Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) Ngữ văn 9

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em củng cố và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích). Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) Ngữ văn 9

1. Nội dung bài học

Cần lưu ý dàn bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích):

- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.

- Thân bài: Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.

- Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết bài văn nghị luận về đoạn trích Chiếc lá cuối cùng.

Gợi ý trả lời:

Thế giới này được tạo ra bởi những lan tỏa và sẻ chia. Có những điều khi cho đi ta còn nhận được nhiều hơn là mất. Có những tình cảm được chia nhỏ, lan tỏa và hàn gắn lại thế giới. Đó là tình yêu thương. Tình cảm ấy nằm trong những cái ôm, những lời nói, những cử chỉ, và đôi khi là trong cả ... chiếc lá. Tình đời trong chiếc lá được O.Henry thể hiện độc đáo trong đoạn trích: “Chiếc lá cuối cùng”.

 O.Henry được biết đến là nhà văn truyện ngắn nổi tiếng của Mĩ. Truyện của ông hấp dẫn với tình tiết ngẫu nhiên, có lúc khắc nghiệt hoặc oái oăm, hoặc mỉa mai, nhiều lúc khôi hài hoặc dở khóc dở cười. Để rồi kết thúc trong bất ngờ, làm người đọc thích thú nhưng không quá sướng thỏa, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề. Với ông, “Từ mọi nơi. Mọi thứ đều mang câu chuyện”. Những câu chuyện được lấy trong cuộc sống hằng ngày, những tình huống được lấy ngay từ cuộc đời nóng hổi để đem đến những bài học chẳng bao giờ là xa vời hay khó hiểu. Điều đó cũng được thể hiện trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”. Câu chuyện diễn ra ở một một khu nhỏ phía tây công viên Washington nơi các nghệ sĩ nghèo thường đến thuê phòng với giá rẻ. Phòng của hai nữ họa sĩ trẻ Jonhsy và Siu ở trên tầng thượng, phía cuối là nơi ở của cụ Behrman gần 60 tuổi, nghiện rượu nặng. Đã hơn 40 năm nay, ngòi bút của cụ chưa với tới gấu áo của vị nữ thần nghệ thuật. Cụ luôn có ý định vẽ một bức tranh kiệt tác để đời nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Mùa đông năm ấy, bị chứng viêm phổi hoành hành, Jonhsy mười phần chỉ hi vọng được một. Cô chấp nhận buông xuôi, ngồi đếm những chiếc lá thường xuân trên tầng đối diện và tin rằng chiếc lá cuối cùng rụng cũng là lúc cô ra đi. Siu thương em, tận tình chăm sóc và chia sẻ chuyện đó với cụ Behrman. Qua đêm mưa tuyết lạnh lẽo, chiếc lá thường xuân vẫn trụ lại đã đem lại sức sống cho Johnsy chữa khỏi bệnh nhưng cụ Behrman đã chết vì bệnh viêm phổi. Và chiếc lá cuối cùng kia chính là tác phẩm của cụ trong đêm đông ấy.

Câu chuyện giản dị mà bất ngờ. Ở đó, có tình chị em gắn bó, hết lòng, có ý chí nghị lực vươn lên của một cô gái. Và hơn hết, ở đó là tình người, tình người gói trong chiếc lá thường xuân bé nhỏ kia. Hình tượng chiếc lá cuối cùng là một biểu tượng nghệ thuật bất ngờ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Chiếc lá thường xuân bé nhỏ, tầm thường do người bàn tay của người nghệ sĩ “thường thường bậc trung” vẽ giống y như thật, khiến cho con mắt chuyên môn tinh tế của Johnsy cũng không nhận ra được. Nó được vẽ ra trong một đêm mưa rét khủng khiếp với dụng cụ chỉ là một chiếc đèn bão, một bọ quần áo ướt sũng và vài bảng màu.

Nhưng nó đã cứu sống một con người. Chiếc lá xuất hiện kịp thời đem lại niềm tin và sức sống cho Johnsy, khơi bùng lên ngọn lửa tình đời sắp lụi tàn nơi trái tim người đồng nghiệp trẻ, khiến cô chiến thắng gã viêm phổi dai dẳng, hiểm ác. Nghị lực và mầm sống lại hồi sinh để hi vọng một ngày nào đó được làm nên những tác phẩm nghệ thuật.

Chiếc lá không chỉ được vẽ bằng tài năng nghệ thuật mà còn bằng cả tình yêu thương con người của một người họa sĩ chân chính. Chiếc lá cuối cùng đã rụng, còn lại mãi trên tường không phải là một thần dược mà là một tác phẩm nghệ thuật. Dù phải đánh đổi cả mạng sống của mình, người nghệ sĩ ấy vẫn không suy nghĩ, sẵn sàng hi sinh để đem lại sự sống cho một con người. Bức tranh của họa sĩ Behrman là một kiệt tác nghệ thuật chân chính, vì nó hướng tới con người. Tình yêu thương là nguồn sức mạnh để người họa sĩ hướng ngòi bút của mình để hoàn thành tác phẩm mang thiên chức “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Người nghệ sĩ ấy đã đem cả sinh mệnh của mình để trả lại màu xanh cho chiếc lá đã úa vàng, để đổi lấy màu hồng trên đôi má của người thiếu nữ đã xanh xao, trả lại niềm tin, nghị lực cho con người yếu đuối. Chiếc lá chính là sự hi vọng, sự hồi sinh được xây dựng bằng tình người.

Như vậy, với nghệ thuật xây dựng tình huống độc đáo, giàu kịch tính, bất ngờ qua hai lần đảo lộn: Johnsy ốm yếu tưởng sẽ chết lại được hồi sinh, cụ Behrman khỏe mạnh bỗng dưng lại chết vì bệnh. Những câu văn giản dị mà thấm thía, nghệ thuật trần thuật không theo trình tự thời gian, tăng thêm sự kịch tính cho tác phẩm. Đặc biệt, việc xây dựng hình tượng chiếc lá mang ý nghĩa biểu tượng cao. Như một “chi tiết biết nói”, nó đã khẳng định ý nghĩa nhân văn tác phẩm cũng như tấm lòng và quan điểm của nhà văn. Với ông, tình yêu thương là cội nguồn của mọi sức mạnh và vẻ đẹp trong cuộc đời. Nó đem lại sự sống, niềm tin và biến cuộc đời này trở nên đẹp hơn. Với ông, “trên đời, chỉ có một điều ấy thôi. Đó là yêu thương nhau”, như lời của Victor Hugo đã phát biểu qua hình tượng Jean Valjean trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”.

Một chiếc lá cứu sống một con người, một tác phẩm đưa con người ta đến gần hơn với cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống. “Nghệ thuật vị nhân sinh”, là hướng ta tới chân, thiện, mĩ là vì thế!

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy lập dàn ý cho truyện ngắn "Lão Hạc".

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Vài nét về tác giả Nam Cao: Nhà văn hiện thực xuất sắc.

- Khái quát về tác phẩm Lão Hạc: thể hiện sự chân thực và cảm động về số phận đau thương của người nông dân trong xã hội phong kiến cũ và ca ngợi những phẩm chất cao quí của họ thông qua hình tượng nhân vật Lão Hạc.

b. Thân bài:

- Tình cảnh Lão Hạc:

+ Một lão nông già yếu, cô đơn -> tình cảnh bi đát.

+ Vì nghèo, lão dự định bán đi cậu Vàng - kỉ vật của anh con trai, người bạn thân thiết của bản thân mình - và chọn con đường kết thúc cho mình.

- Diễn biến tâm trạng lão Hạc quanh việc bán cậu Vàng:

+ Cho ăn trong một bát lớn như của nhà giàu; ăn gì cũng gắp cho nó cùng ăn.

+ Rỗi rãi thì đem nó ra ao tắm, bắt rận cho nó.

+ Mỗi khi uống rượu lão nhắm vài miếng thì lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho cháu.

+ Thường xuyên tâm sự với nó về bố nó, rồi thủ thỉ, âu yếm.

- Tâm trạng, biểu hiện khi bán chó:

+ Lão cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước.

+ Mặt lão đột nhiên co rúm lại, vết nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra.

+ Đầu ngoẹo về một bên, miệng móm mém mếu như con nít.

+ Lão hu hu khóc.

- Cái chết của lão Hạc: Lão nhờ ông giáo 2 việc:

+ Trông nom hộ mảnh vườn, khi nào con trai lão về thì giao lại cho nó.

+ Mang hết tiền dành dụm nhờ ông giáo và bà con chòm xóm làm ma cho nếu lão chết đi.

+ Nguyên nhân: Ý thức sâu sắc, rõ ràng hoàn cảnh cùng đường, không có lối thoát của mình.

+ Mục đích: Bảo toàn tài sản cho con và không muốn phiền hà đến bà con hàng xóm.

+ Vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, mắt long sòng sọc, lão tru tréo, bọt mép sùi ra... người lão chốc chốc lại giật mạnh... vật vã đến hai giờ đồng hồ mới chết.

- Nhân vật ông giáo:

+ Có cùng nỗi khổ của sự nghèo túng; có cùng nỗi đau phải bán đi những thứ mà mình yêu quí nhất.

+ Thông cảm, thương xót cho hoàn cảnh của lão Hạc, tìm mọi cách an ủi, giúp đỡ lão.

+ Ông là người hiểu đời hiểu người, có tấm lòng vị tha cao cả.

c. Kết bài:

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm.

- Liên hệ trình bày cảm nhận của bản thân thông qua truyện ngắn này.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết một bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

- Giáo dục ý thức học tập, có ý thức rèn kĩ năng làm bài.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM