Bệnh gãy xương ức - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Vỡ hay gãy xương ức xảy ra chủ yếu là do liên quan đến thương tổn giảm tốc hay chấn thương ngực kín, gây ra nhiều triệu chứng đau đớn ở ngực. Vậy nguyên nhân và triệu chứngcủa bệnh là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh gãy xương ức - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Tình trạng vỡ hay gãy xương ức

Xương ức là một xương dài, phẳng, nằm ở chính giữa lồng ngực và liên kết với các xương sườn nhờ vào các sụn sườn. Xương ức giúp tạo thành mặt trước của lồng ngực, bảo vệ tim, phổi cũng như các mạch máu lớn khác.

Vỡ hay gãy xương ức xảy ra chủ yếu là do liên quan đến thương tổn giảm tốc (deceleration injury) hay chấn thương ngực kín (blunt anterior chest trauma). Khi đó, xương ức phải chịu tác động từ ngoại lực rất lớn và gây ra nhiều triệu chứng đau đớn ở ngực.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng khi gãy xương ức

Bình thường khi hít thở, xương ức di chuyển liên tục cùng các xương khác trong lồng ngực. Do đó, nếu xương ức bị gãy hay vỡ, quá trình hít thở sẽ trở nên khó khăn và đau đớn hơn.

Cơn đau thường dữ dội hơn khi hít thở sâu, ho hoặc cười. Bên cạnh đó, nhiều cơ được gắn với xương ức cũng khiến việc di chuyển cánh tay hay nâng vật nặng mang lại cảm giác khó chịu nếu bạn bị gãy xương này.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gãy xương ức là gì?

Phần lớn trường hợp gãy xương ức là do chấn thương trực tiếp đến lồng ngực. Chấn thương này thường liên quan đến tai nạn giao thông.

Ngoài ra, vỡ hay gãy xương ức cũng có thể do:

  • Té, ngã từ trên cao xuống;
  • Tham gia các môn thể thao va chạm mạnh ;
  • Va chạm giữa xe và người.

Bạn cũng có nguy cơ cao bị gãy xương ức nếu:

  • Bị gù cột sống hoặc loãng xương ;
  • Là người cao tuổi;
  • Trong thời gian mãn kinh;
  • Sử dụng steroid một thời gian dài.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán gãy xương ức?

Nếu nghi ngờ bị gãy xương ức, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Do gãy xương ức thường liên quan đến chấn thương nghiêm trọng nên người bị nạn cần đến bệnh viện cấp cứu ngay. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để phát hiện và đánh giá tình trạng gãy xương ức.

Chụp CT cũng có thể giúp chẩn đoán nhưng X-quang là cách tốt nhất để đưa ra kết luận bạn có bị gãy xương ức hay không.

Những phương pháp điều trị gãy xương ức

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương tại xương ức cũng như những triệu chứng xuất hiện. Ở trường hợp nhẹ nhất, điều trị đơn giản chỉ là nghỉ ngơi và chờ một khoảng thời gian để vết thương lành lặn.

Trong lúc đó, bạn có thể cần băng cố định vùng ngực để giảm đau và sưng. Một số thuốc giảm đau không kê đơn cũng được sử dụng như paracetamol, ibuprofen.

Tuy nhiên, nếu cơn đau ngày càng tệ hơn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để có cách điều trị hiệu quả hơn.

Một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật để cố định lại vị trí của xương ức.

Thời gian phục hồi sau khi gãy xương ức là bao lâu?

Hầu hết mọi người có thể phục hồi hoàn toàn sau khi bị gãy xương ức khoảng một vài tháng, trung bình là 73 ngày (tương đương 10 tuần rưỡi).

Thời gian phục hồi có khi kéo dài hơn nếu cần phải phẫu thuật trong quá trình điều trị. Để tránh xảy ra nhiễm trùng sau khi phẫu thuật, bạn nên:

  • Hít thở sâu đều đặn mỗi ngày;
  • Tránh kiềm chế các cơn ho cũng như không nên uống thuốc ho;
  • Đỡ thành ngực trong lúc ho.

Nếu thấy các dấu hiệu như sốt, khó thở hoặc ho ra đờm màu vàng, xanh hay có máu, hãy quay lại bệnh viện ngay lập tức. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau vẫn còn dữ dội sau khoảng 8 tuần điều trị.

Sau một thời gian dài hồi phục, nếu gặp phải tình trạng cứng vai, cánh tay và cột sống mà không thấy thuyên giảm, bạn có thể cần tập vật lý trị liệu bổ sung.

5. Biến chứng

Gãy xương ức có thể gây ra những biến chứng nào?

Gãy xương ức có thể gây ra các biến chứng ngắn hạn lẫn dài hạn.

Biến chứng ngắn hạn phổ biến nhất là đau ngực, có thể kéo dài từ 8–12 tuần. Cơn đau này thường ngăn không cho bạn ho (vì ho sẽ khiến cảm giác đau nặng hơn). Chính điều đó làm cho cơ thể không thể làm sạch dịch tiết từ phổi một cách tự nhiên và có khả năng dẫn đến nhiễm trùng ở ngực.

Trường hợp gãy xương ức do chấn thương, các mô phổi hoặc tim bên trong cũng có thể bị tụ máu, thâm tím. Theo thời gian, bạn sẽ gặp phải nhiều biến chứng nếu xương ức không lành lại.

Khi đó, một hiện tượng có thể xuất hiện có tên là pseudarthrosis – một lớp xương giả hình thành ngay tại khớp xương (khớp giả). Điều này dẫn đến đau đớn và có thể cần phải phẫu thuật để giải quyết. Người cao tuổi, người mắc bệnh loãng xương hay đái tháo đường và những người dùng thuốc steroid lâu dài có nhiều khả năng phát triển khớp giả.

Trong quá trình hồi phục, bạn sẽ hạn chế cử động cánh tay, vì vậy sau vài tuần có thể cảm thấy đau và cứng ở vai, cột sống.

Với những thông tin trên đây về bệnh gãy xương ức, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh.

Ngày:24/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM