Bệnh bong gân - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bong gân là một chấn thương phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Bệnh bong gân - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Bong gân là gì?

Bong gân là tình trạng kéo giãn hoặc rách dây chằng – một dải mô xơ cứng nối hai xương với nhau. Bong gân mắt cá chân là tình trạng phổ biến nhất.

Điều trị ban đầu bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, băng nén và kê cao vị trí chấn thương. Bong gân nhẹ có thể điều trị tại nhà. Trường hợp nặng, bạn sẽ cần làm phẫu thuật để sửa chữa dây chằng bị đứt.

Sự khác biệt giữa bong gân và căng cơ đó là bong gân làm tổn thương dải mô liên kết hai xương với nhau, trong khi căng cơ liên quan đến chấn thương cơ hoặc dải mô liên kết cơ với xương.

2. Dấu hiệu bong gân là gì?

Tình trạng chấn thương này thường xảy ra đột ngột xung quanh khớp. Các dấu hiệu bong gân có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, tùy thuộc vào số lượng mô bị tổn thương, gồm:

  • Đau ;
  • Sưng;
  • Bầm tím ;
  • Khớp hạn chế di chuyển;
  • Khớp tổn thương không có khả năng chịu trọng lượng và di chuyển như bình thường;
  • Cảm giác có tiếng “bốp” khi xảy ra chấn thương.

Các trường hợp nghiêm trọng có thể liên quan đến các tình trạng khác, như gãy xương. Đến gặp bác sĩ ngay nếu:

  • Nếu bạn không thể di chuyển hoặc đứng vững ;
  • Cảm giác cơn đau thấu xương mặc dù bị chấn thương khớp ;
  • Tê cứng ở khu vực tổn thương.

3. Nguyên nhân gây bong gân là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là ngã, xoắn người hoặc chấn thương khớp. Những nguyên nhân này có thể khiến khớp lệch khỏi phạm vi chuyển động bình thường, do đó dây chằng sẽ bị kéo giãn hoặc rách.

Những tình huống có thể khiến bạn bị bong gân như:

  • Đi hoặc chạy trên một đường gồ ghề;
  • Uốn hoặc xoay người đột ngột ;
  • Ngã hoặc tiếp đất bằng cổ tay hoặc bàn tay;
  • Chơi các môn thể thao thường dùng cổ tay (cầu lông, tennis, bóng rổ…);
  • Chấn thương từ các môn thể thao tiếp xúc (như đá bóng).

Cách nhận biết bạn bị bong gân

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề nghị khám sức khỏe để kiểm tra những khu vực sưng và đau ở chi bị ảnh hưởng. Vị trí và mức độ cơn đau sẽ giúp bác sĩ xác định phạm vi và bản chất của tổn thương.

X-quang sẽ giúp loại bỏ nguyên nhân gây đau là do gãy xương hoặc các chấn thương xương khác. Chụp MRI cũng giúp chẩn đoán phạm vi chấn thương, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tốt hơn.

4. Điều trị bong gân hiệu quả

Điều trị ban đầu cho bong gân chính là phương pháp RICE:

Nghỉ ngơi (Rest). Tránh các hoạt động gây đau, sưng hoặc khó chịu, nhưng bạn vẫn nên vận động nhẹ nhàng.

Chườm đá (Ice). Trước khi đến gặp bác sĩ, bạn cần phải chườm đá khu vực tổn thương. Sử dụng túi nước đá hoặc khăn bọc đá lạnh và chườm trong 15-20 phút mỗi lần. Lặp lại sau mỗi 2-3 giờ trong vài ngày đầu sau chấn thương.

Băng gạc (Compression). Để giúp giảm sưng, băng vùng tổn thương bằng băng thun cho đến khi hết sưng. Đừng quấn quá chặt vì có thể cản trở máu lưu thông. Bạn có thể nới lỏng băng nếu cơn đau tăng lên, tình trạng tê hoặc sưng xảy ra bên dưới khu vực được quấn.

Nâng cao. Kê cao khu vực bị thương trên mức tim, đặc biệt là vào ban đêm, để giúp giảm sưng.

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen và paracetamol cũng là một cách chữa bong gân.

Sau hai ngày đầu, bạn hãy vận động vùng bị thương nhẹ nhàng và sẽ thấy khớp cải thiện dần dần, có thể chịu được trọng lượng hoặc di chuyển mà không bị đau. Phục hồi từ bong gân có thể mất vài ngày đến vài tháng.

Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bạn tối đa hóa sự ổn định và sức mạnh của khớp hoặc chi bị tổn thương. Bác sĩ có thể đề nghị bạn cố định khu vực bằng nẹp. Đối với một số chấn thương, chẳng hạn như rách dây chằng, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật.

5. Phòng ngừa bong gân

Một số cách có thể giúp bạn phòng ngừa bong gân như:

  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp: Các bài tập điều hòa và ổn định thường xuyên có thể xây dựng khung xương chắc khỏe và giúp ngăn ngừa chấn thương.
  • Khởi động đúng cách trước khi tập thể dục: Việc “làm nóng” các cơ sẽ làm tăng phạm vi chuyển động của chúng, giúp tránh chấn thương và rách mô liên kết.
  • Mang giày dép phù hợp: Mang giày dép vừa chân có thể giúp bảo vệ mắt cá chân và khớp gối khỏi bị chấn thương.
  • Cẩn thận khi vận động: Cảnh giác với những bề mặt trơn hoặc gồ ghề, các chướng ngại vật có thể gây ra tai nạn để không bị chấn thương.
  • Nghỉ ngơi: Ngồi, đứng ở một vị trí quá lâu hoặc thực hiện các hành động lặp đi lặp lại có thể khiến cơ bắp căng quá mức. Mọi người có thể nghỉ ngơi thường xuyên và kéo giãn cơ để thư giãn các cơ bắp.

Thực tế, không phải tất cả tình trạng bong gân đều có thể phòng ngừa được, nhưng nếu biết cách chữa, tình trạng này sẽ không gây ra biến chứng nghiêm trọng nào.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh bong gân, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:28/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM