhất 3 lần trong một ngày (5h, 13h và 21h)
  • Tính nhiệt độ trung bình ngày= Tổng nhiệt độ các lần đo/Số lần đo.

Ví dụ: Đo ba lần trong ngày được lần lượt là 25ºC, 37ºC, 34ºC. Vậy nhiệt độ trung bình là:

Nhiệt độ TB = (25 + 37+34): 3 = 32ºC.

- Một số công thức tính nhiệt độ:

  • Nhiệt độ trung bình ngày = Tổng nhiệt độ các lần đo trong ngày/ số lần đo
  • Nhiệt độ trung bình tháng = Tổng nhiệt độ trung bình của các ngày trong tháng/số ngày
  • Nhiệt độ trung bình năm= Tổng nhiệt độ trung bình 12 tháng/12

1.3. Sự thay đổi nhiệt độ không khí

a. Thay đổi theo vị trí gần hay xa biển

  • Nhiệt độ không khí ở những miền gần biển và những miền nằm sâu trong lục địa cũng khác nhau. → Khí hậu lục địa, và khí hậu đại dương
  • Nguyên nhân: Đặc tính hấp thụ nhiệt của nước và đất khác nhau, dẫn đến sự khác biệt về nhiệt độ giữa đất và nước.

b. Nhiệt độ không khí thay đổi theo độ cao

Sự thay đổi nhiệt độ theo độ cao

- Sự thay đổi nhiệt độ theo độ cao

  • Càng lên cao nhiệt độ không khí càng giảm.
  • Nguyên nhân: Sự thay đổi của lớp không khí trên mặt đất và thành phần: bụi, hơi nước trong không khí.

c. Nhiệt độ không khí thay đổi theo vĩ độ

  • Nhiệt độ không khí giảm dần từ xích đạo về cực.
  • Nguyên nhân: Sự thay đổi của lượng nhiệt và góc chiếu tia sáng Mặt Trời.

2. Luyện tập

Câu 1: Tại sao khi đo nhiệt độ không khí, người ta phải để nhiệt kế trong bóng râm và cách mặt đất 2m?

Gợi ý trả lời

- Khi các tia bức xạ mặt trời đi qua khí quyển, chúng chưa trực tiếp làm cho không khí nóng lên. Mặt đất hấp thụ lượng nhiệt của Mặt Trời, rồi bức xạ vào không khí, lúc đó không khí mới nóng lên, tạo ra nhiệt độ của không khí.

- Nếu để nhiệt kế dưới ánh nắng Mặt Trời thì nhiệt độ đo được không phải là nhiệt độ không khí, đó là nhiệt độ của tia bức xạ mặt trời. Nếu để sát mặt đất đo, thì nhiệt độ đo được là nhiệt độ của bề mặt đất.

Câu 2: Tại sao về mùa hạ, những miền gần biển có không khí mát hơn trong đất liền; ngược lại, về mùa đông, những miền gần biển lại có không khí ấm hơn trong đất liền?

Gợi ý trả lời

- Do đặc tính hấp thụ nhiệt của đất và nước khác nhau (các loại đất đá… mau nóng, nhưng cũng mau nguội, còn nước thì nóng chậm hơn nhưng cũng lâu nguội hơn), dẫn đến sự khác biệt về nhiệt độ giữa đất và nước, làm cho nhiệt độ không khí ở những miền gần biển và những miền nằm sau trong lục địa cũng khác nhau.

- Vì vậy, về mùa hạ, những miền gần biển có không khí mát hơn trong đất liền; về mùa đông, những miền gần biển lại có không khí ấm hơn trong đất liền.

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần ghi nhớ các nội dung quan trọng như sau:

  • Phân biệt và trình bày được hai khái niệm: Thời tiết và khí hậu.
  • Biết nhiệt độ không khí; nêu được các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi của nhiệt độ không khí và nguyên nhân làm cho không khí có nhiệt độ.
Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM