Lý 6 Bài 20: Sự nở vì nhiệt của chất khí

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được các chất khí nở ra vì nhiệt như thế nào, nó nở ra, co lại khi nào. Từ đó giải được các dạng bài tập từ dễ đến khó, mời các em cùng tham khảo. Chúc các em học tốt!

Lý 6 Bài 20: Sự nở vì nhiệt của chất khí

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thí nghiệm

  • Cắm một ống thủy tinh nhỏ xuyên qua nút bình cầu

  • Cho một giọt nước màu vào trong ống thuỷ tinh.

  • Lắp chặt nút cao su có ống thủy tinh chứa nước màu vào bình cầu.

  • Xát hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng lên, sau đó áp chặt vào bình cầu 

Ống thủy tinh nhỏ xuyên qua nút bình cầu

Áp chặt tay vào bình cầu

1.2. Trả lời câu hỏi

- Có hiện tượng gì xảy ra với giọt nước trong ống thủy tinh? Hiện tượng này chứng tỏ thể tích không khí trong bình cầu thay đổi thế nào?

  • Ta thấy giọt nước màu đi lên, chứng tỏ thể tích khí trong bình nở ra.

  • Nói cách khác: đã có lực tác dụng vào giọt nước đẩy giọt nước đi lên, lực này do không khí dãn nở mà có

- Khi ta thôi không áp tay vào bình cầu, có hiện tượng gì xảy ra với giọt nước màu trong ống thủy tinh? Hiện tượng này chứng tỏ điều gì?

Giọt nước màu đi xuống, chứng tỏ thể tích không khí trong bình giảm, không khí trong bình co lại

- Tại sao thể tích không khí trong bình cầu lại tăng khi ta áp hai bàn tay nóng vào bình?

Thể tích khí trong bình tăng lên là do không khí trong bình nóng lên

- Tại sao thể tích không khí trong bình cầu lại giảm khi ta thôi không áp hai bàn tay nóng vào bình?

  • Thể tích khí trong bình giảm đi là do không khí trong bình lạnh đi.

Bảng 1: So sánh sự nở vì nhiệt của các chất rắn, lỏng và khí.

  • Các chất khí khác nhau nhưng lại nở vì nhiệt giống nhau.

1.3. So sánh sự nở vì nhiệt của các chất khác nhau.

Chất khí nở vì nhiệt nhiều hơn chất lỏng, chất lỏng nở vì nhiệt nhiều hơn chất rắn.

1.4. Rút ra kết luận

a. Thể tích khí trong bình tăng khi nóng lên.

b. Thể tích khí trong bình giảm khi lạnh đi.

c. Chất rắn nở ra vì nhiệt ít nhất, chất khí nở ra vì nhiệt nhiều nhất.

- Vậy:

  • Chất khí nở ra khi nóng lên, co lại khi lạnh đi.

  • Các chất khí khác nhau nở vì nhiệt giống nhau.

  • Chất khi nở vì nhiệt nhiều hơn chất lỏng, chất lỏng nở vì nhiệt nhiều hơn chất rắn

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Tại sao thể tích không khí trong bình lại giảm đi khi ta thôi không áp tay vào bình cầu?

Hướng dẫn giải:

Khi ta thôi không áp tay vào bình cầu thì nhiệt độ của bình cao hơn nhiệt độ của không khí xung quanh bên ngoài làm nhiệt độ của bình và không khí trong bình cũng hạ xuống nên co lại.

Câu 2: Phải có điều kiện gì thì quả bóng bàn bị móp, được nhúng vào nước nóng mới có thể phồng lên?

Hướng dẫn giải:

Trong trường hợp quả bóng bàn bị móp lại đồng thời bị nứt thì khi thả vào nước nóng không thể phồng lên được, vì không khí trong bóng nở ra sẽ theo vết nứt ra ngoài.

Nếu quả bóng bàn bị móp, nhưng không bị nứt thì khi thả bóng vào nước nóng, không khí nở ra nhưng không thoát ra ngoài được, nên đẩy vào vỏ và làm phồng bóng lên.

Do đó điều kiện để quả bóng bàn bị móp, được nhúng vào nước nóng mới có thể phồng lên là không khí bên trong quả bóng không được thất thoát ra ngoài, nghĩa là quả bóng không bị hở khí.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Bánh xe đạp khi bơm căng, nếu để ngoài trưa nắng sẽ dễ bị nổ. Giải thích tại sao?

Câu 2: Khi nhúng quả bóng bàn bị móp vào trong nước nóng, nó sẽ phồng trở lại. Vì sao vậy?

Câu 3: Hộp quẹt ga khi còn đầy ga trong quẹt nếu đem phơi nắng thì sẽ dễ bị nổ. Giải thích tại sao?

Câu 4: Khi ta thôi không áp tay vào bình cầu, có hiện tượng gì xảy ra với giọt nước màu trong ống thuỷ tinh? Hiện tượng chứng tỏ điều gì?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Kết luận nào sau đây là đúng khi nói về sự nở vì nhiệt của không khí và khí oxi?

A. Không khí nở vì nhiệt nhiều hơn oxi.

B. Không khí nở vì nhiệt ít hơn oxi.

C. Không khí và oxi nở nhiệt như nhau.

D. Cả ba kết luận trên đều sai.

Câu 2: Phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Chất khí nở ra khi nóng lên, co lại khi lạnh đi.

B. Các chất khí khác nhau nở vì nhiệt giống nhau.

C. Chất khí nở vì nhiệt nhiều hơn chất lỏng, chất lỏng nở vì nhiệt nhiều hơn chất rắn.

D. Khi nung nóng khí thì thể tích của chất khí giảm.

Câu 3: Điền từ đúng nhất. Khi giảm nhiệt độ, thể tích của…….sẽ giảm ít hơn thể tích của…….

A. chất khí, chất lỏng

B. chất khí, chất rắn

C. chất lỏng, chất rắn

D. chất rắn, chất lỏng

Câu 4: Kết luận nào sau đây là đúng khi nói về thể tích của khối khí trong một bình thủy tinh đậy kín khi được đun nóng?

A. Thể tích không thay đổi vì bình thủy tinh đậy kín.

B. Thể tích tăng.

C. Thể tích giảm.

D. Cả ba kết luận trên đều sai.

4. Kết luận

Qua bài giảng Sự nở vì nhiệt của chất khí này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Mô tả được hiện tượng nở vì nhiệt của chất khí.

  • Nhận biết được các chất khí khác nhau nở vì nhiệt giống nhau.

  • Vận dụng kiến thức về sự nở vì nhiệt của chất khí để giải thích được một số hiện tượng và ứng dụng thực tế.

Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM