Soạn bài Ôn tập văn miêu tả Ngữ văn 6 đầy đủ

Bài soạn "Ôn tập về văn miêu tả" dưới đây nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa những kiến thức đã học về văn miêu tả trong chương trình Ngữ văn 6 học kì 2. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Ôn tập văn miêu tả Ngữ văn 6 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 120 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Đoạn văn của Nguyễn Tuân hay và độc đáo nhờ các yếu tố:

- Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ giản dị nhưng có sức gợi tả và gợi cảm cao, chính vì những ngôn ngữ giàu sức gợi như vậy đã tạo nên được một bức tranh sống động, sắc sảo: chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây bụi, mặt trời tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ quả trứng thiên nhiên; chân trời màu ngọc trai.

- Lựa chọn được các chi tiết, hình ảnh đặc sắc, thể hiện được linh hồn của tạo vật.

- Có những liên tưởng so sánh, nhận xét độc đáo: mặt trời - trứng, chân trời, ngấn bể sạch - tấm kính lau hết mây bụi, cảnh bình minh - mâm lễ phẩm tiến ra từ bình minh.

- Thể hiện rõ thái độ, tình cảm của người tả đối với đối tượng được tả.

2. Soạn câu 2 trang 120 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Dàn bài tả cảnh đầm sen đang mùa nở hoa:

a. Mở bài: 

- Khái quát, dẫn dắt giới thiệu về quang cảnh đầm sen.

b. Thân bài:

- Không gian của đầm sen như thế nào?

- Những cây cối xung quanh đầm sen.

- Tả chi tiết:

+ Hồ sen có nước xanh trong lành, những cánh hoa sen nở rộ và rơi xuống mặt hồ, tạo nên một mặt hồ đầy lung linh, huyền ảo.

+ Hình dáng của lá sen: bản rộng, tròn, che kín mặt nước, giống những chiếc áo phao để nâng đỡ hoa.

+ Miêu tả chi tiết về màu của hoa sen trong hồ sen. Chẳng hạn như hoa có cánh màu hồng nhạt/ trắng muốt, cánh hoa xòe rộng xếp đều quanh đài hoa, mỗi cánh hoa như chiếc thuyền nan thu nhỏ.

+ Đài hoa: như chiếc nón rộng lòng, xanh ngắt, trên đài hoa lấm tấm hạt ngọc vàng.

+ Cuống hoa dài, mọc thẳng, xung quanh được bao bởi gai nhỏ, sần sùi.

+ Búp hoa (hoa khi chưa nở): giống như hai bàn tay khum khum úp lại với nhau, màu xanh thẫm/ xanh nhạt.

+ Tả hồ sen ở nhiều thời điểm khác nhau: lúc sáng sớm, giữa trưa nắng, lúc hoàng hôn buông xuống.

+ Có thể tả hoạt động của con người trên hồ sen: hái hoa, ướp trà, chụp ảnh cùng với hoa.

c. Kết bài:

- Cảm nhận về vẻ đẹp của đầm sen lúc đang nở rộ.

3. Soạn câu 3 trang 121 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Miêu tả một em bé ngây thơ, bụ bẫm đang tập đi, tập nói cần nói các ý sau:

- Nói đến ngoại hình của em bé đầu tiên:

+ Dáng người thanh mảnh, nhỏ nhắn.

+ Chiều cao tương đối.

+ Gương mặt.

+ Nước da.

+ Ánh mắt.

- Tả hoạt động tập đi của bé:

+ Bước chập chững.

+ Vịn tay vào mẹ, vào tường, vào xe tập đi.

+ Cười thích thú khi được cổ vũ, khen ngợi.

- Tả hoạt động tập nói của bé.

+ Bập bẹ nói từng từ.

+ Thích bắt chước nói theo người lớn.

4. Soạn câu 4 trang 121 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Liệt kê đoạn văn miêu tả và đoạn văn tự sự trong văn bản "Bài học đường đời đầu tiên" và "Buổi học cuối cùng":

a. "Bài học đường đời đầu tiên":

- Đoạn văn miêu tả:

"Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Ðôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Ðôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con vì cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu".

(Trích Bài học đường đời đầu tiên - Tô Hoài)

- Đoạn văn tự sự:

"Tôi chui tọt ngay vào hang, lên giường nằm khểnh, bắt chân chữ ngũ. Bụng nghĩ thú vị: Mày tức thì mày cứ tức, mày ghè vỡ đầu mày ra cho nhỏ đi, nhỏ đến đâu mày cũng không chui nổi vào tổ tao đâu!".

(Trích Bài học đường đời đầu tiên - Tô Hoài)

b. "Buổi học cuối cùng":

- Đoạn văn miêu tả: 

"Tôi trèo qua ghế và ngồi vào bàn. Đến khi đó, khi đã bớt sợ, tôi mới nhận thấy thầy giáo đang mặc chiếc áo khoác xanh, chiếc áo sơ mi xếp nếp, đội chiếc mũ thêu bằng lụa đen mà thầy không bao giờ mặc trừ những ngày thanh tra và những ngày trao giải thưởng. Ngoài ra trường hôm nay trông thật lạ và trang trọng. Nhưng điều ngạc nhiên nhất đối với tôi là, trên những chiếc ghế đen trước đây luôn luôn trống vắng, nhiều dân làng đang ngồi và cũng yên lặng như chúng tôi; ông già Hauser với chiếc mũ ba góc, ông thị trưởng, bác đưa thư, và vài người khác. Mọi người trông có vẻ buồn bã, ông Hauser mang theo một quyển sách vỡ lòng cũ kỹ, mép đã nhàu nát, ông mở rộng sách trên đầu gối và đặt đôi kính ngang trang sách".

(Trích Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ-Đô-đê)

- Đoạn văn tự sự:

"Rồi từ chuyện này sang chuyện khác, thầy Hamel tiếp tục nói chuyện về tiếng Pháp, rằng đó là ngôn ngữ đẹp nhất, rõ ràng nhất, logic nhất trên thế giới, rằng chúng tôi phải giữ gìn và không được quên nó, vì khi một dân tộc bị nô dịch, chừng nào họ còn giữ được tiếng nói là họ còn giữ được chiếc chìa khoá thoát khỏi ngục tù. Rồi thầy mở sách ngữ pháp và giảng bài. Tôi thấy rất ngạc nhiên vì mình hoàn toàn hiểu bài. Những gì thầy giảng thật dễ hiểu làm sao! Tôi nhận thấy mình chưa bao giờ nghe giảng chăm chú như vậy, và cũng chưa bao giờ thầy giảng nhiệt tình như thế. Có vẻ như người thầy tội nghiệp muốn truyền cho chúng tôi tất cả những gì thầy biết trước khi ra đi, và muốn đặt hết vào đầu chúng tôi chỉ trong chốc lát".

(Trích Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ-Đô-đê)

Ngày:07/01/2021 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM