Vật lý 6 Bài 27: Sự bay hơi và sự ngưng tụ (tiếp theo)
Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được sự ngưng tụ là gì, nó phụ thuộc vào những yếu tố nào. Từ đó giải được các dạng bài tập từ dễ đến khó, nhằm giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức. Mời các em cùng tham khảo.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Sự ngưng tụ là gì?
- Sự ngưng tụ là sự chuyển từ thể hơi sang thể lỏng.
- Ví dụ:
- Khi đứng trước gương soi và thổi một hơi dài vào gương ta thấy trên gương xuất hiện một mảng mờ đục. Vết mờ đục chính là hơi nước trong hơi thở của ta đọng lại thành những giọt nước nhỏ li ti trên mặt gương.
- Cho viên nước đá vào cốc nước, một lúc sau thấy ở ngoài chiếc cốc có các giọt nước đọng lại. Đó là do hơi nước trong không khí ngưng tụ lại.
1.2. Đặc điểm của sự ngưng tụ
Sự ngưng tụ là quá trình ngược lại của sự bay hơi, nhiệt độ càng cao tốc độ bay hơi xảy ra càng nhanh thì nhiệt độ càng thấp thì sự ngưng tụ xảy ra cũng càng nhanh.
1.3. Rút ra kết luận
C1: Có gì khác nhau giữa nhiệt độ của nước trong cốc đối chứng và trong cốc thí nghiệm?
-
Nhiệt độ của nước trong cốc làm thí nghiệm thấp hơn nhiệt độ của nước trong cốc đối chứng.
C2: Có hiện tượng gì xảy ra ở mặt ngoài của cốc thí nghiệm? Hiện tượng này có xảy ra với cốc đối chứng không ?
-
Có nước đọng lại ở mặt ngoài cốc làm thí nghiệm, hiện tượng này không xảy ra đối với cốc đối chứng.
C3: Các giọt nước đọng ở mặt ngoài của cốc thí nghiệm có phải là trong cốc thấm ra không?
-
Không, vì nước đọng ở mặt ngoài của cốc không có màu, nước không thể thấm qua thủy tinh.
C4: Các giọt nước đọng bên ngoài cốc làm thí nghiệm do đâu mà có?
-
Do hơi nước trong không khí xung quanh mặt ngoài cốc gặp lạnh ngưng tụ lại.
C5: Vậy dự đoán của chúng ta có đúng không?
-
Dự đoán của chúng ta là đúng, vì hơi nước gặp lạnh đã nhanh chóng ngưng tụ thành nước.
2. Bài tập minh họa
Câu 1: Giải thích sự tạo thành giọt nước đọng trên lá cây vào ban đêm?
Hướng dẫn giải:
Về ban đêm nhiệt độ hạ xuống, hơi nước trong không khí ban đêm gặp lạnh, ngưng tụ thành các giọt sương đọng trên lá.
Câu 2: Tại sao rượu đựng trong chai không đậy nút sẽ cạn dần, còn nếu đậy nút kín thì không cạn?
Hướng dẫn giải:
Khi không đậy nút mặt thoáng của rượu thông với không khí bên ngoài nên sự bay hơi xảy ra mạnh hơn so với sự ngưng tụ nên hơi rượu thoát ra ngoài không khí do đó rượu cạn dần.
Rượu đựng trong chai cũng đồng thời xảy ra 2 quá trình bay hơi và ngưng tụ, nhưng rượu trong chai đậy kín có bao nhiêu rượu bay hơi thì cũng có bấy nhiêu rượu ngưng tụ lại nên lượng rượu sẽ không giảm.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Khi nấu cơm ta mở nắp vung ra thì thấy bên trong nắp có các giọt nước bám vào là do nguyên nhân gì?
Câu 2: Mây được tạo thành từ gì?
Câu 3: Tại sao khi cầm vào vỏ bình ga mini đang sử dụng ta thường thấy có một lớp nước rất mỏng trên đó?
Câu 4: Khi trời lạnh, ô tô có bật điều hòa và đóng kín cửa, hành khách ngồi trên ô tô thấy hiện tượng gì?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Sự ngưng tụ là sự chuyển từ
A. thể rắn sang thể lỏng
B. thể lỏng sang thể rắn
C. thể hơi sang thể lỏng
D. thể lỏng sang thể hơi
Câu 2: Bên ngoài thành cốc đựng nước đá có nước vì:
A. Nước trong cốc có thể thấm ra ngoài.
B. Hơi nước trong không khí ngưng tụ gặp lạnh tạo thành nước.
C. Nước trong cốc bay hơi ra bên ngoài.
D. Nước trong không khí tụ trên thành cốc.
Câu 3: Trường hợp nào sau đây liên quan đến sự ngưng tụ?
A. Khói tỏa ra từ vòi ấm đun nước
B. Nước trong cốc cạn dần
C. Phơi quần áo cho khô
D. Sự tạo thành nước
Câu 4: Hiện tượng nào sau đây không phải là sự ngưng tụ?
A. Hơi nước trong các đám mây sau một thời gian sẽ tạo thành mưa.
B. Khi hà hơi vào mặt kính cửa sổ sẽ xuất hiện những hạt nước nhỏ làm mờ kính.
C. Sự tạo thành giọt nước đọng trên lá cây vào ban đêm.
D. Nước mưa trên đường nhựa biến mất khi Mặt Trời lại xuất hiện sau cơn mưa.
4. Kết luận
Qua bài này, các em sẽ được làm quen với các kiến thức liên quan đến Sự bay hơi và sự ngưng tụ (tiếp theo) cùng với các bài tập liên quan theo nhiều cấp độ từ dễ đến khó,… các em cần phải nắm được:
-
Nắm được khái niệm sự ngưng tụ.
-
Nêu được các đặc điểm của sự ngưng tụ.
-
Mối liên hệ giữa quá trình bay hơi và quá trình ngưng tụ.
Tham khảo thêm
- doc Lý 6 Bài 18: Sự nở vì nhiệt của chất rắn
- doc Lý 6 Bài 19: Sự nở vì nhiệt của chất lỏng
- doc Lý 6 Bài 20: Sự nở vì nhiệt của chất khí
- doc Lý 6 Bài 21: Một số ứng dụng của sự nở vì nhiệt
- doc Vật lý 6 Bài 22: Nhiệt kế- Nhiệt giai
- doc Lý 6 Bài 23: Thực hành: đo nhiệt độ
- doc Lý 6 Bài 24: Sự nóng chảy và sự đông đặc
- doc Lý 6 Bài 25: Sự nóng chảy và sự đông đặc (tiếp theo)
- doc Lý 6 Bài 26: Sự bay hơi và sự ngưng tụ
- doc Lý 6 Bài 28: Sự sôi
- doc Lý 6 Bài 29: Sự sôi (tiếp theo)
- doc Lý 6 Bài 30: Tổng kết chương 2 Nhiệt học