Bệnh lồi đĩa đệm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Lồi đĩa đệm có thể gây ra do quá trình thoái hóa xương khớp tự nhiên khi tuổi cao hoặc do các áp lực cơ học như nằm, ngồi sai tư thế. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh lồi đĩa đệm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Lồi đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm nằm giữa 2 cột sống, có chức năng hấp thu xung động và tạo khoảng trống giữa 2 đốt sống cho các dây thần kinh, ngăn ngừa tổn thương mô cột sống và xương, giúp việc vận động dễ dàng hơn. Theo thời gian, lớp bên ngoài của đĩa đệm sẽ yếu đi, lớp bên trong bị đẩy ra ngoài và phình ra vành đĩa đệm. Khi vỏ ngoài đĩa đệm càng yếu, nhân của đĩa đệm có thể thoát ra ngoài hoặc thoát vị qua vết nứt, gia tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh. Quá trình lồi đĩa đệm có thể diễn ra trong một quãng thời gian dài nhưng càng để lâu thì triệu chứng càng nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến lồi đĩa đệm là do quá trình thoái hóa xương khớp tự nhiên khi tuổi tác càng cao hoặc do các áp lực cơ học, chẳng hạn như cong người hoặc nâng vật sai tư thế.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lồi đĩa đệm là gì?

Nếu tình trạng lồi đĩa đệm chưa đến giai đoạn thoát vị, người bệnh có thể chỉ bị đau nhẹ. Trong một số trường hợp, lồi đĩa đệm không gây đau vì chưa đạt đến một mức độ nghiêm trọng nhất định. Điều này có thể gây khó khăn cho việc xác định các triệu chứng.

Thông thường, tình trạng lồi đĩa đệm gây áp lực lên các dây thần kinh gần đó tạo ra nhiều cảm giác khác nhau, từ ngứa ran và tê nhẹ đến đau vừa hoặc nặng, tùy thuộc vào mức độ bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, khi người bệnh trải qua các triệu chứng này thì đĩa đệm cũng gần như (hoặc thậm chí) đã ở giai đoạn thoát vị.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm ngứa ran hoặc đau ở ngón tay, bàn tay, cánh tay, cổ hoặc vai. Hầu hết người mắc lồi đĩa đệm gặp vấn đề xảy ra ở vùng thắt lưng. Những loại triệu chứng này có thể phát sinh do đau ở bàn chân, đùi, cột sống dưới và mông. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp khó khăn khi đi bộ.

Khi dây thần kinh tọa bị ảnh hưởng, các cảm giác tê bì thường xuất hiện ở 1 bên chân thay vì cả hai. Ngoài ra, người bệnh còn gặp vấn đề với bàng quang. Tình trạng này gọi là tiểu không kiểm soát, xảy ra do một đĩa đệm phồng lên chèn ép các dây thần kinh kiểm soát bàng quang.

Một số triệu chứng khác của lồi đĩa đệm là:

  • Đau lưng trên tỏa ra hướng bụng hoặc ngực (lồi đĩa đệm cột sống giữa);
  • Co thắt cơ (có thể xảy ra khi bất kỳ đĩa đệm nào bị lồi) chẳng hạn như căng cơ thắt lưng.

Một số người bệnh có thể tiếp tục sống cùng với tình trạng lồi đĩa đệm trong nhiều năm mà không bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng. Tuy nhiên cũng có trường hợp cần nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ y tế vì các triệu chứng có khả năng đến đe dọa tính mạng.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của lồi đĩa đệm là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này có thể là do quá trình lão hóa tự nhiên kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác.

Đĩa đệm thường trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian. Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:

Lối sống ít vận động hoặc hút thuốc là các yếu tố nguy cơ cao. Đĩa đệm luôn trong tình trạng căng do chấn thương hoặc nâng vật nặng. Quá trình này thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Cơ lưng bị suy yếu có thể đẩy nhanh quá trình và dễ dẫn đến thoát vị đĩa đệm đột ngột. Tư thế cơ thể không lành mạnh, chẳng hạn như nằm không đúng cách trong khi ngủ, ngồi, đứng hoặc tập thể dục sai kỹ thuật. Béo phì. Cường độ hoạt động thể thao hoặc sử dụng phần cột sống cao cũng là những yếu tố rủi ro. Không sử dụng giày phù hợp khi tham gia thể thao (chẳng hạn như chạy bộ). Các hoạt động gây căng và giãn cột sống có thể khiến đĩa đệm suy yếu.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán lồi đĩa đệm?

Khi thăm khám, bác sĩ thường đặt các câu hỏi về lối sống của người bệnh cũng như các loại hoạt động thể chất mà người bệnh đã thực hiện trong nhiều năm.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chẩn đoán hình học bao gồm chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI. Các kỹ thuật này là cần thiết để chẩn đoán tình trạng lồi đĩa đệm chính xác hơn. Hình ảnh thu được sẽ cho thấy những thay đổi về hình dạng đĩa đệm.

Những phương pháp điều trị lồi đĩa đệm

Trước tiên, người bệnh nên thay đổi các tư thế của cơ thể (tư thế khi ngủ, ngồi và thực hiện các thao tác dùng sức) để thuyên giảm các triệu chứng đau do đĩa đệm bị ảnh hưởng. Giải quyết các yếu tố nguyên nhân có thể giúp làm chậm diễn tiến xấu của bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thực hiện một số biện pháp sau:

Giảm cân lành mạnh và tập thể dục nếu bị béo phì. Tập vật lý trị liệu để tăng cường cơ bắp ở lưng và lấy lại khả năng vận động. Kiểm soát cơn đau phụ thuộc vào mức độ đau. Nếu người bệnh gặp khó chịu nhẹ hoặc đau vừa thì có thể sử dụng thuốc kháng viêm (cả kê toa và không kê toa). Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng tùi chườm ấm, chườm đá, liệu pháp massage và tập thể dục để giảm các triệu chứng đau.

Bác sĩ có thể đề xuất dùng thun băng y tế để hỗ trợ vùng cơ thể bị ảnh hưởng trong một thời gian dài. Trước khi bước vào giai đoạn thoát vị, nhiều phương pháp điều trị không xâm lấn rất hữu hiệu trong việc kiểm soát và làm chậm quá trình lồi đĩa đệm. Trong trường hợp khẩn cấp khi đĩa đệm gây nhiều đau đớn đe dọa tính mạng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nhưng khả năng này rất hiếm.

Các phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu đang trở nên phổ biến hơn và phẫu thuật cột sống nội soi có thể là một lựa chọn để giảm đau. Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng các kỹ thuật tiểu phẫu để khắc phục các vấn đề về đĩa đệm. Sau thủ thuật, người bệnh thường được khuyến cáo thực hiện các bài tập tăng cường cơ lưng. Loại thủ thuật mà bác sĩ phẫu thuật thực hiện thông qua nền tảng xâm lấn tối thiểu sẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh và các triệu chứng mà lồi đĩa đệm gây ra.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa lồi đĩa đệm?

Người bệnh cần lưu ý các điều sau để phòng ngừa tình trạng lồi đĩa đệm:

Nâng vác đồ vật đúng cách. Cong đầu gối, giữ lưng thẳng và sử dụng các nhóm cơ ở chân để hỗ trợ tải trọng, không uốn cong phần thắt lưng. Duy trì cân nặng hợp lý. Trọng lượng thừa sẽ gia tăng áp lực lên vùng cột sống, khiến đĩa đệm dễ bị lồi/thoát vị. Duy trì tư thế đúng khi đi đi bộ, đứng, ngồi hoặc ngủ. Ví dụ: đứng thẳng với vai hướng ra sau, giữ lưng thẳng. Ngồi với 2 bàn chân chạm mặt sàn hoặc cân bằng. Ngủ với nệm có độ cứng và căng vừa phải, không nằm úp mặt. Thực hiện các động tác kéo giãn cơ khi ngồi trong thời gian dài. Hạn chế mang giày cao gót. Luyện tập thể dục thường xuyên với các nhóm cơ ở lưng, cẳng chân và bụng. Ngưng hút thuốc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất.

6. Biện pháp tại nhà

Những biện pháp tại nhà nào giúp điều trị lồi đĩa đệm?

  • Sử dụng nhiệt nóng và lạnh hỗ trợ giảm viêm và làm dịu cơn đau. Khi bắt đầu, người bệnh nên sử dụng túi chườm lạnh tại khu vực bị đau trong vài ngày, sau đó chuyển qua dùng nhiệt nóng để nới lỏng các nhóm cơ.
  • Tập các động tác thể dục nhẹ nhàng. Khi nằm lâu, cơ khớp của sẽ bị yếu đi, khiến cơn đau trầm trọng hơn và hạn chế khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, người bệnh nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đi bộ hoặc tập các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường sự dẻo dai của xương khớp.

Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ có thể hỗ trợ giảm đau tạm thời, không thể chữa lành lồi đĩa đệm. Để có thể điều trị dứt điểm cơn đau, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh lồi đĩa đệm sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Nếu có bất kì dấu hiệu và triệu chứng như trên, các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:12/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM