Phép phân tích và tổng hợp Ngữ văn 9

Nội dung bài Phép phân tích và tổng hợp dưới đây nhằm giúp các em nắm được phép lập luận phân tích và tổng hợp. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích hai phép lập luận này trong một văn bản cụ thể. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phép phân tích và tổng hợp Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu phép lập luận phân tích và tổng hợp

- Để làm rõ ý của một sự vật, hiện tượng nào đó, người ta thường dùng phép phân tích và tổng hợp.

- Phân tích: Trình bày từng bộ phận, phương tiện của một vấn đề nhằm chỉ ra nội dung của sự vật, hiện tượng. Để phân tích nội dung của sự vật, hiện tượng, người ta có thể vận dụng các biện pháp nêu giả thiết, so sánh, đối chiếu… cả phép lập luận giải thích, chứng minh.

- Tổng hợp là phép lập luận rút ra từ cái chung từ những điều đã phân tích. Lập luận tổng hợp thường đặt ở cuối đoạn, cuối bài, ở phần kết luận của một phần hoặc toàn bộ văn bản.

2. Luyện tập

Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

Người ta vẫn quen nhìn thời gian như một định luật đưa tới già nua, tàn tạ, hủy diệt nhưng không mấy ai nghĩ rằng nhờ có thời gian nên mới có tác động, hiện hữu, nảy sinh. Nếu không có thời gian, thì sẽ không bao giờ cho sự sống. Không có sự hình thành của trái đất, không có sự kết hợp của các phân tử thành các cơ thể đơn bào, rồi đa bào, không có sự xuất hiện của các loài cỏ cây, cầm thú không có sự tiến hóa liên tục cho tới loài người, với bộ óc tinh vi sáng tạo. Đó là những thành quả của sự tiến hóa không ngừng của vạn vật, tức là những thành quả của thời gian.

Câu hỏi: Tác giả đã dùng phép lập luận nào và lập luận như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Đoạn trích trên tác giả sử dụng phép lập luận diễn dịch.

- Ban đầu tác giả đưa ra luận điểm “nhờ có thời gian nên mới có tác động, hiện hữu, nảy sinh”. Sau đó tác giả lần lượt chỉ ra những luận cứ chứng minh cho luận điểm trên:

+ Nếu không có thời gian sẽ không bao giờ có sự sống.

+ Sự tiến hóa của tạo vật chính là sự tiến hóa của thời gian.

Câu 2: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Trong xã hội, người thầy mang một vai trò rất quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách của lứa tuổi học sinh. Điều đó cũng được ông cha ta quan niệm, khẳng định từ hàng nghìn đời nay. Chính vì vậy trong kho tàng tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên” để bộc lộ rõ nét điều đó.

Câu tục ngữ trên mang hình thức thách đố nhưng bản chất lại là câu khẳng định, nó còn mang cấu trúc kiểu phủ định, thuộc loại câu hỏi tu từ. Hai từ: “thầy” - “mày”, từ “mày” không có ý nghĩa hạ thấp giá trị học sinh mà để đi liền với chữ “thầy” cho vần và dễ nhớ. Câu tục ngữ này nêu lên vai trò quan trọng của người thầy đối với nền giáo dục và học sinh, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo. Không chỉ vậy, câu tục ngữ này còn mang giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam từ rất lâu đời.

Nếu gia đình dạy ta những bài học đầu tiên về đạo đức như kính trọng, lễ phép với người trên thì thầy là người đầu tiên trao truyền cho ta tri thức của nhân loại. Thầy dạy chúng ta biết con chữ, con số, thầy dạy chúng ta về lịch sử, địa lý. Từ ngày đầu tiên đi học với những kiến thức đơn giản đến phức tạp đều do thầy nhọc công dạy dỗ. Thầy là người đã trao cho ta tri thức nền, tri thức cơ sở để sau khi tốt nghiệp chúng ta có thể vận dụng vào đời sống, để nuôi chính bản thân và giúp ích cho xã hội.

Không chỉ dạy kiến thức, thầy còn là người dạy ta những bài học đạo đức, bài học làm người để ta trở thành con người cư xử đúng mực, có văn hóa. Bồi đắp cho ta những tình cảm cao quý như tình thầy trò, lòng yêu quê hương đất nước, sự trung thực, lòng dũng cảm. Nhờ có thầy mà bản thân mỗi người ngày một trưởng thành hơn, tốt hơn.

Con người ta sinh ra không ai tự có khả năng nhận thức được tất cả mọi thứ và dù có tự nhận thức được đi nữa thì cũng chưa chắc được rằng những nhận thức đó là đúng đắn, và có thể vận dụng được những nhận thức ấy vào cuộc sống một cách hiệu quả. Và trong những trường hợp như vậy, sự xuất hiện và dạy dỗ của một người thầy là vô cùng quan trọng vì thầy là người truyền tải cho chúng ta những kiến thức, những bài học hấp dẫn, đúng đắn, định hướng cho chúng ta những con đường đi phù hợp. Nói như vậy ta sẽ thấy được vai trò của người thầy. Trở lại với câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên”, đây là một câu tục ngữ khẳng định vai trò, vị trí của người thầy giáo đối với việc học, song cũng là lời nhắc nhở đầy chân thành, nghiêm khắc của ông cha ta đối với những thế hệ hậu bối, những người học sau này.

Chúng ta cũng cần tránh những cách hiểu tiêu cực rằng câu nói đề cao một cách thái quá vai trò của người thầy, hay câu nói coi thường sự tự thân phát triển của những người học trò. Những cách hiểu này là thiển cận, nông cạn bởi ta hiểu giá trị của câu nói này là về mặt tinh thần, bởi cũng không thể phủ nhận những người có thể tự mình đèn sách mà thành tài, có thể đỗ đạt làm quan nhưng những người đó có dám chắc rằng mình chưa từng đi học, chưa từng được thầy dạy chữ, dạy những thứ cơ bản nhất, giản đơn nhất. Do đó mà nếu đã từng là học sinh thì hãy yêu thương, kính trọng thầy cô, bởi lẽ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Như vậy, câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” là một câu tục ngữ hoàn toàn đúng đắn, dù trong thời đại nào thì ý nghĩa của nó cũng không thay đổi, hao mòn. Ta cũng có thể thấy từ rất sớm ông cha ta đã rất đề cao nghề giáo cũng như người thầy giáo, câu tục ngữ thể hiện được sự kính trọng đối với vai trò và vị trí của người thầy đối với sự phát triển, thành công của người học.

(Sưu tầm)

Câu hỏi: Luận điểm chính trong văn bản là gì? Người viết đã dùng phép lập luận nào để đưa ra luận điểm đó?

Gợi ý trả lời:

- Luận điểm chính trong văn bản là: Trong xã hội, người thầy mang một vai trò rất quan trọng.

- Người viết đã dùng phép lập luận phân tích và tổng hợp để đưa ra luận điểm đó.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được khái niệm, đặc điểm về phép phân tích và tổng hợp.

- Sự khác nhau giữa hai phép lập luận phân tích và tổng hợp.

- Tác dụng của hai phép lập luận phân tích và tổng hợp trong các văn bản nghị luận.

- Rèn kĩ năng phân tích và tổng hợp trong nói và viết.

- Vận dụng hai phép lập luận khi tạo lập và đọc hiểu văn bản nghị luận.

- Có ý thức vận dụng phép lập luận phân tích trong làm văn.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM